.

Nếu một mai rời xa thành phố

.

Nếu một ngày bất chợt tỉnh giấc, bạn thấy mình ngẩn ngơ ở một miền đất lạ không phải phố, điều bạn luyến tiếc nhất là gì?

Chưa bao giờ tôi hình dung ra một ngày mình quay lưng lại với thành phố thân thuộc, đôi bàn chân không còn những chiều bước đi trên con đường quen quen xao xác lá đầy, sáng dậy mở mắt ra không còn thấy căn hộ sáng choang trên tầng thứ mười hai của khu chung cư, khung cửa sổ với những chậu hoa mini đủ sắc và hàng cây nghiêng nghiêng góc đường cũng biến mất khỏi thị giác tôi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi bối rối, trong đầu thoáng nghĩ đến những hình ảnh ngọt ngào nhất, thân thương nhất gắn liền với những tháng năm bươn chải với đời với người: cầu lộng gió, ngã tư đường, gánh hàng rong, bác xe ôm đầu hoa râm dưới gốc cây bằng lăng cạnh chung cư tôi đang sống…

Tự dưng, tôi buột miệng trả lời một câu ngắn gọn khiến cả bọn phì cười: Mai này rời phố, tôi sẽ nhớ lắm món bún vỉa hè đúng chuẩn “vừa ngon vừa rẻ”…

Không dễ tìm một quán bún lề đường giữa lòng đô thị sang trọng. Những con đường lộng lẫy chỉ có chỗ cho món “bún nhà hàng” xa hoa đắt đỏ, chỉ để dành cho người hạng sang, túi tiền rủng rỉnh.

“Bún lề đường” vì thế bị đẩy lùi về những ngã tư đường, những con hẻm vắng, nằm cạnh công ty, xí nghiệp hay trước cổng một khu trọ tồi tàn khuất sâu sau vẻ ngoài đô thị hào nhoáng.

Tôi có thói quen thỉnh thoảng tấp xe vào một quán bún vỉa hè, gọi cho mình một tô bún to ngon lành để đầy đủ nào tôm, nào cua, nào chả viên béo ngậy. Quán bún lề đường thường đơn giản, khi là một đôi quang gánh nho nhỏ với mấy chiếc ghế cóc kê xung quanh.

Tôi hỏi cô bán bún sao không đặt thêm mấy cái bàn nhựa, vài chiếc ô cỡ lớn để khách ghé quán cảm thấy vừa thoải mái, vừa mát mẻ.

Cô cười, bảo: “Gọn gọn cho… dễ chạy”. Mới hay người bán quán vỉa hè phải trăn trở trăm bề, nỗi lo bán ế, nỗi lo áo cơm tả sữa, con khóc ở nhà. Thấp thoáng đâu đó dưới vành nón lá cà tàng là nỗi lo bị đuổi vì tự ý mở quán nơi vỉa hè đô thị.

Cô bán bún phe phẩy cây quạt mo trên tay cho tôi mát, tỉ mẩn lấy thêm cho tôi nhúm rau với giá đỗ bỏ vào trong cái đĩa. Vừa quạt vừa rôm rả chuyện trò, những lúc nhắc tới chuyện chạnh lòng tôi bỗng thấy mắt cô rưng rưng như sắp khóc, cô bảo:

“Mình bán vỉa hè thì mình chịu, xui rủi mấy ổng bắt được ký biên bản phạt tiền thì mình năn nỉ hết lời, năn nỉ không được thì đứt ruột đếm tiền… nộp phạt chứ sao. Khổ lắm cô ơi!”.

Cô ngưng kể chứ nếu không chắc tôi cũng khóc theo. Đi dọc phố thị với những gương mặt phấn sang trọng, phố đẹp như một thiên đường lại ẩn chứa đằng sau những cuộc đời cơ cực, lam lũ để kiếm cái ăn, để tìm chỗ bình yên trên mảnh đất lắm người nhưng vô vàn âu lo, toan tính…

Bún vỉa hè cô làm ngon đáo để, vừa đầy tô, thịt rau khá nhiều vừa hợp túi tiền (nếu không nói là quá rẻ). Tôi ăn hết thịt, rau, ngồi húp xoành xoạch món nước lèo thơm lựng, ngọt đến tận cả ruột gan. Một bận tôi thử chiều chuộng bản thân, một mình đi vào quán ăn sang trọng trên con đường rực rỡ nhất thành phố, gọi một tô bún riêu cua đặc sản.

Chưa đầy 5 phút, người bồi bàn ăn mặc lịch lãm, kính cẩn bưng ra rồi trở vào, không quên gửi đến tôi lời chúc ngon miệng quen thuộc của những quán hàng lớn trên phố. Tôi ngồi nhìn tô bún một lúc, chưng hửng, cái cảm giác thất vọng len lỏi đâu đó trong vị giác của tôi, hoặc do khẩu vị của tôi không phù hợp với món ăn trong một không gian sang trọng, cách phục vụ trang trọng và giá cả cũng… khá sang.

Lúc ấy, tôi nhớ lắm quán bún lề đường thân quen tôi ghé ăn mỗi ngày. Quán bình dị mà bao dung, quán đơn sơ mà nặng tình nặng nghĩa, món bún thơm lành kiểu cây nhà lá vườn là bàn tay chăm chút của cô bán bún kham khổ, của những ngày ròng rã mồ hôi dưới cái nóng của bầu trời thành phố mà lòng dạt dào hy vọng hôm nay bán hết, đủ tiền mua gạo cho nhà, mua sữa cho con, mua thuốc cho mình bởi những sáng trái gió trở trời là chỗ đeo quang gánh lại tê buốt, nhức không thể tả.

Ăn riết nên cô bán bún cũng biết ý, hễ thấy bọn tôi dừng xe lại là hì hụi làm bún mang ra, rồi ngồi xuống góp chuyện. Quán lề đường – thèm một ly trà đá cũng miễn phí.

Quán lề đường – chỉ 15.000 đồng một tô mà “ăn là ghiền”, ở đó có nụ cười của cô bán hàng tất tả ngược xuôi, có những tháng ngày đèo nhau trên chiếc xe cà tàng rong ruổi khắp phố, đói bụng lại tấp vào quán gọi tô bún ngon lành, tháng năm hóa thành ký ức…

Ngày mai, đói rồi! Mình lại đưa nhau về phố ăn bún lề đường, nhé!

Hoàng Khánh Duy

;
.
.
.
.
.