.
Truyện ngắn

Ký ức trắng

.

Anh nhớ, bức ảnh cuối cùng mà mình chụp chung là lúc em mang thai tuần thứ sáu. Đó là bức ảnh do Tài chụp lén, mặt em mộc, lúm đồng tiền khi cười, tóc xõa. Sau này mỗi lần nhìn lại mớ ảnh bị ố vàng đôi chỗ, anh vẫn thấy đó là tấm ảnh đẹp nhất của mình, chụp đúng thời điểm mình đang đứng ở đỉnh điểm của con đường hạnh phúc. Lúc đó anh không nhìn về phía dưới chân.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Rồi anh lại lên giảng đường, hôm ấy thầy dạy về parabol, đó là một đường cong, nó dẫn lên một đỉnh điểm. Đỉnh điểm của đường cong cũng là nơi bắt đầu cho một sự rơi… Đó là một buổi học anh lơ là mơ về cái trứng ngỗng luộc. Nhưng đó cũng là bài học anh nhớ mãi đến bây giờ. Duy nhất. Một đường cong. Parabol.

Anh nhớ, sau buổi học, anh và Tài chạy ngay vào cánh đồng, cách thành phố bốn mươi ba cây số. Anh và Tài lục tìm gần hết mấy ngôi nhà dọc theo bờ kênh mới được một nhà nuôi ngỗng. Anh phải giả rất đúng vai người ăn cắp trứng ngỗng, rồi trả cho chủ năm chục ngàn đồng. Đem hai cái trứng ngỗng về. Lòng no tròn như parabol đang bắt đầu lên đỉnh điểm.

Nhưng hôm ấy anh để rơi hai cái trứng ngỗng ngay trước ngạch cửa phòng trọ. Tài nói, tội cho hai cái trứng có trống. Nếu không rơi bể, chắc có thể ấp nở ra hai con ngỗng con xinh xắn, trắng phau.
Anh nhớ, căn phòng không còn bất cứ thứ gì ngoại trừ dấu chân em. Anh lần theo dấu chân ra đến cổng rào thì không thể nào tìm ra dấu vết được nữa. Em đã lên xe hay mưa đã bôi xóa dấu chân em mất. Anh không biết anh tìm em vì đâu? Chỉ thấy lòng mất đi một khoảng rộng, cần níu lại hơi em, gương mặt em, giọng nói em… bất cứ thứ gì về em để lấp đầy khoảng không gian ấy. Nhưng đôi lần, níu hơi em trong cái áo cũ, níu gương mặt em trong tấm hình… tất cả đều mờ nhòe như một vệt mây trời mang nhiều hình thù, nhập, rồi tan; nhập, rồi tan... Chỉ có khoảng không màu xanh là mãi mãi.

Tài nói, thế nào anh cũng sẽ tìm được em, vì trái đất này tròn. Đi đâu rồi rốt cuộc cũng trở về nơi xuất phát. Anh nửa tin nửa ngờ lời Tài nói. Nhưng anh không tự tạo ra bất cứ định nghĩa nào về một sứ mệnh anh phải mang vác tên em. Anh chỉ biết, anh sẽ tìm em, phải tìm em cho bằng được. Tài hỏi, tìm để làm chi? Tìm để hỏi em cho ra lẽ, rồi anh sẽ chiều theo ý em muốn. Như anh đã chiều em suốt chín tháng mười tám ngày qua. Tài cười, chín tháng ấy thì ăn nhằm gì. “Năm tháng cộng thêm hai mươi bốn ngày là sẽ quên thôi, tao chắc chắn!”.

Anh nhớ, Tài cho anh khẳng định đó trước khi Tài đi. Tài đi thiệt, nhưng anh biết, anh sẽ được gặp lại Tài. Vì hôm Tài đi, Tài không nói gì cả. Chỉ sắc mặt của Tài là cảnh báo anh, Tài sẽ đi. Hôm ấy ký túc xá mưa, cúp điện. Ai đó nói với Tài chỉ hai chữ thôi em, hai chữ gọn nhẹ và rất thường. Thế gian hằng ngày có hơn 183.623 người nói ra hai chữ ấy: “Chia tay”.

Tài đi từ sân thượng. Không nói một lời nào. Lúc đó anh hận Tài ghê lắm, anh đã chửi thẳng vào mặt Tài: “Thằng hèn”. Tại sao lại đi một cách hèn hạ như vậy. Sau này trong mơ, anh thường thấy Tài trách anh: “Đi như Ly thì không hèn hạ?”. Hèn hạ ở đây là dấu vết. Ly đi, ít ra cũng để lại dấu chân, cho biết rằng Ly đi. Còn Tài, đi không để lại bất cứ một dấu vết thánh thiện nào, trừ nụ cười khi người ta đóng nắp áo quan. Nụ cười ấy mang màu sắc của một chút đau. Một chút đau thôi, nhưng anh đã quên sự đau ấy từ hồi giỗ Tài lần thứ mười, khi anh biết tóc anh đã bạc hơn một nửa.

