Một đoạn trong truyện Chớp mắt mịt mù, trong tập sách Cố định một đám mây có đoạn: “Nhân vật đó bà nhà văn không muốn tạo ra, hoặc bà bận quá với nỗi đau của những sinh vật, ngay từ lúc khởi sinh là chính. Tằn tiện từng chữ, từng câu, có lúc người viết lại làm thừa ra một người chẳng biết làm gì, ngoài đi hoài, rẽ hoài vào những con đường xa lạ”. Như hứa hẹn sẽ có một sự khác biệt trong các truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư.
Tập sách Cố định một đám mây. |
Các tên truyện nghe là lạ, và gợi: Những biển, Cố định một đám mây, Cơn nước ngang qua, Vào ngày linh ái nở….
Và nỗi mơ hồ trong các câu chuyện: Viết có vẻ ma mị hơn chăng? Thử đọc …
Là câu chuyện hư hư thực thực như có như không trong Những biển. Lạ từ ngay ở đầu sách: “Vào buổi sáng của ngày thứ mười hai, khi kéo tấm rèm không thể đoán nổi từng có màu gì, nhìn mặt trời ủ lửa bên dưới lớp sóng thớ lợ, Nhị tưởng đã ở đây một trăm lẻ chín năm rồi.
Chồng, vẫn chưa ngoi lên thở” (tr.5)
Có phải thực là Nhị đã đi với chồng và chồng Nhị đã mất tích?
Hay là câu chuyện của hai vợ chồng như không thiết làm gì mãi đến khi một người đàn ông kỳ lạ đến và làm thức dậy bao câu chuyện ngỡ đã quên mất từ lâu. Nếu không có mặt người đàn ông lạ, lẽ nào mọi thứ cứ trôi tuột đi, dẫu vợ chồng Tam vẫn cứ tồn tại, vẫn ngày hai bữa đi làm, vẫn ngày mấy bữa cơm, những đứa con được sinh ra, rồi bị bỏ, đến nỗi người vợ sợ hãi, đến nỗi “Cũng không nhớ bao nhiêu lần anh bị đạp văng ra đất lúc đang đi sâu vào trong chị, và giọng vợ như âm thanh kim loại nện vào nhau “Muốn tôi đẻ nữa sao?” (tr. 34). Mọi thứ cứ trôi đi mãi, như không hề tồn tại, mãi cho đến lúc có người lạ đến ở lại. Câu chuyện buồn hơn cả những tiếng thở dài nát ruột gan… (Cơn nước ngang qua).
Trong Cố định một đám mây, có những lời buồn cứ như muốn chết đi cho xong: “Chỉ có người chết mới chịu ở lại đất này!”. Một nhận xét có phần cay nghiệt mà quá đúng của Ái khi nói về sự lựa chọn, rủ nhau bỏ đi gần hết, của người dân xứ Nước Mặn. Ái nói- như nói với bụi cỏ với sự chứng kiến của… bụi cỏ giập ngọn ngay dưới lưng mình (tr. 51). Mọi thứ cứ thế trôi tuột đi, mặc kệ sự khát khao lẫn thất vọng của Biền. Mặc cho Biền ra sức níu: “Suốt cả tuổi mười chín, Biền chỉ loay hoay mỗi một việc: Cố định Ái vào mình” (tr. 55) bằng cách xúi bọn con nít cặp đôi nó với Ái, “đánh dấu lãnh thổ bằng những câu giả như vô tình tiết lộ lúc ngà say, về cái rún thơm, nốt ruồi, cuối xương cụt của cô bạn gái”. Biền đã xua đuổi được đám bạn trai làng của Ái nhưng không thể giữ được Ái. Bởi, làm sao cố định nổi một… đám mây? Rồi Ái cũng ra đi như rất nhiều cô gái xứ này, đi khi “không biết xếp gì cho đầy” chiếc
va-li, cùng tiếng thở dài.
Câu chuyện trải dài trong Vào ngày linh nở như thực như mơ, không biết tựa vào đâu, khi đọc nó. Xong, cứ có cảm giác bần thần, mình vừa đọc gì vậy?
Ở Một mùa sương thức, thằng con trai được người phụ nữ tên Mỹ gọi là chồng đã “mất ngủ suốt mùa hè năm mười bảy tuổi” (tr. 117). Ấy là khi đoàn tạp kỹ đến cái thị trấn hẻo lánh. Họ thỉnh thoảng lại “bốc hơi” đi đâu đó, hoặc “bốc hơi” một lúc cả nửa đoàn tạp kỹ như lần về một thị trấn biển. Không dấu vết. Lý do thì nhạt hoét. “Ở đó gió biển nhiều quá, người ta dễ bốc hơi” (tr. 121) trong một lần vượt biên tới một “xứ thiên đường” xa xôi. Và để lại cho “họ” những căn nhà không khóa cửa. Như Mỹ, đứa con gái bị cả nhà bỏ lại trong một chuyến vượt biên. Mỹ nhiều lúc cứ muốn đi một chuyến để hỏi cho ra lẽ, “sao ba má mình có thể bỏ con gái lại mà đi” (tr. 122). Các số phận níu lấy nhau. Mỗi người một lựa chọn, như đời. Tất cả tạo nên hẳn “một mùa sương thức”
Các số phận cứ trôi đi, trôi đi như muốn kèm theo lời nhắn nhủ: Làm thế nào cố định một đám mây?
Tất cả làm nên nét “lạ” trong tập truyện mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư.
Lê Trâm
(*) Đọc tập truyện ngắn Cố định một đám mây của Nguyễn Ngọc Tư, NXB Đà Nẵng và Phanbook ấn hành, 2018.