Ông Ba rinh cái hồ cá để lại lên xe, nai nịt gọn gàng. Vẫn như mọi khi, chỉ bán được lèo tèo vài con bảy màu, bình tích. Tụi con nít khoái cái xe cá đủ màu của ông lắm, nhưng đâu phải đứa nào cũng có tiền. Giá tiền kiếm dễ như lá cây bàng rụng đầy gốc ngoài chợ thì dám tụi nó tranh nhau mỗi đứa mua hết xe cá của ông một ngày.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ông Ba cho cái xe chạy rề rề về căn phòng trọ trăm mốt một tháng, rẻ nhất vùng này. Nhà trọ là kho lúa hồi xưa bỏ hoang người ta ngăn lại làm phòng cho mướn. Ngó cái tên nhà trọ cũng ưng, Như Ý, có điều bên trong thì không được như ý lắm. Lấy sáng bằng miếng tôn sáng duy nhất ở giữa cái nóc chung, nên mấy phòng ở giữa chang chang như ngoài trời, còn mấy phòng ngoài rìa thì lúc nào cũng mù mờ. Phòng đủ thành phần: tha hương, bỏ chồng, làm gái.
Kế phòng ông Ba là phòng bà Bảy bán chè. Bả vui tính lắm còn ca hay nữa. Chiều chiều, khi đã bưng nồi chè ế đi hết một vòng dụ mấy người trong nhà trọ mua rẻ, lúc hứng bả hay đứng ca mấy câu ngọt lịm. Ngọt hơn chè bả nấu. Khi đó, ông Ba nằm trên võng đòng đưa, cửa hé hé cho tiếng ca lọt vô chảy thấm mềm gan ruột. Mở toang cửa thì sợ bả ngại, nên he hé thôi. Vừa đủ cho tiếng ca lon ton đi vô, như ánh mắt vô tình của người hữu ý bước ngang qua gửi gắm. Mấy con cá hình như cũng khoái nghe, bơi chậm lại.
Ông Ba thương thầm bà Bảy. Chuyện tưởng giấu kín tại có chữ “thầm”, mà thiếu điều nguyên xóm biết. Người ta thường thấy ông Ba hay thèm ăn chè, hoặc cần chè đi đám, hoặc bán được nhiều cá mời mấy đứa nhỏ ăn chè. Tất cả chỉ là cái cớ để ông giúp gánh chè của bà Bảy nhẹ bớt. Vậy mà, Bảy đâu có hay. Bà vẫn vô tư múc chè bỏ bọc, hớn hở nhìn cái nồi cạn queo chỉ còn dính vài hột nếp. Để có khi nấu được nồi khoai luộc dẻo quẹo thơm phức lá dứa, bà bưng qua cho ông Ba một dĩa, ông vừa mừng vừa tủi. Mừng vì được ăn thêm món người thương tự tay nấu. Tủi, vì với bà ông chỉ là mối ruột mê chè.
Nhiều người biết, tính… tỏ tình giúp ông Ba, mà ông can thôi. Ông năn nỉ đừng để bà Bảy biết ông thương bả. Những cái cau mày khó hiểu mọc lên như nấm sau mưa. Ông Ba cười tỉnh queo, bả có rảnh đâu mà thương tao. Bả bận thương người khác rồi. Hỏi thương ai, ông Ba quay ra chỗ vách phòng dán đầy tờ báo, mà khuất xa sau đó là mé sông đầy những tiếng máy tàu vang vô rung cửa thiếc và tức ngực. Bả bận thương nhớ ông chồng hụt của bả.
Bà Bảy lo nhớ về người chồng hụt, đâu có màng gì mà hay tình cảm ông Ba. Bà còn vô tâm chê ông Ba ăn ở dơ dáy, có cái áo trắng bận riết thành màu cháo lòng. Không sạch sẽ như người bà thương. Bà đâu hay ông để tiền mua chè, tiền đâu mà mua áo mới. Làm sao bà hay được, khi trong mắt bà đã có hình ảnh cao nhất của mọi người. Bà hay chê ông Ba và so sánh ông với “ảnh” của bà. Lạ là, ông vẫn cười chứ không giận hờn gì. Chắc lời người thương nói, câu chê nghe cũng thành hay.