Anh vẫn không thôi nuôi hy vọng về giọt máu em mang hồi em ra đi. Anh cứ nằm mơ thấy em kể về những ngày bụng đội áo, giọt máu mọc tay chân rồi, nó quậy y như ba nó. Nhưng mắt nó buồn, buồn ghê gớm lắm. Lúc giật mình thức dậy anh cứ nhập nhòa không biết đó là lời con hay là lời của em. Giọng nói, đôi mắt và cả đôi bàn tay giống nhau đến mức anh không thể nào phân biệt được. Anh vẫn hay trách mình, tại sao lại không có một chút trách nhiệm nào với con, và với em. Dấu chân em ở phía con đường, anh cố níu thì thế nào cũng sẽ tìm ra được. Câu ấy anh khắc ở trong bờ tường của lòng, mỗi lần sờ lên bờ tường, anh thấy rơm rớm máu.

Anh bỏ việc kiểm vé ga tàu. Bắt đầu cuộc đi, khi giật mình đã có hơn mười năm đứng dậm chân, mà trái đất thì cứ quay, em thì cứ đi, mỗi lúc một xa hơn. Không chạy theo là sẽ mất thật sự phía chân trời.
Lúc anh bắt đầu đi, anh đoán, bây giờ chắc đứa trẻ đã mười ba tuổi. Chắc nó đã vào lớp bảy. Anh quanh quẩn với thùng bột màu nặn tò he ở khắp các trường trung học. Cố gắng tìm đứa trẻ có nét giống em, hoặc giống anh chẳng hạn. Cuộc đi tìm ấy mong manh, vì làm sao anh nhìn xuể bọn trẻ mỗi lúc tan trường. Cuộc cố gắng của anh đôi lần cứ tưởng đã bắt lấy được sợi chỉ mong manh, nhưng sợi chỉ ấy chỉ có trong mơ. Ngoài đời nó đôi lần mờ ảo mà cắt đứt lòng anh mấy bận đau.

Anh nhớ, đôi lần anh nắm đứa trẻ lại vì nhìn từ sau ót, nó giống anh trong hình dung. Hay có lần anh chạy theo đứa trẻ được ba chở sau xe, để hỏi xin được gặp mẹ đứa trẻ. Tội cho ba mẹ đứa trẻ đâm ra nghi ngờ lung tung, mà anh thì trớt quớt. Mỗi lần vậy anh rất đau, anh đâu muốn làm đau thêm một ai khác…

Anh bắt đầu không đuổi theo ai. Anh chỉ nhìn thôi. Những đứa trẻ có dáng hao hao em, những đứa trẻ có mặt bầu bầu giống em. Anh đã cho chúng biết bao nhiêu bong bóng và hoa hồng, để hỏi duy nhất lại một câu: “Mẹ con có phải tên Ly hay không?”.

Rồi một hôm anh giật mình, đứa trẻ năm nay đã mười sáu tuổi. Nó đã vào lớp mười rồi còn gì. Anh lại lật đật dẹp mớ tò he quay sang trồng mớ bông hồng mỗi ngày đem bán. Nhưng tụi nhỏ đâu mấy đứa thích bông hồng vàng, như em. Anh vẫn hy vọng, đứa nhỏ sẽ giống mẹ, sẽ thích bông hồng vàng. Hay một ngày kia em rước con, em sẽ ghé lại mua những cái bông mà em mê từ hồi còn nhỏ. Lúc đó anh sẽ không cần hỏi, “Cô có phải tên Ly hay không?”. Anh chắc rằng anh sẽ nhận ra em, anh chắc chắn.
Ngày đứa trẻ mười tám tuổi, anh sắp xếp cho mình buổi bán bông hồng cuối cùng vào ngày thi cuối cùng năm ấy. Giữa những đứa trẻ hớn hở bước ra khỏi phòng thi, anh không tìm được bất cứ gương mặt nào của đứa trẻ. Anh mất đi một tia hy vọng ngay hôm đó khi lòng anh chợt nhớ ra, em từng thì thầm với anh, sau này có con, em nhất định không cho con theo học trường của tỉnh nhà.

Anh lật đật chạy lên phố. Nhưng phố thì đông, trường đại học nhiều hơn anh tưởng tượng. Anh rong ruổi khắp các ngôi trường với chiếc xe hoa hồng vàng và mấy hộp ô mai sấu.

Rồi anh gặp lại người đã nói hai chữ cuối cùng Tài nghe được trước lúc Tài đi. Cô ấy không khác mấy với hai mươi năm qua, anh nhận ra khi cô ta đứng trước cổng trường chờ đứa con mới vào đại học. Cô ấy kể nhiều về những đứa trẻ, làm anh thấy những hy vọng của mình sắp thành hiện thực. Cô ấy giật mình khi biết hai mươi năm qua anh chỉ về nhà với ba má vào ba ngày Tết. Rồi cô ấy lại cho anh những sợi dây đầu tiên để kết nối về em.

Anh không biết gì sao? Nó có chồng sau em mấy năm. Đứa con đầu tiên của nó năm nay mới mười ba tuổi.

