.

Ấu gai một thuở

.

Bạn ở quê bất ngờ gửi cho một bức hình với rổ ấu gai đen trùi trũi, rồi hỏi: “Còn nhớ không?”. Tôi cười nhắn lại: “Hỏi lạ, nhớ sao không!”. Vậy là cả một trời tuổi thơ lại ùa về qua câu chuyện của hai đứa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Làng tôi ngày ấy trồng nhiều củ ấu ở các ao, đầm, những nơi trũng, nhiều nước. Cây ấu được trồng dưới bùn nhưng vươn nổi trên mặt nước. Củ lúc đầu còn non thì bám ở thân trên nhưng khi già sẽ rụng xuống bùn. Bọn trẻ chúng tôi hay cãi  nhau, tranh luận nên gọi củ ấu hay quả ấu. Đứa thì cho rằng nó là quả bởi cây ấu có ra hoa, từ hoa đó mới tạo thành quả ấu.

Đứa thì nói chúng ta thu hoạch được củ ấu ở dưới bùn đất. Chỉ có củ mới chui dưới đất thôi. Nói chung gọi củ hay quả đều có lý. Nhưng chẳng đứa nào chịu thuận theo lý của đứa kia. Đem chuyện hỏi người lớn, họ trả lời thì quả hay củ cũng được, nhưng từ xưa lắm rồi, ông cha đã quen gọi là củ. Bây giờ cũng chỉ gọi là củ thôi.

Thế là bọn gọi củ reo hò, bọn gọi quả tiu nghỉu trong nỗi ấm ức. Củ ấu khi già màu nâu đen, có nhiều hình thù nhưng tôi thích nhất là củ ấu gai hay còn được gọi là củ ấu sừng trâu. Nhìn hình thù nó ngộ nghĩnh không khác gì đầu một con trâu bị thu nhỏ lại với hai cái sừng cong nhọn. Củ ấu có vỏ ngoài cứng, nhưng bên trong ruột là tinh bột. Có thể ăn sống hoặc nấu chín. Khi ăn sống nó có vị ngọt ngọt, mát mát. Còn khi đã luộc chín, củ ấu rất bở, có vị bùi bùi.

Mùa ấu chín, tôi cùng bạn hay bì bõm như những chú vịt con đầm mình xuống ruộng mò ấu cho người lớn mang ra chợ bán hay có khi là bán tại ruộng cho những người mua buôn. Mỗi đứa một chậu thau để nổi trên mặt nước, ấu mò được thì bỏ vào đó. Đầy thì lại mang lên bờ đổ thành đống chờ cân.

Tiếng cười nói vang lên không ngớt. Mò hết ruộng nhà, lại rủ nhau đi mò thuê cho các cô bác khác. Công được trả có khi là những que kem mát lạnh được đổi ngay tại ruộng từ những củ ấu mới được mò lên, có khi là những khúc mía ngọt lịm. Gì cũng được, miễn là chúng tôi được mò ấu để thi với nhau xem đứa nào nhanh hơn, mò giỏi hơn. Cuộc thi kéo dài hết cả một mùa, suốt cả tuổi thơ.

Mỗi khi đi chăn trâu, câu cá bọn trẻ chúng tôi lại hay lân la tới các ruộng ấu, mò ít củ ấu để ăn. Thực ra hồi đó, ăn thì ít mà nghịch thì nhiều. Mò lên rồi ngồi thi xem ấu của đứa nào có sừng nhọn hơn, đứa nào mò được nhiều củ to hơn. Những cuộc thi nhiều khi không có hồi kết.

Chán ăn sống, có khi bọn tôi cử nhau mang theo chiếc soong nhỏ để luộc. Chúng tôi dong trâu lên bờ đê, cứ thả ra đó cho chúng nhởn nhơ gặm cỏ. Cả bọn chia nhau, vài đứa đào bếp, đứa đi kiếm lá, kiếm củi, đứa rửa ấu. Sau một hồi hì hụi, một cái bếp mi-ni trên bờ đê đã cháy lên, nồi ấu gai nóng dần rồi sôi lên sùng sục. Chẳng mấy chốc mà mùi thơm của củ ấu chín đã tỏa ra hấp dẫn mời gọi. Nhiều đứa chẳng nhịn được thèm, nuốt nước miếng đánh “ực”. Chia nhau củ ấu chín còn nóng hổi trên tay, cả bọn vừa thổi, vừa xuýt xoa. Tiếng cười đùa vang khắp cả triền đê vi vu gió hát.

Dấu tích của những buổi mò ấu luộc là những chiếc lò nhỏ được đào cách quãng trên bờ đê. Cứ tiện đâu luộc đấy nên dọc triền đê, không biết bao nhiêu chiếc lò con nít như vậy xuất hiện. Sau mùa ấu chiếc nào còn nguyên vẹn, tận dụng được thì sẽ là bếp nướng bắp hay nướng những con châu chấu, cào cào béo mũm. Những mùi vị dân dã nơi đồng quê ướp thơm cả một miền tuổi thơ của chúng tôi ngày ấy. Để bây giờ mỗi khi nhớ về, ký ức như sống lại vẹn nguyên, thơ ngây, dịu ngọt.

Lâu lắm rồi tôi không mò ấu, không được nếm vị ngọt bùi của củ ấu luộc. Nhìn bức hình bạn gửi, rồi trò chuyện cùng bạn ôn lại chuyện xưa mà cứ nhớ hoài tuổi thơ một thuở. Chuyện rôm rả như của những đứa trẻ bao năm về trước mặc dù giờ đây đứa nào cũng ngấp nghé tứ tuần.

Bạn nói ở quê giờ đang mùa ấu, sẽ gửi cho tôi một ít để không quên vị quê. Tôi háo hức đợi để được cầm trên tay củ ấu ngộ nghĩnh, được nếm lại vị ngọt bùi dân dã của nó.

Tự nhiên thấy thương ấu gai một thuở.

Lê Phượng

;
;
.
.
.
.
.