Mỗi lần bà Bảy đi bán chè chưa về, ông Ba đi bán cá về sớm là tụi nhỏ hay kéo qua kêu ông kể chuyện tình yêu của bà hồi đó. Ông sẽ tằng hắng đặng lấy giọng kể. Ông kể mùi như hát, nghe hoài không chán. Mấy con cá hình như cũng nghe. Ông kể, để mọi người nhớ bà Bảy đã có người thương. Đừng vì ông mà làm bả khó xử, tội.
Hồi bà Bảy còn con gái, bả đẹp nhứt xứ. Hỏi sao ông Ba biết, ông cười hề hề, tao cũng nghe người ta kể hà. Chứ bây không thấy giờ bả cũng còn đẹp dữ dội hả. Mấy anh trai cười theo, vỗ đùi cái đét. Con Lan nghe vậy cong môi nguýt một cái thiệt dài, vậy mà con tưởng ông Ba là người trong cuộc không hà.
Bà Bảy mê tiếng đờn nên có máu văn nghệ từ nhỏ. Ai cũng khen, có người kêu con nhỏ này mà không đi hát là uổng lắm nè. Bà Bảy nghe khen thích lắm, mà ba bà thì không có thích. Cái kiếp xướng ca vô loài, ai mà muốn con mình dính vô. Ba bà chỉ muốn bà ở nhà, học rành mấy chuyện bếp núc dọn dẹp để nữa theo người ta về làm dâu cho tốt. Ba bà cấm bà đi ba cái văn nghệ văn gừng. Bà nghe. Mà tiếng đờn thấm vô máu rồi, đâu có chịu được. Bà trốn nhà theo đoàn, ba bà giận lấy dao chém mẻ cột đá cắm trước nhà, thề từ mặt con.
Đi được một thời gian, bà quay về vì nghe tin ba bệnh nặng. Dè đâu ba bà chỉ tính kế cho con gái về. Ba bà nói bà mà đi nữa, ổng tự vẫn. Ba bà chặt lóng tay thề, máu ướt đỏ chỗ đá mẻ của cây cột trước sân. Cây cột đá đóng đinh đời bà ở nhà. Lâu lâu nhớ tiếng đờn, bà chỉ dám đi đám cưới rồi ca ké vài bài, dù ba bà vẫn không ưng nhưng cũng bấm bụng làm ngơ.
Bữa đó trong đám có anh khách bên đàng trai qua. Tên Long.
Đám con nít đang ngồi nghe la nhoi nhói cắt ngang: Ủa, bữa ông Ba nói tên An chớ bộ. Ông Ba cười hề hề, tao quên mậy. Ờ thì tên An.
Ông An đó nghe bà Bảy bây hát xong thì mê luôn. Không biết say vì rượu hay say vì ánh mắt buồn rười rượi của bà, tối nằm mơ cũng thấy. Rồi đánh tiếng làm quen. Hai người qua lại. Từ từ thương nhau.
Ông An đó đẹp trai dữ lắm. Đẹp cỡ tao nè, ông Ba cười khoe hàm răng vàng khè đã khuyết vài chỗ. Con Lan cười, le lưỡi. Ông Ba nhấp ngụm trà, kể tiếp.
Ông An đẹp trai như tao vậy nè. Con Lan làm bộ tằng hắng. Ờ ờ, đẹp trai hơn tao. Giỏi giang, cái gì cũng biết. Đúng kiểu đàn ông lý tưởng mà ai cũng mong muốn lấy làm chồng. Dĩ nhiên bà Bảy cũng muốn vậy. Hai người thương nhau trong sáng và đẹp như màu bông bưởi. Mà đùng một cái, ông An bỏ đi đâu mất tiêu. Ổng chỉ kịp dặn bà Bảy chờ ổng về làm đám cưới, rồi biến mất…
Mới kể tới đó, đã có tiếng ca “anh giờ xa xứ bỏ quê nhà…” cắt ngang. Bà Bảy về với nồi chè nặng trĩu. Mấy đứa nhỏ không kịp chạy về phòng, ngồi im re. Mặt mày tái mét, có cả mặt ông Ba. Bà Bảy mà biết tụi mình ngồi nói chuyện hồi con gái của bả, bả chặt khúc đem nấu chè hết, ông Ba hay nhát vậy. Bà đi ngang, thấy phòng đông người, cười toe: Nay ngày gì đông đủ dữ bây. Ông Ba tính kế, gãi gãi đầu: Tui mới… trúng số, tính chờ bà về mua chè đãi tụi nhỏ.
