.

Thì của yêu thương

.

Có thể nói, trong tất cả các sự thể hữu hình hay vô hình mà con người có thể cảm nhận được để thành chủ đề của thơ, tình yêu là lĩnh vực dễ nhất và cũng là khó nhất. Dễ nhất ở chỗ, tình yêu ở muôn nơi, dễ dàng bắt gặp.

Nhưng khó nhất là giữa vô vàn sắc thái yêu, làm sao để tìm được nhiều tiếng nói chung, nhiều rung cảm tương đồng nhất. “Người con gái ta thương” của Ngô Võ Giang Trung đã đi chênh vênh giữa đôi bờ dễ - khó, thong dong giữa một lối đi tưởng hờ hững mà lại nhiều mắc mứu.

Bìa tập thơ Người con gái ta thương. Ảnh: Quỳnh Linh
Bìa tập thơ Người con gái ta thương. Ảnh: Quỳnh Linh

73 bài thơ, 73 đoản khúc được xếp gọn gàng trong 18 tệp nhạc như những câu chuyện về cuộc yêu, về chuyện thương. Ngô Võ Giang Trung - người ký âm cho tập thơ đã dùng sự sôi nổi vừa chín của tuổi trẻ để viết lên những vần điệu, nghe qua tưởng chừng yêu nhẹ nhàng nhưng nghĩ kỹ lại... thấy thương sâu.

Một cảm xúc vừa chớm;  những lời hẹn thề dâu bể; những mãnh liệt, đậm sâu; những tàn phai, vá víu; những còn, những mất; điều vẫn hiện diện, hay đã tan vào cõi hư; tất cả là yêu, là thương.

Tập thơ đã mở ra cuộc chuyện trò về tình yêu, về cuộc sống với khách thể bước ra từ xứ sở của Cái Đẹp – Người con gái ấy... Từng dòng thơ đong đầy hình bóng của một người con gái của ngày xưa. Có thể nói rằng người con gái ấy thuộc “thì quá khứ” về thời gian và “thì lỡ làng” của tâm thái.

Bạn có thể thấy vui nhè nhẹ khi đọc tập thơ này với Vẫn tin ở hoa hồng (trang 23). Niềm lạc quan không đến từ chuyện “thời buổi”, sự tích cực  lại đến từ “hoa hồng”; một mỹ cảm thuần khiết, một tình yêu dẫu sẽ tàn nhưng vẫn thăng hoa, rực cháy.

Hay những khi rất buồn, bạn lắng nghe Jazz (trang 91). Hình ảnh sân ga và chuyến tàu, muôn thuở vẫn là gặp gỡ vội vàng rồi ly biệt. Bởi bạn không thể bắt lại chuyến tàu vừa rời đi cách đây vài giây phút. Cái phút lỡ chuyến tình, đơn giản, và đau như phút lỡ tàu. Dù vui hay buồn, trong sáng hay u uẩn, “Người con gái ta thương” vẫn là miền thương đằm sâu dành cho phái đẹp, cho người con gái với những mỏng manh, yếu đuối, dâu bể cuộc đời...

Hầu hết các đoản khúc trung thành với lối kể tự do, thơ không theo thể thức, vần điệu, không cố gắng sắp đặt, lắp ghép; nếu có nhạc thì đó là nhạc của cảm xúc Giang Trung. Và nếu có va chấp, lỏi chỏi cũng là những cú vấp phi kiến trúc rất Giang Trung.

Giang Trung thi thoảng điểm xuyết những bài lục bát bình dị, thổi vào đó tinh thần hiện đại; đan xen là những lời văn nhẹ nhàng như những dòng tâm thư; minh họa là những ảnh chụp in đen trắng về những người nữ hệt như những tấm bưu thiếp... Đó là những lời tâm tình yêu thương của một người nam dịu dàng và từng trải dành cho người con gái mà anh từng thương, đang thương và luôn thương.

Nếu tập thơ đầu tay “Câu trả lời nằm ở cuộc yêu sau”, Giang Trung không đặt tên cho từng bài thơ, thì đến tập thơ này, từng bài dù là tên số hay tên chữ đều có một cái tên. Anh vui chơi với tập thơ đầu, để cho cảm xúc đẩy anh đi đến những nơi xa nhất, cũng là ngóc ngách nhất. Và phải chăng, chính nhờ sự thả trôi đó, nên “Người con gái ta thương” mới được viết ra như là một giãi bày cặn kẽ từng đoạn, từng khúc, từng chương, với tên gọi cho từng bài một cách rõ ràng.

Trắc ẩn và dịu êm ngay từ nhan đề, “Người con gái ta thương” đã dẫn lối vào một khu vườn tình đầy hoài vọng, có chút gì đó nồng ấm, u hoài của ngày xưa cũ,  nhưng cũng mang nét thanh tân của nhịp sống hôm nay... Gần 140 trang, tập thơ với thiết kế khổ vuông như một hộp nhạc nằm gọn trong đôi lòng bàn tay. Và thương yêu ấy có thể được nâng niu trên tay hay ngân nga trong những góc tâm hồn nào đấy, mỗi khi bạn nghĩ về người con gái buồn thương và người con trai đa cảm trong thì của yêu thương.

Quỳnh Linh

(*) Đọc tập thơ Người con gái ta thương – Ngô Võ Giang Trung, NXB Thế giới và Phương Nam Book ấn hành quý 2-2018.

;
.
.
.
.
.