.

Còn chút gì để nhớ…

.

Công việc viết lách, đánh đu với trò chơi chữ nghĩa của tôi, ít nhiều ảnh hưởng từ thầy Lê Xuân Việt. Trước hết, thầy là tấm gương nhà giáo mẫu mực, tâm huyết với nghề và hết lòng vì sinh viên, đồng thời còn là một diễn giả, nên giờ giảng của thầy luôn cuốn hút sinh viên.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thầy Việt quê ở Thanh Hóa, tuổi Canh Dần (1950), là con trai một trong gia đình có hai chị em; bố là liệt sĩ, mẹ cũng mất sớm, hai chị em sống nương tựa nhau. Bằng sự nỗ lực phấn đấu của một học sinh ở miền quê nghèo Triệu Sơn, thầy thi đỗ vào khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 14 (1973-1977), tốt nghiệp loại giỏi nên được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy khoa Tiếng Việt.

Ngay lúc ấy, Trường Đại học Tổng hợp Huế vừa mới hình thành trên cơ sở sáp nhập Đại học Văn khoa và Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Huế, thầy tình nguyện vào chi viện cho trường mới, giảng dạy bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, làm Phó Bí thư Đoàn trường, tham gia công tác trợ lý trong bộ máy lãnh đạo khoa và các hoạt động xã hội mang tính chuyên môn như thành viên ban biên tập đầu tiên của tạp chí Sông Hương, thời nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm sáng lập và làm Tổng biên tập (1983-1987).

Cũng vào khoảng cuối những năm thập niên 80 thế kỷ 20, thầy là người đầu tiên của khoa đi làm nghiên cứu sinh nước ngoài. Nhưng do bệnh tật, thầy phải bỏ dở việc học, trở về nước và qua đời ở tuổi 47 (1997). Nhiều năm trời không tìm ra bệnh, thầy vẫn kiên trì làm việc cho đến phút cuối cùng.

Cô Vương Hồng Hoan, vợ thầy, thời ấy cũng công tác tại tạp chí Sông Hương, nên thầy cô luôn động viên lớp trẻ chúng tôi viết bài cộng tác với tạp chí. Tất nhiên, bài được in thời đó không dễ. Điều quan trọng hơn là ảnh hưởng từ tấm gương lao động miệt mài của thầy, tạo ra một từ trường cuốn hút chúng tôi noi theo.

Ngoài giảng dạy và công tác ở trường, làm việc ở tạp chí, thầy Việt còn dành thời gian đọc những tác phẩm mới và đi diễn thuyết với cán bộ, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, bạn đọc các thư viện, lãnh đạo và nhân dân các huyện, công nhân nông trường, lâm trường trong tỉnh Bình Trị Thiên và nhiều địa phương khác. PGS.TS Hồ Thế Hà, người học trò cùng chuyên môn và thân thiết nhất của thầy, từng kể rằng, “Trước khi mất một hôm, hai thầy trò cùng trò chuyện. Thầy nói về những dự định và những việc đang làm thật say mê, sôi nổi.

Thầy cho tôi xem tập bản thảo Những trang đời, trang văn vừa hoàn tất, được Nhà xuất bản Thuận Hóa nhận in và phát hành trong thời gian gần nhất” (Hồ Thế Hà, Những kỷ niệm với thầy Lê Xuân Việt, in trong Từ cư xá đến giảng đường, Nhà Xuất bản Đà Nẵng 2014, tr.186-187). Tác phẩm sau đó có được in hay không, không nghe nhắc tới nữa. Những gì còn lại của thầy là tập sách in chung với Hồ Thế Hà Thức cùng trang văn (Nhà Xuất bản Thuận Hóa, 1994), viết về 11 tác giả văn học đương đại Thừa Thiên Huế.