Vậy là có một người hớn hở cười “trúng có mấy chục ngàn mà bày đặt trong khi tay lẹ làng múc chè”. Có một người ngồi nhìn cái dáng tảo tần, nghe vừa nhớ vừa thương như mỗi buổi chiều nghe tiếng bìm bịp gọi con nước dội vô lòng. Có một đám nhỏ vừa ăn chè, vừa lấm lét nhìn nhau, hổng biết bà Bảy mà biết thì đứa nào vô nồi trước tiên.
Chuyện về bà Bảy mà ông Ba kể thiếu chưa xong một khúc. Khúc bà Bảy chờ hoài mà người ta không quay lại. Lòng bà sắt đá mà tuổi xuân đâu có chịu chậm lại. Sợ con gái lỡ thì, ba bà thúc cưới. Sẵn có mấy đám ngấp nghé, ba bà đã chuẩn bị đánh tiếng cho người ta đem cau trầu qua. Bà Bảy nhất định không chịu. Hồi đó bà có thể nghe lời ba bỏ nghiệp xướng ca, nhưng kêu bỏ người ta bà không làm được. Bà bỏ nhà đi.
Ở xứ lạ, bà vẫn chờ tin ông An. Nhưng tin người dưng không thấy, chỉ có tin ruột thịt bò tới đòi nước mắt. Ba bà, chắc vì lời thề, đột tử. Bà gần như mất trí một thời gian. Đám ma, bà không dám về. Bà đi luôn, sợ trở về nhìn cây đinh đá oan nghiệt không đóng giữ được bà đã lấy mạng ba bà thay thế. Bà tưởng mọi tội lỗi là của mình. Tin người từ đó cũng đứt ngang không nối được. Giờ, bà trôi giạt tới đây, sống bằng gánh chè ế ẩm. Và mối thương thầm của người bạn già phòng bên.
Mọi người ở đây nghe chuyện bà như nghe một câu chuyện tình buồn rười rượi mà những cuốn băng cát-sét vẫn ca ra rả. Chỉ có thằng Pho con bà Liên phòng số 8 là để tâm câu chuyện của ông Ba thiệt kỹ. Nó đọc sách nhiều, rất thích những câu chuyện về tình người. Nó nhớ dai lắm. Có lần ông Ba giỡn chơi, chỉ vô mấy con cá bảy màu con mới nhỏ xíu như đầu kim, kêu ba tháng nữa cá lớn tao cho mày một con. Ba tháng sau, thằng Pho xách ca qua đòi cá thiệt. Ông Ba chỉ biết lắc đầu, lựa cho nó con cá đẹp nhất, vừa cười vừa chửi yêu “thằng quỷ nhỏ mắc dịch”.
Thằng Pho tự động xâu chuỗi hết những lần ông Ba kể chuyện lại. Tỉ mẩn như những người đàn bà thêu tranh chữ thập, từng mũi từng mũi. Nó nhận ra có cái giống, có cái khác. Nhiều khi ông Ba lỡ miệng nói vài câu rồi làm bộ đánh trống lãng. Thằng quỷ nhỏ khôn quá. Nó đã hiểu vấn đề mà có lẽ những người vì quá bận rộn đã không kịp hiểu.
Một bữa, thằng Pho bỏ ngủ trưa qua phòng kiếm ông Ba. Nay ông mệt nên không đi bán. Nó chống nạnh nhìn ông nằm trên cái võng bắt chéo phòng, phùng má “ông Ba nói xạo”. Ông Ba cười hềnh hệch, xạo gì mậy.
