.

Đã đi phải dám sống

.

Ở vào tuổi 90, với hơn 70 năm khoác áo lính, anh Bộ đội Cụ Hồ - Đại tá Lê Công Thạnh nhận ra mình may mắn hơn biết bao người khác - trong đó có cả hai người em trai ruột thịt của mình đã hy sinh vì nước - là còn sống sau nhiều lần bị thương tưởng chừng như không vượt qua khỏi cái chết trong các trận chiến; nhận ra mình đã nếm trải nhiều tầng nấc khắc nghiệt của chiến tranh.

Bìa sách Đi theo tiếng gọi non sông -  Lê Công Thạnh, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, tháng 12-2018
Bìa sách Đi theo tiếng gọi non sông - Lê Công Thạnh, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, tháng 12-2018

Ông trải qua nhiều vị trí công tác, tham gia nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của quê hương, đất nước, gặp được nhiều con người bình dị - từ người lính binh nhì mới nhập ngũ cho đến các tướng lĩnh dạn dày trận mạc và lãnh đạo cao nhất của Đảng, đã cùng với dân tộc đi đến đích thắng lợi cuối cùng là giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Ông nhận thấy mình cần phải nói lên điều gì đó, xem như là một niềm tri ân đối với quê hương, đồng bào, đồng chí, bạn bè, anh em, đặc biệt là gia đình... Và tập sách hồi ký Đi theo tiếng gọi non sông đã ra đời như thế.

Tập sách gồm 15 chương, cũng chính là 15 bước ngoặt cuộc đời tác giả. Trong tập sách, bạn đọc sẽ bắt gặp những tâm tư nguyện vọng và hành động của một người trai trẻ - vừa mới bước vào tuổi thanh niên đã được đón nhận luồng gió mới của cách mạng; lòng yêu nước được khơi dậy trước họa xâm lăng, đã hăng hái tham gia cách mạng, kháng chiến rồi đảm nhận vai trò người lính Cụ Hồ. Đại tá Lê Công Thạnh nói: Tôi “mê” quân đội đến mức giấu bệnh để được đứng trong hàng ngũ ấy, chỉ để làm một nhiệm vụ là chiến đấu.

Nội dung tập sách ngoài những sự kiện, những trận đánh, còn có những việc rất đời thường, rất con người mà ông trải qua đều được đề cập đến một cách ngắn gọn, chân thực; đôi khi có cả những chi tiết chỉ có thể có ở một người chân thành, thẳng thắn, dân chủ, nhân văn ở một mức nào đó mới có thể đề cập, hay ứng xử đúng mức trong các tình huống cụ thể, khó khăn trên chiến trường như ông viết trong thời gian tham gia chiến dịch Quế Sơn và Đường 9 Nam Lào: “Tôi nhớ có lần ghé một binh trạm, chúng tôi gặp một tù binh Mỹ, người này vốn là lính trinh sát, khi đi trên máy bay trực thăng bị lính cao xạ của ta bắn hạ và bị bắt.

Khi không có giày mang, tù binh này lấy hai ổ chim dồng dộc mang vào chân để đi trên đường giải ra ngoài Bắc. Gặp chuyện như thế, tôi có ý kiến: Các cậu không nên làm như vậy, lỡ nó (người tù binh) chết giữa đường thì tính làm sao. Hơn nữa, làm như vậy sẽ không đúng với tinh thần đối xử với tù binh của Trung ương, nhất là về công tác binh địch vận. Nên lấy các đôi tất và giày dự bị cho nó mang vào. Cuối cùng, anh em cho tên tù binh Mỹ này mang giày của ta”.

Với cách viết trung thực, ngắn gọn và khéo léo đan cài các sự việc làm cho nội dung tập sách Đi theo tiếng gọi non sông sinh động, hấp dẫn như một cuốn tiểu sử theo lối kể “dòng đời” trong mỗi chương, góp thêm một tiếng nói, bổ sung một tư liệu quý, phong phú thuộc thể loại hồi ký của các cán bộ lão thành cách mạng, các sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

Thông điệp của tập sách và của chính tác giả nhắn nhủ trong tập sách là “đã đi phải dám sống”, đó là bài học được trải nghiệm chính cuộc đời tác giả.

Đã là con người phải luôn luôn có bản lĩnh, có bản lĩnh vững vàng mới ngăn ngừa được cái sai, mới bảo vệ được cái đúng. Đi (đi theo tiếng gọi non sông) bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì phải có một lòng tin, tin sẽ vượt qua và tin sẽ làm được. Phải luôn luôn học tập, học thực tiễn trong công tác, học bạn, học thầy, học hỏi cấp trên, phải nghe và học cấp dưới, học nhân dân; phải luôn luôn đoàn kết, vì đoàn kết là sức mạnh, không bất cứ kẻ thù nào chiến thắng được; thương yêu nhau như anh em ruột thịt, “hột muối cắn đôi, ngọn rau bẻ nửa”; phải nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn; phải luôn luôn quý trọng và bảo vệ những cái gì tốt đẹp mà truyền thống ông cha ta để lại.

Dám trung thực và phải trung thực, vì trung thực mới loại bỏ được giả dối, điêu ngoa. Sống hào phóng, phải là người “quân tử” chứ không phải là kẻ “tiểu nhân”. Biết độ lượng, biết chối bỏ và biết dừng lại những gì không “lành mạnh”; cũng không nên đòi hỏi cái gì, luôn luôn nghĩ rằng Đảng biết, dân tin là sướng rồi! Sống phải trong sạch, phải luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư” và ông cha ta đã từng nhắc nhở: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Đây là một tập sách đáng đọc khi tìm hiểu về vùng đất, con người xứ Quảng, nhất là giai đoạn đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Võ Hà
 

;
;
.
.
.
.
.