Thật ra, trước khi đi nghiên cứu sinh, thầy Việt đã từng có ý định cùng các anh chị em trong khoa nghiên cứu về các tác giả văn học đương đại ở vùng đất này. Sau khi thầy đi học nước ngoài, tôi đã tiếp tục thực hiện ý đồ của thầy, đứng ra tổ chức và làm chủ biên công trình Chân dung văn học Bình Trị Thiên (Đại học Tổng hợp Huế xuất bản 1989), gồm mấy chục tác giả tham gia, trong đó có những người sau này thành danh, trở thành những nhà khoa học như các PGS.TS Hoàng Tất Thắng, Bùi Mạnh Hùng, Hồ Thế Hà, Nguyễn Thành hoặc các TS Trần Trung Hỷ, Hoàng Thu Thủy…

Trong Thức cùng trang văn, thầy viết về 5 tác giả văn xuôi: Nguyễn Quang Hà, Hà Khánh Linh, Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ. Sách được cấu trúc vừa có tiểu sử, quan niệm sáng tác, vừa phỏng vấn tác giả, trích đăng tác phẩm tiêu biểu và phần phê bình chân dung, gộp chung lại, trong số 272 trang; phần viết về 5 tác giả không quá 75 trang. Đó là tất cả những gì còn lại cả một đời lao động miệt mài của nhà nghiên cứu phê bình văn học Lê Xuân Việt.

Trang giấy thì mỏng, nhưng ý tưởng luôn tràn đầy. Chỉ đọc tiêu đề các bài viết thôi, cũng đủ nhận ra nhà phê bình đã “nắm thóp” được những điều cốt lõi của từng tác giả: Nguyễn Quang Hà - Từ những trang bút ký, Nguyễn Khắc Phê - Con đường, dòng sông và trang viết, Tô Nhuận Vỹ - Văn của người trong cuộc, Văn xuôi Hà Khánh Linh, Truyện ngắn Hồng Nhu. Ngay trong cách phân tích, lý giải và trình bày một cách cặn kẻ, mạch lạc, người viết cũng chỉ ra được “cái thần” của từng tác giả đầy sức thuyết phục: “Hồng Nhu tỏ ra có biệt tài khi anh tả biển và người.

Phải chăng sự mặn mòi của biển cả, ngọn gió mát lành, phóng túng của biển khơi, của vùng đầm phá Tam Giang quê hương anh, đã giúp cho văn Hồng Nhu mang được bản sắc, neo được trong tâm tưởng người đọc” [tr.209]. Ở góc nhìn về sự nhập vai trong năng lực xây dựng nhân vật của Hà Khánh Linh, tác giả chỉ ra rằng: “Chị viết như có sự hóa thân vào chiều sâu nội tâm những lớp người mà chị hiểu bằng sự tinh nhạy của người phụ nữ viết văn” [tr.161]. Hoặc phác thảo chân dung Nguyễn Khắc Phê sau đây là tài hoa và chuẩn xác: “Người đàn ông ấy ăn mặc thật giản dị, đầu đội mũ lá xứ Nghệ, cổ quàng khăn ấm, chân lận đôi dép cao su Bình Trị Thiên và bộ quần áo hầu như chẳng cần là phẳng phiu gì cả. Anh nói chuyện nhẹ nhàng và thỉnh thoảng nở nụ cười lặng lẽ” [tr.237].

Với Tô Nhuận Vỹ, người viết nhận ra mối quan hệ khăng khít giữa văn và người, trong niềm tương cảm: “Không hiểu sao, khi đọc Tô Nhuận Vỹ tôi vẫn có một ấn tượng khá rõ, một nụ cười làm duyên đúng độ, một ánh mắt cười chưa hết cỡ, một giọng nói đôi khi được nhấn cao hơn bình thường và một phong thái tự tin, thoải mái có sức lôi cuốn người nghe khi anh tiếp xúc, trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp và lớp trẻ” [tr.251].