Lúc đó anh không còn tin là trái đất này đang quay, và anh đang đứng trên trái đất. Cảm giác như anh đang bay lên một tầng xanh nào đó, nơi đó không có ai cả, không có bất cứ thứ gì ngoài mây và mây. Cô bạn thấy anh đơ người ra, nói tiếp:

- Hay là mai sẵn chuyến xe em đi lên Bảo Lộc, có đi ngang nhà nó, em cho anh quá giang nha.
Anh nhớ anh đã vui vẻ nhận lời, lòng đầy vui mừng phấn khởi. Hôm sau xe khởi hành lúc sáng sớm, dự định bảy giờ sáng sẽ đến được chỗ nhà em. Suốt chuyến xe cô bạn kể anh nghe về nhà cửa, công việc của cô ấy. Anh thì mong cô ấy nói về lý do Tài bay từ sân thượng ký túc xá năm nào. Nhưng không, cô ấy không hề nhắc đến cái tên người đàn ông nông nổi vì hai chữ “chia tay” ấy. Cô ấy nói, “mới chia tay mà nông nổi vậy, sau này sao nuôi được vợ con”. Anh thấy cũng phải, đời mà…

Cô ấy kể hết chuyện chồng con, đến chuyện thời sự quốc tế, giá vàng, giá xe hơi… Nhưng anh thì không biết nói gì về anh cho cô bạn ấy nghe. Do dự lâu lắm anh mới hỏi, “Hồi đi, Ly mang bầu tuần thứ sáu… Giờ chắc đứa nhỏ lớn rồi…”. Lúc đó cô nhìn anh ngạc nhiên, rồi cười một tràng dài: “Trời, lúc đi nó không nói với anh sao? Nó đâu có bầu bì gì, tại nói cho anh cưng nó vậy mà…”. Anh thấy bầu trời như đen lại, thằng con trai anh tưởng tượng tự dưng tan dần, tan dần. Rồi nó lại hiện ra đậm nét gọi “ba”, rồi lại tan, như trò chơi mở tắt mở tắt màn hình. Anh bất chợt nghe tiếng nói của Tài, “nhờ vậy mà mày ráng sống tới giờ đó hả?”. Sau câu nói của Tài, anh cúi mặt xuống hai tay đang nắm chặt, im lặng. Tiếng xe, tiếng nhạc vang lên như réo rắt lòng…

 Đi thêm một đoạn xa, tài xế nói, còn chút xíu nữa là tới rồi. Anh thấy lòng mình sao lạ quá, nó bất giác mất đi cảm giác nôn nóng. Có chút gì trống rỗng và nhẹ tênh. Anh kêu xe tấp vào bờ, chỗ vườn cao su vắng người. Anh xuống xe, giải quyết “bọc nước” chút xíu. Vì phép lịch sự không ai nhìn theo coi anh làm gì, vì họ nghĩ, họ biết anh xuống xe để chi. Nhưng họ làm gì nghĩ rằng, anh xuống xe để về. Anh trở về trong im lặng.

Lúc lội bộ ra bến xe đò cách đó hai cây số. Anh chợt nghĩ, chắc cô bạn đang tìm anh dữ lắm. Anh xin trời, đừng xui khiến chi cho cô bạn tìm anh. Và anh đã quên, anh quên nghĩ đến còn có một người khác nữa, là em…

Ngày hai mươi mốt tháng sáu, cô đến ngôi chùa tuốt trên đỉnh núi Cấm xa xôi, gặp thầy. Có lẽ đầu thầy trọc, râu thầy dài và bạc trắng, mắt thầy đeo kính dày và cô thì không mảy may lo nghĩ sẽ gặp lại người cô vứt bỏ ở một góc đường hồi năm nẵm. Thầy biết, thầy cố bình tĩnh nghe cô nói: “Thưa thầy, xin thầy cầu siêu giúp con cho vong hồn anh Tạ Viễn Nhân, tuổi Tí, nhẹ nhàng siêu thoát. Mấy tháng nay con mơ gặp ảnh hoài, ảnh bóp cổ con thầy ơi. Chắc ảnh tức tưởi lắm. Con đã đi 999 kiểng chùa để gửi, nhờ cầu siêu cho anh ấy”.

Lúc đó thầy nói một câu, hình như cô không nhận ra: “Người thương, dù dối gạt, phụ bạc sao đi nữa thì cũng không ai nỡ quấy rầy, bóp cổ thí chủ đâu”. Nhưng cô không nhận ra. Cô cúi đầu lạy tạ, “Dạ, con cảm ơn thầy đã an ủi con. Con đi chùa nào các sư cũng nói vậy”. Cô để lên bàn mấy tờ tiền, rồi quay lưng đi…

Lúc đó lòng thầy đột nhiên nhẹ lạ thường. Như mấy ngọn núi trên đầu tự dưng tan ra thành gió, bay đi mất. Để lại một số hình ảnh, chúng cũng dần mờ nhòe theo tiếng kinh vang từ xa xa. Thầy không nhìn ra phía cửa, mắt thầy khép lại nhẹ nhàng, lật sang trang mới của một bài kinh, tiếng mỏ bắt đầu vang vọng…

LÊ QUANG TRẠNG
 

;
;
.
.
.
.
.