.

Mảnh giấy kết bạn

.

Cuối hè năm 1971, tốt nghiệp trường cao cấp ngân hàng, mẹ được phân công về công tác tại ngân hàng Từ Liêm, đóng tại khu vực Cầu Diễn, ngoại thành Hà Nội. Nhà tôi được cơ quan bố trí ở tạm trong một gian của một căn nhà nhỏ hai gian, nằm sát hàng rào ngay sau lưng chùa Kiều Mai, có cửa nhìn ra sân trước của khu tập thể. Gian bên kia, ngăn cách bằng một tấm ri-đô, là nhà cô Khánh, chú Khiêm. Cô Khánh lúc đó đang mang bầu bé Phương, con đầu lòng của cô chú. Vài ngày sau, năm học mới cũng bắt đầu. Tôi vào học lớp ba Trường cấp 1 Phú Diễn, nằm trong làng Kiều Mai, từ tập thể ngân hàng đi dọc theo bờ mương thủy lợi chừng hơn 1km là tới.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ở khu tập thể tôi chưa kịp quen ai, đến lớp cũng toàn các bạn lạ. Lớp tôi học là lớp 3E, ở phòng cuối của dãy nhà có ba phòng học, nằm cạnh đình làng, hai lớp kia là 3D và 3C, còn lớp 3A với 3B được học ở trường chính, nằm ở một ngôi làng khác. Bọn chúng nó hầu hết đều từ lớp 2 lên nên quen nhau sẵn, tới giờ ra chơi là vui đùa, chạy nhảy ríu rít. Chỉ có một mình tôi lủi thủi ra sân đình chơi, hay ngồi lì trong lớp chờ vào giờ học tiếp. Những lúc như thế tôi chỉ ước gì được quay về làm “các anh chị lớp ba” Trường cấp 1 Tiên Phong, ở Ba Vì, nơi tôi và chị Hòa nhà cô Sam - bạn học cùng lớp ngân hàng với mẹ, thay nhau xếp thứ nhất, thứ nhì mỗi tháng suốt những năm lớp một, lớp hai, được thầy cô yêu, bạn bè mến, tất cả đều thân quen.

Có đôi lúc tôi bắt gặp ánh mắt của những đứa cùng lớp chừng như nửa muốn làm quen, nửa còn e dè, nhưng chưa bên nào mạnh dạn vượt qua cái e dè đó để bắt chuyện với nhau. Sau này tôi biết trong số đó có ba đứa ở cùng khu tập thể với tôi cũng học khối lớp ba ở đó là anh em thằng Viết, thằng Ngãi và cái Ngà, mà chúng nó cũng e dè như thế. Tôi biết rằng chỉ vài ngày nữa thôi là tất cả sẽ quen nhau, sẽ thành bạn bè hết, nhưng khi chưa đến lúc đó thì với tôi mỗi ngày đến lớp vẫn dài dằng dặc, chỉ mong sao những ngày đầu lạ lẫm ấy trôi qua thật nhanh.

Ở khu tập thể cũng vậy, có vài đứa kiểu cũng muốn bắt quen mà chưa dám, tôi làm gì cũng có cảm giác như có ánh mắt của chúng nó đang nhìn. Ai cũng biết, bọn ở cũ là chúa hay dò xét những đứa mới đến. Có lúc trời sắp mưa, có đứa đi ngang qua cửa nhà tôi nói trống không: “Mưa rồi, đem quần áo phơi vào thôi”, mặc dù nhà nó ở dãy nhà khác trong khu tập thể, cách xa nhà tôi. Tôi biết thừa là nó muốn nhắc tôi mà cứ nói bâng quơ thế.

Về nơi ở mới được mấy hôm thì nhà tôi có khách. Sáng chủ nhật, một người đàn ông mặc áo đại cán màu đen, đội chiếc mũ nồi đen, đi chiếc xe đạp Thống Nhất chạy thẳng vào sân tập thể, dừng lại chỗ khoảnh sân trước nhà tôi. Từ trong nhà nhìn ra, tôi thấy lũ trẻ con lố nhố mấy đứa con trai lẫn con gái, thấy có người lạ đến thì xúm vào, nhanh nhảu: “Bác hỏi ai ạ? Bác hỏi nhà nào hả bác?”. Ông ta nói: “Cho chú hỏi nhà bà Hường”.