Như một sự tiên cảm/ đồng cảm sẻ chia, từ những năm của thập niên 80, Lê Xuân Việt đã nhận ra và cảnh báo sự tàn nhẫn đến trần trụi của thời buổi chạy theo bằng cấp, chức danh, danh hiệu, khi tác giả đồng cảm với Nguyễn Quang Hà: “Nghĩ cuộc đời cũng kỳ lạ và có phần trớ trêu, một nhà báo hai mươi năm, viết hàng trăm bài báo, một nhà văn hơn hai mươi năm cầm bút, hơn mười tác phẩm văn học đủ các thể loại để lại ngồi nghiêm chỉnh học đại học làm báo viết văn. Nhưng thôi, chuyện đó là thường, thật dễ hiểu đối với những người đã ngoại tứ tuần như tuổi tôi và anh” [tr.128]…

Đời người dày mỏng khác nhau. Cứ trôi đi theo sự vận động của vóc dáng con người và chiều sâu tâm tưởng. Chỉ có thời gian là nhân chứng/ánh mắt săm soi mãi đứng nhìn. Hôm cái buổi sáng mai đầy nắng như buổi sáng mai này, tôi đang ngồi nhìn về phía chân trời nhấp nhô những núi đồi, đó là buổi sáng 30-12-1997 định mệnh ấy, chúng tôi đang họp, nghe thông báo là “thầy Việt mệt, xin vắng họp”.

Khoảng 9 giờ 30, chị Luận phụ trách văn thư của khoa nước mắt ngắn dài sang phòng họp thông báo: “Anh Việt mất rồi!”. Vào bệnh viện, tôi nắm tay thầy, áp người vào ngực thầy vẫn còn ấm nóng. Đưa thầy về nhà, chính tôi là người cùng với các anh có “chuyên môn” tắm và khâm liệm thầy. Nếu tôi nhớ không nhầm, cho đến lúc ấy, đây là người đầu tiên trong đời tôi tham gia làm công việc này.

Người sống, không bao giờ nghĩ đến chuyện chết, nhất là những người sống ở các khu tập thể như thầy. Tôi nhớ là lúc ấy phải đập cả bức tường trước phòng khách mới đủ không gian đưa quan tài vào khâm liệm. Tôi cũng nhớ các thầy chùa, những sinh viên đã và đang học tập ở khoa lúc ấy, muốn tụng kinh và chu toàn cho thầy theo nghi lễ nhà Phật. Nhưng thầy là người không tín ngưỡng. Hôm đưa tang thầy, có đến hàng chục người mặc áo cà sa, lặng lẽ chạy xe máy bên cạnh quan tài, để đưa thầy về nơi an nghỉ cuối cùng. Nghĩa cử cao đẹp ấy dường như xuất phát từ tâm đạo mà tình thì của đời, còn nghĩa thì sâu hơn biển!

Tôi không nhớ và không biết ai đã từng là học trò thầy Việt của tôi. Người may mắn hanh thông, thành đạt trong đời hay rủi ro, bất hạnh. Không hiểu sao, khi nhớ về thầy đều có ý nghĩ như tôi! Ý nghĩ ấy, cứ lay động, gõ nhịp vào tâm hồn tôi buổi sáng ngồi ở cái quán trên phố núi cao nguyên Pleiku hôm ấy.

Cho đến nay, tôi không còn nhớ tên quán. Tôi chỉ nhớ một điều, khi người bạn đi cùng tôi hôm ấy là PGS.TS Hoàng Văn Hiển, đương kim Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Huế, đưa tay chỉ lên bức tường có khắc bản nhạc Còn chút gì để nhớ, thì những lời thơ mượt mà của Vũ Hữu Định, những vòm cong âm thanh giàu hình tượng của Phạm Duy, cứ âm vang trong tôi, xoắn xít với câu hỏi mà dường như là không hỏi của Văn Công Hùng: “… mai xa lắm trên đồi biên giới, còn một chút gì để nhớ để quên!” Hỏi mà như không hỏi. Hỏi mà là câu trả lời vẫn mãi mãi nhớ thương, thầy Việt ơi!

Phạm Phú Phong
 

;
.
.
.
.
.