Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã phơi mưa - phơi nỗi lòng mình bằng cả dòng sông mưa thi ca giữa một ngày Thu Hà Nội. Thu rơi và Phơi cơn mưa lên chiều là hai cơn mưa trong dòng sông thi ca ấy vừa tạo nên một thi ảnh đẹp ám ảnh bạn đọc yêu thơ anh.
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Tình cờ hay tin nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh từ Đà Nẵng ra Hà Nội tổ chức buổi ra mắt tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều của anh, tôi tìm đến. Tham dự buổi lễ có nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình, đặc biệt các em sinh viên lớp viết văn Nguyễn Du, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và đông đảo bạn đọc yêu thơ hay tin đã đến để cùng “phơi mưa” với nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh giữa tiết thu Hà Nội.
Thú thực, với tôi đây là sự tình cờ hay như người ta thường nói là do cơ duyên để biết và yêu thêm một nhà thơ xứ Quảng xa xôi. Anh chẳng ngại mang thơ từ một làng quê nghèo bên con sông Vu Gia, Đại Lộc quê anh ra phố để “phơi” trên đất Bắc.
Cũng như tình cảm của bao người con ở những vùng quê khác đến rồi xa Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh từng thổ lộ: “Đã bao lần tôi đến nơi đây/ Hà Nội cơ hồ như khách lạ/ Một chút hồn quê nơi phố xa/ Ai bỏ quên cuối vạt nắng chiều”. Chút hồn quê ấy giờ không còn xa lạ nữa mà đã trở nên gần gũi, thân thiết bởi thơ anh đã được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận giữa đất Hà thành.
Thu rơi và Phơi cơn mưa lên chiều của anh làm khắc khoải bao người yêu thơ Hà Nội. Hôm nao, ai đó đã từng nghe tiếng mưa thánh thót đêm Thu. Hay ai đã từng mơ màng trước “mưa xuân phơi phới bay” trong đêm gánh chèo làng Đặng đi qua ngõ (thơ Nguyễn Bính). Đấy, những cơn mưa vừa ảo, vừa thực lại rất đời của các thi sĩ cứ thế sống mãi trong thi ca, trong ký ức bạn đọc... Còn cơn mưa của Nguyễn Ngọc Hạnh lại là “Cơn mưa phơi lên chiều trôi”. Hay “Mưa cong vút lên trời hoàng hôn” (bài Thu rơi). Lạ quá, người ta nói phơi nắng chứ ai nói phơi mưa? Lại còn mưa cong vút lên trời? Sao nhà thơ có thể nói trái quy luật như thế nhỉ?
Thật ra, Nguyễn Ngọc Hạnh đã có không ít bài thơ nhắc tới mưa, đợi mưa. Mưa nào cũng có nỗi buồn. Không có mưa cũng buồn: “Gió lên biển chớp lên rồi/ Mà đêm hôm ấy ngoài trời không mưa”. Hay trong bài Quê mẹ ở Kỳ Lam, nhà thơ gặp cơn mưa chiều trắng trời, trắng đất, đến nỗi “Mưa nào buồn như mưa trên sông”. Hoặc bất chợt nỗi nhớ em khi ở Tam Kỳ, Nguyễn Ngọc Hạnh cũng nhắc tới mưa: “Xa rồi người yêu ơi/ Mưa rơi chiều sâu thẳm”, buồn đấy chứ?
Rồi một chiều ở Bình Dương nhà thơ dầm mưa với một nỗi niềm, khao khát: “Tôi đi trong chiều mưa đằm/ Cây thắm trên vùng đất mới/ Vẫn còn cơn khát nghìn năm”. Và đây cũng là mưa, nhưng mưa phùn như gió nhẹ: “Cứ rơi rơi trong chiều lặng lẽ/ Mưa cứ mưa đan chéo nỗi buồn”...
Những cơn mưa ấy buồn không lạ bởi nó gắn với từng nỗi niềm của thi sĩ về quê hương, về tình yêu rất đỗi hiền lành chan chứa của mình.
Còn cơn mưa trong Thu rơi và cơn mưa “phơi lên chiều trôi” của Nguyễn Ngọc Hạnh mới là lạ. Vì sao lạ? Phải chăng đó là ảo giác và chính nó đóng đinh vào tâm trí người đọc một cảm giác mơ hồ để người đọc phải giật mình vỗ đùi gật gù khi đọc hết bài thơ: “Thu xa rồi hay em xa tôi/ Biết còn ai nâng niu bên đời/ Một chiếc lá vàng rơi rất thấp/ Rơi theo chiều tôi đang rơi”. Chao ơi, tình cảm thật sâu lắng. Sẽ chẳng ai nhớ tới cơn mưa cong nữa mà chỉ đọng lại nỗi day dứt rất đời, rất thực: “Thu xa rồi hay em xa tôi”. Cuối cùng là “thu rơi” như chiếc lá, tiếng rơi rất khẽ theo chiều “tôi đang rơi”. Khẽ lắm nhưng rất da diết và đúng với quy luật của đất trời.
Khác với cơn mưa cong vút, nhà thơ lại ví cơn mưa khác “như tóc em bay lưng trời”. Người ta hong mái tóc dài, dùng quạt thổi cho tóc bay theo gió, đó là một cách phơi tóc. Còn “phơi cơn mưa lên chiều” của Nguyễn Ngọc Hạnh lại khiến ta liên tưởng đến “phơi tóc em bay lưng trời”. Quả thật, đó là một thi ảnh đẹp, rất đẹp nhưng mà dường như đó cũng chỉ là cái cớ, để anh dồn tất cả hồn cốt của tứ thơ vào những câu sau. Phải rồi, anh đã “yêu hết một đời cạn kiệt/ thà rơi như là chiều buông”. Và cuối cùng “Thà tôi phiêu dạt dặm trường/ Thà cứ yêu người lận đận/ Mưa ơi hãy rơi chầm chậm/ Ngày tôi bay ngang qua đời” thì đó chẳng phải là tình yêu, là nỗi lòng mình mà tác giả đã muốn “phơi” hết cả ra hay sao?
Hà Nội, 28-9-2018
Lê Thông