Bọn trẻ nói: “Hường nào cơ ạ? Ở đây có hai cô Hường, cô Hường nhà chú Đông với cô Hường người miền Nam mới chuyển đến”. Ông ta nói: “Bà Hường có hai đứa con gái là con Tuyến, con Nhị, thằng con trai là thằng Nùng đó”. Một đứa nghe vậy liền nói: “A, cháu biết rồi, để cháu gọi cho”, rồi quay mặt hướng vào nhà tôi gọi to: “Nùng ơi, nhà có khách này!”, nó đã có lý do để gọi tên tôi một cách tự nhiên. Tôi nghe gọi liền chạy ra. Thấy tôi, ông ta hỏi: “Thằng Nùng đây hả? Có phải cháu là con nhà báo Văn Anh, hy sinh mấy năm trước ở Quảng Nam không?”. Lúc đó bỗng nhiên tôi khựng người, hai má nóng bừng, cổ họng nghẹn lại, mắt nhòa đi, không biết trả lời ông ta thế nào, bởi trong thâm tâm tôi không muốn ai biết, và tôi cũng không tin ba đã hy sinh, cho dù mọi thông tin gieo vào tâm trí non nớt của tôi lúc ấy đều chống lại niềm tin đó.

Tôi vẫn nhớ ngày còn ở Ba Vì, các cô chú ở trong Nam ra ghé thăm thường nói là ba bị thương, có người còn nói ba sắp được ra Bắc để chữa bệnh nữa. Nhưng đôi lần tôi thấy mẹ khóc, và có lần nghe mẹ nói với cô Sam-mẹ chị Hòa, có chồng là chú Xuân, khi đó cũng đang công tác trong chiến trường miền Nam như ba tôi: “Chắc ảnh hy sinh rồi, người ta giấu tôi thôi, chứ bị thương thì làm sao cả năm trời chẳng thấy thư từ gì cả”. Cô Sam an ủi mẹ: “Chiến tranh, bom đạn mà chị, nhiều khi có thư mà bị thất lạc, anh Xuân nhà tôi cũng có khi hơn nửa năm trời có thấy thư từ gì đâu”. Cô nói vậy rồi hai mẹ cùng khóc. Lúc ấy tôi đã có linh cảm rằng ba sẽ không bao giờ trở về nữa, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn hy vọng vào một điều kỳ diệu nào đó, biết đâu…

Vậy mà bây giờ ông ấy nói oang oang ra thế… Mấy đứa trẻ đang xúm quanh ông khách, nghe ông ta nói vậy cũng đứng lặng thinh, tròn mắt nhìn tôi. Tôi nghe tiếng một đứa nào đó thầm thì: “Nó là con liệt sĩ đấy, chúng mình chơi phải nhường nhịn, đừng bắt nạt nó nhé”. Nghe tới đó, tôi bỏ mặc ông ta đứng giữa sân cùng lũ trẻ, vùng chạy một mạch ra sau bếp ăn tập thể, ngồi bệt dựa lưng vào tường, khóc.

Lúc tôi về nhà thì ông khách đã đi khỏi. Mẹ bảo đó là ông Mại, một người đồng hương Quảng Nam với mẹ, cũng là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, tiện đường đi công tác ghé qua thăm một lát thôi rồi đi.
Sáng hôm sau, mẹ và cô Khánh, chú Khiêm đi làm, chị Tuyến đi học (chị Nhị lúc ấy ở nội trú trong Trường Học sinh miền Nam), tôi học buổi chiều nên lúc đó đang loay hoay một mình trong nhà thì có một cậu bé trạc tuổi tôi nhưng cao hơn, mặt mũi khôi ngô, mắt sáng, tóc hơi xoăn và đặc biệt là nước da đen cháy, đứng trước cửa nhà gọi: “Nùng ơi!”.