- Cái người bà Bảy thương đâu phải tên Long. Cũng không phải tên An, Minh hay Bốn gì hết. Thằng Pho kể vanh vách những cái tên được đặt cho cùng một người - Người đó tên là ông Ba.
Ông Ba nghe mà muốn té võng. Ông nhào xuống, vấp cạnh giường xi-măng lát gạch bông mém té. Ông xấn tới bịt miệng thằng nhỏ. Ông sợ bà Bảy lỡ về đột xuất nghe thấy thì chết.
Ông Ba thả thằng Pho đang ú ớ trong tay ra. Ông đưa ngón trỏ lên suỵt suỵt với nó. Ông dặn nó đừng kể với ai. Nhất là bà Bảy. Muốn nhiêu cá ông cho. Muốn hết hồ cũng được.
Thằng Pho mặt căng lên như cái bánh phồng gặp dầu nóng. Nó nghĩ lung lắm. Chắc nó cân nhắc vụ mấy con cá vàng đỏ đủ màu quá hấp dẫn. Nhưng không, nó lắc đầu. Nó nói con không cần cá.
Ông Ba chưng hửng trước thằng quỷ nhỏ hay mè nheo qua xin ông bán rẻ mấy con bảy màu sứt đuôi, chứ mày muốn gì?
- Con muốn ông Ba qua ở với bà Bảy, hạnh phúc như ba má con vậy đó. Thương nhau mà mướn hai phòng chi cho tốn tiền. - Thằng Pho đáp gọn lỏn.
Trời trời. Ông Ba già tới mức này rồi mà bị một thằng nhỏ vắt chanh vô mắt. Nước mắt nóng hổi ứa ra không chảy thẳng nổi, bị những nếp nhăn đẩy loằn ngoằn trì hoãn thời gian chạm đất. Ông kéo thằng Pho vô lòng, thủ thỉ: Đâu có được con.
Ông chậm chạp giải thích những thắc mắc của thằng nhỏ già trước tuổi. Ông chỉ vô hồ, chỗ mấy con cá đang tung tăng đớp bọt khí túa ra từ cục thổi oxy. Ông kêu nó nhìn con cá trống đẹp đẽ bung đuôi rực rỡ lớn nhất bầy và con cá nhỏ chút nằm mọp dưới đáy hồ ốm nhom đuôi te tua, hỏi nó thích con nào. Nó nói dĩ nhiên là con đẹp rồi.
Ông Ba cười buồn. Ừ. Ông nói mà như nói với chính mình. Ai cũng thích cái đẹp mày he. Tao trong lòng bà Bảy bây cũng đẹp như con cá bự đó. Bả mà biết tao giờ tàn tạ như con cá dưới đáy kia, chắc bả buồn lắm. Bả mà biết hồi đó tao có vợ con rồi mà còn thương bả, chắc bả đau lắm. Nên thôi, đừng cho bả biết. Để bả còn hy vọng mà chờ. Chờ, tuy đau đớn chút, mà người ta sống được. Chứ thất vọng giết người ta cái một hà. Tao biết bả còn thương tao, dù là tao hồi đó, vậy là đủ rồi. Được ở bên âm thầm quan tâm bả, tao thấy vui. Sợ bả hay tao là người bả thương ngày nào, biết đâu không còn cơ hội được ở kế bên ăn chè bả nấu nữa.
Ông Ba dốc ngược lòng mình. Thằng Pho không biết có hiểu gì không mà im re. Nó nghe vai mình ươn ướt. Nước mắt ông Ba thấm đầy vai áo nó. Nước mắt người già chất chứa bao nhiêu thứ trong đó mà nóng hổi. Thằng Pho bắt chước người lớn thở dài, thấy cái thương sao mà phức tạp quá.
Thằng Pho nhìn vô hồ. Tự nhiên nó thấy thương con cá ốm nhom đó quá. Mai, chắc nó sẽ không để tiền má cho mua bánh nữa. Nó sẽ mua chè giúp bà Bảy, như ông Ba làm. Nó tin có ngày, bà sẽ nhận ra người mà bà chờ đợi ở kế phòng bên.
Dương Thành Phát