Đó là cái tựa đề khá ấn tượng của tập ký sự nhân vật của Trương Điện Thắng với hơn 50 gương mặt văn nghệ đa phần là người xứ Quảng và các nhân vật nổi tiếng khác trên nhiều lĩnh vực: chính trị, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ kịch, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà điêu khắc, nhà sử học, nhà cách mạng, nhà kinh tế… Tất cả những bài viết về rất nhiều “nhà” trên nhiều lĩnh vực được tác giả Bẻ đôi củ khoai mà bàn việc lớn viết trên tinh thần của một nhà báo thâm niên trong nghề với những mối quan hệ rất rộng và sự trải nghiệm mà ít người có được.
Bìa sách Bẻ đôi củ khoai mà bàn việc lớn. |
Với tư duy và cảm thức nhạy bén của một nhà báo sắc sảo, Trương Điện Thắng biết phát hiện những chi tiết, những ý tưởng còn tiềm ẩn của hiện thực, của nhân vật để tập trung phát triển chủ đề, đối tượng bài viết. Nhiều bài cùng một đề tài, trước đó người ta viết quá nhiều nhưng đọc ký sự của anh, bạn đọc vẫn tìm thấy sự mới lạ và thú vị vì tác giả luôn có những góc nhìn mới, bất ngờ.
Trương Điện Thắng luôn biết chọn cho mình một cách viết, cách thể hiện phù hợp cho nhân vật được tiếp cận, khi thì anh thực hiện phỏng vấn, trao đổi kể cả tâm tình với nhân vật. Đối với các nhà cách mạng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, những người đã mất…, anh chọn cho mình một lối viết nghiêm túc, văn phong rõ ràng; với một số anh em văn nghệ từng giao du ta bà thì chữ nghĩa cũng bụi bặm giang hồ mà hóm hỉnh. Những ký sự trong Bẻ đôi củ khoai mà bàn việc lớn thường không dài, nhiều khi đôi ba trang. Thứ nhất vì đó thường là những bài báo, tác giả xử lý thông tin, chỉ nắm bắt sự kiện chính mang tính thời sự nóng hổi để tập trung khai thác…
Ví dụ: Bài phỏng vấn Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự Làm gì cũng phải sống cho ngay ngắn chung quanh sự việc ông Sự về hưu trước tuổi. Bài phỏng vấn đó vừa giúp ông Bí thư cải chính những thông tin đồn thổi không đúng; nhưng qua đó, hình ảnh của vị Bí thư đã thể hiện sự dung dị, tấm lòng với nhân dân, với phố cổ trong những tâm tình đầy sức thuyết phục. Giống như về cái chết của Vũ Hữu Định (Vũ Hữu Định từng rủ tôi…), với nhiều đồn thổi ở nước ngoài “có nhiều chi tiết sai lệch về thời gian và nguyên nhân cái chết của anh”. Với tư cách là một người bạn từng “giang hồ đâu cần phong ấn/ mà nghĩ từ quan trở lại quê” với nhà thơ, tác giả cũng đã viết về cái chết như một sự tình cờ trong một cuộc say hào sảng của Vũ thi sĩ.
Trong nghề báo, nghề văn, khi chấp bút, cái khó nhất là đặt tít làm sao cho ấn tượng, hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của người đọc. Những tít bài của Trương Điện Thắng, vừa tạo ấn tượng bởi chữ nghĩa hóm hỉnh, nóng hổi hơi thở của cuộc sống mà lại phác họa nên một chân dung nhân vật đầy đủ tính cách. Như chuyện về Tiến sĩ Hải dương học Trương Đình Hiển, một người Quảng đúng chất hay cãi mà tên tuổi đã gắn liền với những tranh cãi khoa học về dầu khí, cảng biển, cảng nước sâu ở miền Trung như Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội. Tác giả đã phát hiện một chi tiết buồn cười mà thú vị để viết, khi vị tiến sĩ này do ham khảo sát nghiên cứu mà bị đói giữa trưa. Người cứu giúp là một nông dân đã mang cho ông một nồi khoai lớn…
Thế là Bẻ đôi củ khoai mà bàn việc lớn! Cũng là chuyện Cãi… có sách của cụ Phan Khôi, người mà suốt đời làm báo, nghiên cứu luôn tranh cãi, tranh luận. Cụ cãi, cụ chê, cụ bắt lỗi không thiếu một ai mà toàn là những tên tuổi lớn trên văn đàn thời bấy giờ như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Tản Đà, Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Trọng Thuật, Vân Bằng, và cả em rể Sở Cuồng Lê Dư cũng không chừa. Học giả thời bấy giờ đều chịu cái “sự cãi” của Phan Khôi vì đó là cái cãi… có sách. Người “lội bộ” suốt 5 thế kỷ, cũng là một cái tít tạo sự tò mò không đọc không được.
Đó là cuốn sách Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú. Cuốn sách đã đặt ra vấn đề về những di dân vào xứ Quảng, xứ Đàng Trong kể từ năm 1471, mối giao lưu, kể cả lấy vợ Chăm trên vùng đất mới cùng với nghiên cứu về giọng nói, cách phát âm từng vùng khác nhau, làn điệu dân ca, trang phục, kể cả tư liệu về chính tộc họ mình… Cuốn sách đã tạo nên những tranh biện sôi nổi, nhiều người cho là “điều tra đầy nguy hiểm”, “vừa dũng cảm vừa khoa học” và ngay cả tác giả tập sách vẫn chưa có những khẳng định mà chỉ thận trọng bằng những cụm từ: “Phải chăng, Chưa có bằng chứng khảo cổ, Giả định rằng, Cũng là nghi án lịch sử, Khó có thể khẳng định điều gì…”
Tác giả tập ký sự còn đưa ra nhiều giả thiết về nơi chốn, nguồn gốc tác phẩm văn học, triết học. Trong bài 115 năm Trung Thiên Dịch (1900-2005): Thêm một giả thiết về Vịnh Tam Tài, bằng những cuộc điền dã, gặp gỡ những truyền ngôn liên quan đến Trần Cao Vân, tác giả đã đưa ra một giả thuyết rằng, bài thơ Vịnh Tam Tài và một số thơ văn của Trần Cao Vân được sáng tác tại Thanh Quýt, Điện Bàn. Nói là giả thuyết nhưng vẫn có giá trị cho một hướng nghiên cứu về thơ ca cụ Trần Cao Vân vốn có nhiều điều chưa được giải mã rõ ràng.
Có thể nói, Bẻ đôi củ khoai mà bàn việc lớn là một tập sách thú vị.
Hồ Sĩ Bình
(*) Bẻ đôi củ khoai mà bàn việc lớn. Trương Điện Thắng. NXB Đà Nẵng. 2018.