.

Kẹo kéo về làng

.

Không còn bóng dáng những chiếc xe đạp nhọc nhằn với tiếng rao: “Ai kẹo kéo đê!” rè rè vang lên từ những chiếc loa nhỏ cũ kỹ, buộc ngay gần trước bánh xe. Tiếng loa kẹo kéo bây giờ không còn làm “nhiệm vụ” hỗ trợ cho công việc bán kẹo kéo của ai đó trên bước đường mưu sinh, nó trở thành phương tiện “giải sầu” xé tan bầu không khí ở làng quê yên tĩnh…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thằng Tí nhảy chân sáo theo tiếng nhạc vang lên xập xình bên nhà hàng xóm. “Làng mình bây giờ nhiều loa kẹo kéo hát to lắm!”- đôi chân cu cậu vẫn không ngừng nhún nhảy theo tiếng nhạc phát ra cách nó hàng trăm mét. Tôi hình dung đến thanh kẹo trắng ngọt lừ nơi đầu lưỡi tuổi ấu thơ mình, theo giọng nói trong trẻo của Tí khi nhắc đến từ kẹo kéo và bất chợt rùng mình bởi muôn vàn thanh âm đập xình xịch như muốn xô tung cả lồng ngực.

Cái làng quê nép mình bên mé sông, đất chua phèn nên người nông dân quê tôi những năm chưa có thủy lợi khá cơ cực. Anh em chúng tôi cố vẫy vùng kiếm con chữ để tìm tương lai bên ngoài chiếc cổng làng. Đó cũng là niềm ước mong của cha mẹ nối từ mùa này sang mùa khác. Rồi thủy lợi về, dòng nước mát trong lành tưới tắm cho ruộng đồng. Cộng với cơ giới hóa nông nghiệp phát triển. Mỗi năm, đất đai cho tới 3 vụ mùa. Sức kéo cày của máy móc thay sức trâu… Đời sống kinh tế cải thiện kéo theo đời sống tinh thần phong phú hơn.

Hẳn nhiên, lớp chúng tôi không chỉ vui khi trở về thăm quê mà còn tự hào. Tự hào bởi làng quê nghèo đã thay da đổi thịt, nhà cửa mọc lên khang trang, lớp trẻ sau mình bây giờ đến trường được trang bị đủ đầy hơn trước. Nhưng thằng Tí nói: “Không phải lúc nào loa kẹo kéo cũng hát hay. Những khi bận học bài hay lúc đau đầu và cả đêm khuya buồn ngủ thì nghe không được!”. Ấy là giữa chiều hanh nắng như hôm tôi về. Tiếng loa được phát to hết cỡ, thừa cho hàng xóm nghe! Đầu làng nghe tiếng loa, cuối làng cũng rộn ràng tiếng nhạc. Những bậc thanh niên trai tráng, trung niên… quây quần bên dàn nhạc, với chiếc loa phát công suất cỡ lớn để ngay ngoài sân, hướng mặt đi bất cứ nơi nào họ muốn và cứ thế mà hát. Bữa tiệc âm nhạc ấy thường có thêm vài chục chai bia hay chai rượu đế, dĩa mồi nhắm. Càng hát càng hăng say.

Phong trào hát với loa kẹo kéo về làng, mỗi tiếng năm chục nghìn tiền thuê loa. Một nhóm hát ít nhất cũng có ba, bốn người, cuộc vui cũng kéo dài được dăm ba tiếng. Niềm vui hát giải trí lâu dần hình thành thói quen. Khi đã quen thì vui người ta cũng hát, buồn cũng hát. Mà buồn vui thì bất chợt, nó hiển hiện bất cứ lúc nào.

Có cầu thì ắt có cung. Nhiều người kinh tế khấm khá, thức thời đầu tư hẳn vài cái loa, cho thuê dịch chuyển quanh làng. Kéo loa đi, nhận tiền về. Đủ vốn, loa sẽ sinh lãi mà không phải mất công theo nó suốt ngày như theo máy cày, máy phay hay máy gặt lúa… Nhất là vào những ngày mưa, chưa vào mùa vụ, nhu cầu giải trí càng lớn thì những chiếc loa ít khi được nghỉ ngơi…

Tôi tần ngần nhìn theo bước chân nhún nhảy của thằng Tí, xem chừng đã mệt mà cu cậu vẫn không thôi lắc lư vì tiếng loa chưa dứt. Tôi mường tượng ra cảnh dăm bảy đứa trẻ lít nhít chúng tôi ngày xưa ấy, mỗi lần nghe tiếng rao “Kẹo kéo đê!” lại hùa nhau chạy tít mù, xách theo vài cục sắt vụn hay đôi dép nhựa đứt để đổi lấy thanh kẹo ngọt. Tôi thầm hỏi, chúng tôi lớn lên với thanh âm kẹo kéo khó nghèo của cả người bán lẫn người mua mà nhớ mãi, còn thằng Tí mai này…?  Tôi nhìn thằng Tí, rồi nhớ đến lời tâm tư của bạn tôi: “Phố xá ồn ã quá, tao muốn về quê. Bao năm bất bạt quê người, tao thèm bữa cơm của mạ, thèm không khí yên tĩnh ở làng quê mình mỗi hoàng hôn khói bay sà sà trên chái bếp”. Tôi ậm ừ, không nỡ cắt ngang miền nhớ của đứa bạn đang quay quắt thèm không khí làng quê, mà nghe cơ hồ như tiếng quê rơi tuột đâu đó trong ký ức xa xăm, ngày loa kẹo kéo về làng.

Phan Vĩnh Yên
 

;
.
.
.
.
.