.

Ngày mùa bỗng nhớ

.

Cái sân của nhà cô Nhung, ngày mùa, bỗng rộn ràng hẳn. Ngoài khoảng không gian chung là sân nhà đội, người làng tôi thường mượn sân cô Nhung vào mỗi độ gặt hái. Để đạp lúa, phơi lúa. Vì thuở ấy, sân nhà cô rộng nhất xóm, và là sân gạch.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhớ hồi nhỏ xíu, nỗi khổ tâm của đám con cô Nhung là bản trường ca “dậy sớm, quét sân”. Mấy anh chị em đang say giấc nồng, chỉ cần nghe tiếng gà gáy, tiếp sau đó là tiếng cô Nhung rất dõng dạc: “Tí, bé Lớn, bé Nhỏ ơi. Dậy!”. Trừ cu Vũ được ngủ nướng vì còn quá nhỏ, mấy anh em lăn qua lăn lại rồi thể nào cũng lo bật dậy. Vội vàng rửa mặt, ba anh em cầm chổi quơ hết  nhà trên nhà dưới, mấy vòng hè, và lúc ấy, cái sân gạch rộng thật khủng so với những đôi tay tuổi thơ, lại thêm mấy chục bậc ngõ đá…

Viết đến đây, tôi không khỏi bùi ngùi nghĩ đến bé Hồng trong truyện “Bài học quét nhà” của nhà văn có nét mặt lạnh lùng làng Đại Hoàng. Tất nhiên, mấy đứa bạn tôi, không đến nỗi tội nghiệp như bé Hồng. Vì cái sân này là niềm hãnh diện của Tí, Lớn, Nhỏ. Vì cái sân này là niềm ao ước của lũ trẻ cả xóm tôi. Nhảy cò cò rập rập từng canh (lượt) của trò nhảy tàu bay; trò “đi chợ về chợ” thì không nơi nào lý tưởng bằng nơi đây.

Nhà cô Nhung là cháu mấy đời của địa chủ, giờ vẫn giữ nguyên nét cổ của ngôi nhà có tuổi thọ gần 200 năm. Nhà rường bằng gỗ, ba gian hai chái, do những bàn tay khéo léo của thợ mộc Vân Hà kiến tạo. Cả hai dãy nhà đều lợp ngói âm dương. Âm dương là hòa khí của đất trời, nên mái nhà cũng đủ dung dưỡng cho sự sống của rêu, của hoa lá. Thu, đông là các mùa rêu phong. Nhà cô Nhung, đã mát, lại bốn mùa thoang thoảng hương gió đồng. Mùa đông vừa tàn rêu là hoa cỏ đua nhau mọc trên khe âm của mái. Mái nhà vốn đã đẹp mê mẩn rồi, lại nở hoa. Từng hàng hoa.

Từng hàng hoa. Bàn tay tạo hóa bao giờ cũng kỳ diệu hơn bất cứ nghệ nhân lừng danh nào. Sau này thấy mùa tam giác mạch ở Hà Giang, tôi cứ nghĩ, mái hoa nhà cô Nhung cũng thơ mộng không kém gì hoa tam giác mạch. Dù đây chỉ là loài cỏ hôi, mọc đầy ở quê tôi mỗi độ xuân về. Ngôi nhà đẹp như mơ ấy, hẳn nhiên phải đứng với cái sân gạch. Gạch lát sân là gạch thẻ, được nung thủ công, và xếp rất đẹp theo từng khu vực: giữa sân, góc sân. Những cái khe nhỏ xíu giữa các hàng gạch là nơi cư ngụ của họ hàng nhà rêu và cây cỏ sữa lá tròn li ti.

Ngày mùa, cô Nhung bắt mấy anh em Tí phải quét thật sạch và nhổ không còn tí cỏ nào, để cả làng đạp lúa, trau lúa, trau rơm. Lúa gặt về, được chất thành đống lớn hình tròn giữa sân theo cách dựng đứng các bó lúa. Sau đó, người ta dắt trâu đi vòng quanh đống lúa, đến khi nào lúa thục (hạt lúa rời khỏi bông) thì giũ rơm, giê lúa. Vui nhất là khi đang mải miết đạp lúa, các chú trâu bỗng nhiên giở chứng đứng lại cong đuôi, thì các đài hứng nước, đài hứng phân được tức tốc đưa vào kẻo… nhớp hết lúa. Tiếng cười nói cứ vang rộn cả khoảng sân. Cuối ngày, chú Tư thường un một đống bổi chỗ góc sân. Bổi là lúa lép. Un để lấy tro làm phân bón. Đống bổi lặng lẽ tỏa khói nhè nhẹ, thỉnh thoảng nổ lách tách vì còn đôi hạt lúa chắc lẫn vào. Chúng tôi thường lùi vào đó củ khoai lang chín lên thơm phức. Món ăn bình thường vậy mà sau này mới biết nó cũng ngon độc đáo: “nhất đậu phụng rang, nhì khoai lang nướng”.

Cái sân gạch cứ theo mùa thay áo mới. Mùa lúa, sân mang áo vàng. Màu của no ấm, của tươi vui. Hết lấp lánh, sân xanh màu của rơm lúa mới. Cả một khoảng không gian thơm ngát. Có lẽ những nhà pha chế nước hoa kỳ tài cũng khó tìm được công thức cho cái mùi thoang thoảng vừa mê đắm, vừa dân dã này. Mùi ruộng đồng, mùi quê hương cứ thế thấm đẫm đến từng chân tơ kẽ tóc của lũ trẻ nhà quê chúng tôi. Và cái sân nhà cô Nhung còn mang màu đậu phụng, màu sắn, khoai lang được rải hoặc sắp lát cẩn thận mỗi ngày, mỗi mùa từ sáng sớm. Sợ nhất là mùa đông, rêu bám dày, sân trơn như mỡ. Nó chỉ mặc độc chiếc áo xanh lạnh lùng.

Một mùa gặt nữa lại về. Vô vàn ký ức chợt thắp lên khi tôi về ngang cánh đồng ánh vàng trĩu hạt. Nhìn chị thôn nữ dùng trang cào lúa bên đường, lòng tôi bỗng nhớ tuổi thơ ngây dại, nhớ khoảng sân gạch nhà cô Nhung. Nỗi nhớ cứ lung linh…

Nguyễn Thị Diệu Hiền

;
.
.
.
.
.