Trong ánh bình minh của một buổi tập chạy buổi sáng, tôi ghé chợ sớm. Bà bán thịt hôm nay tự nhiên bán thêm những trái màu tím đen to tròn, óng ánh, bóng mượt, đều tăm tắp, mà lúc đó còn tối tôi không nhìn rõ là trái gì.
Mấy người đàn bà tranh nhau mua trong tiếng giải thích của bà hàng thịt: “Nho đó, nho hảo hạng mấy đứa làm khách sạn nó đem ra bán rẻ mới có giá này, tranh thủ ăn nho cao cấp đi”! Thì ra là nho hảo hạng thừa mứa từ bàn tiệc nên là thứ nho to tròn ngon lành, nhưng rời ra từng trái, nên tôi không nhận ra! Những người đàn bà vẫn hồn nhiên tranh nhau mua nho, và chỉ thoáng mươi phút, chỗ nho vụn rời có giá 80.000 đồng một ký đã bán hết sạch.
Trong ánh bình minh của một buổi tập chạy buổi sáng, tôi ghé chợ sớm. Bà bán thịt hôm nay tự nhiên bán thêm những trái màu tím đen to tròn, óng ánh, bóng mượt, đều tăm tắp, mà lúc đó còn tối tôi không nhìn rõ là trái gì. |
Tôi nhìn theo những người đi chợ, bỗng nghe trong lòng dâng lên một nỗi buồn! Tại sao đã bỏ tiền ra để mua một món hàng, chỉ vì nghĩ là món lợi hàng tốt giá rẻ mạt mà sẵn sàng bỏ tiền ra mua thức ăn rơi ra từ một bàn tiệc nào đó? Đến bao giờ chúng ta mới bỏ được cái thói quen trước một cái lợi nhỏ xíu nào đó, là tặc lưỡi, nhắm mắt làm không có nguyên tắc.
Vì vẫn có người sẵn sàng tham rẻ, mà mới có người bán hàng đi rao bán khăn, cốc tách thải loại của hãng hàng không, thực phẩm và vật dụng thừa của khách sạn, nhà hàng ra chợ bán giá rẻ. Đã qua rồi cái thời người dân ở nông thôn phải san sẻ cho nhau một chiếc áo vá.
Ngay những đoàn cứu trợ các vùng nghèo khó cũng cố gắng mua áo ấm mới cho trẻ em miền núi, mua thực phẩm sạch an toàn cứu trợ cho đồng bào vùng lũ. Đã từng xảy ra một vài vụ thương nhân gian xảo bán đại hạ giá thực phẩm đóng hộp hết hạn sử dụng cho các đoàn cứu trợ và bị phát hiện, bị phạt và xã hội lên án.
Những lối suy nghĩ đúng đắn đã được nhen nhóm trong tiêu dùng, nhưng dường như trong góc khuất đâu đó vẫn còn cái lối kinh doanh và tiêu dùng đớn hèn và sỉ nhục người tiêu dùng như vậy, dù nó là hiện tượng rất nhỏ, nhưng bất cứ ai cũng có giây phút không kiềm chế được lòng tham và chấp nhận ăn “những trái nho thừa rơi ra từ bàn tiệc”!
Chỉ có người Việt chúng ta mới có lý luận rất trái quy luật kiểu “hàng tốt giá rẻ” để tự lừa dối bản thân, lừa dối nhau không dám nhìn vào bản chất của sự tham vặt như vậy! Thỉnh thoảng tôi gặp ở các siêu thị những chiến dịch giảm giá, kích thích người tiêu dùng.
Tôi cho rằng khách hàng chính của siêu thị thuộc phân tầng trung lưu, có mức thu nhập ổn định. Tôi không có thiện cảm với sự giảm giá “siêu khuyến mãi”, bởi ẩn chứa bên trong rất có thể là nhân viên của siêu thị không có mức lương tốt, nhà sản xuất cung ứng hàng bị ép giá, bị chiếm dụng vốn vì chậm thanh toán, và bực bội nhất là vì tham rẻ mà mua phải món hàng kém chất lượng, hàng nhái mẫu mã sản phẩm! Nhưng bao giờ thì người tiêu dùng nhận ra những vấn đề này để có thái độ lựa chọn đúng với giá trị một món hàng họ sẽ mua,không ủng hộ lối làm ăn bát nháo.
Bao giờ thì chúng ta sử dụng đồng tiền đúng với những giá trị thật, hay cứ thói quen chạy theo cái lợi lộc nhỏ mọn?
Hồi đi Hàn Quốc, chúng tôi có tham gia một lớp học làm kim chi. Cô gái Hàn hướng dẫn nói rất rõ ràng, toàn bộ số kim chi các bạn làm hôm nay là được gửi đến một trại trẻ mồ côi sử dụng, vì vậy xin hãy làm với sự cố gắng để ngon nhất, vệ sinh nhất, để các em có món ăn an toàn, ngon miệng.
Cô ấy đi đi lại lại quanh du khách đang làm kim chi để hướng dẫn, nhắc nhở, tất cả đều phải mang bao tay, khẩu trang và tạp dề. Đúng là chúng tôi nghe vậy thì đã làm với thái độ nghiêm túc hơn hẳn. Ngay sau đó nhân viên cẩn thận thu gom kim chi đã làm vào các hộp chứa thực phẩm và đem đi ngay.
Tất cả đều hài lòng về việc đó và đánh giá cao văn hóa của người Hàn, rất văn minh trong tổ chức tour, chỉ qua việc làm kim chi đã thấy họ sống có ý thức cao và tính toán mọi việc thấu đáo, tiết kiệm và có ý nghĩa với cuộc sống! Sống như vậy đâu có khó khăn thêm, đâu cần phải quá cố gắng, nhưng mọi việc trong đời sống xã hội sẽ văn minh, tự tôn, sẽ tạo ra những giá trị mới và phát triển, thay vì che giấu lòng tham, chấp nhận những hành vi đớn hèn, sỉ nhục trong cái nhập nhoạng bóng tối!
Những người mua trái nho rơi ra từ bàn tiệc không nghèo, họ chính là tầng lớp trung lưu đóng vai trò xương sống phát triển của thành phố, mua ký nho đó với giá 80.000 đồng, vì biết rằng giá đó chỉ là một phần tư so với giá nho còn tem mác, thậm chí loại nho đó không thấy bán trong siêu thị vì quá đắt đỏ!
Rất lợi! Cứ chép miệng nhắm mắt chấp nhận như vậy, chúng ta sẽ rất khó khăn khi chấn hưng khí chất con người để mà có một thế hệ mới sống kỷ luật, nỗ lực và tự trọng!
Bích Hồng