Tôi bước ra cửa nhìn, đang chưa biết cậu là ai thì cậu nói: “Tớ là Lực, tớ học cùng lớp với cậu đấy”. Tôi vừa thấy hơi buồn cười, vừa có chút ngượng ngập trước cách làm quen tự nhiên của cậu ấy, cứ giống giống kiểu các bạn nhỏ trong mấy bộ phim thiếu nhi Liên Xô. Tôi vẫn nghĩ chỉ có người Tây (châu Âu) mới hay tự nhiên, chứ người Ta (châu Á) là hay ngượng, thì cứ xem phim là thấy rõ thôi, phim Liên Xô, Bungari… thì mới có cảnh ôm hôn, chứ phim Trung Quốc, Triều Tiên với phim Việt Nam thì làm gì có. Tôi cười cười, nói: “Thế cậu cũng học lớp 3E của cô Tiên à?”. Lực bảo: “Ừ, tớ thấy cậu từ mấy hôm trước rồi. Nhà tớ ở khu tập thể X4 ngay gần đây, đi ra phía ngoài qua trạm bơm là tới. Bố tớ cũng là bộ đội đang đóng quân ở khu 4, chuẩn bị vào miền Nam chiến đấu đấy. Tớ với cậu kết bạn nhé”. Nghe Lực nói vậy, tôi biết câu chuyện ngày hôm qua đã đến tai cậu và hiểu vì sao cậu tìm đến làm quen và kết bạn với mình. Cố nén xúc động, tôi nói: “Cậu vào nhà tớ chơi đi”.

Vào nhà, Lực ngồi vào chiếc bàn gỗ vừa là bàn tiếp khách, vừa là bàn ăn của nhà tôi, vừa là bàn học của chị em tôi, bảo: “Cậu đưa tớ một mảnh giấy với cái bút, tớ viết cái này”. Tôi xé một tờ lịch bloc đưa cậu cùng cây bút lá tre và lọ mực. Cậu ngồi nắn nót viết, xong đưa cho tôi xem. Mảnh giấy ghi: “Nùng – Lực là đôi bạn thân, cùng nhau vui chơi, giúp nhau học tập, luôn bảo vệ nhau mãi mãi”. Đợi tôi đọc xong, cậu nói: “Đây là mảnh giấy kết bạn, chúng mình cất nó vào một chỗ bí mật đi, khi nào giận nhau quá một ngày thì đem ra đọc để làm lành nhé, hì hì”. Nhà tôi chỉ là một căn phòng nhỏ có kê một cái giường đôi, đầu giường có chiếc hòm gỗ đựng quần áo, một cái bàn gỗ tôi đang ngồi và một cái chạn đựng xoong nồi, bát đũa là chật, chẳng thấy chỗ nào… bí mật cả. Bất chợt tôi để ý đến chiếc bản lề sắt ở cánh cửa gỗ xộc xệch, nghĩ ngay nếu nhét mẩu giấy vào lõi bản lề thì không ai có thể biết được, liền chỉ vào một cái bản lề nói: “Chỗ này là bí mật nhất này”.

Hai thằng xúm nhau nhấc cánh cửa ra, vo tròn mảnh giấy nhét vào trong lõi bản lề rồi lắp cảnh cửa lại. Cất “mảnh giấy kết bạn” xong, Lực rủ tôi sang nhà cậu chơi, cũng là một căn phòng nhỏ trong dãy nhà tranh vách nứa thuộc khu tập thể của Xí nghiệp Cơ khí quốc phòng X4, chỉ cách khu tập thể ngân hàng một khoảnh ruộng và một con mương dẫn nước thủy lợi. Lực là con một, bố Lực là bộ đội, nên nhà chỉ có hai mẹ con. Bác Liêm mẹ của Lực cũng trạc tuổi với mẹ tôi, là công nhân quốc phòng làm việc trong Xí nghiệp X4.

Buổi trưa hôm đó, lần đầu tiên có người bạn đứng trên bờ mương gọi “Nùng ơi” rủ tôi đi học, bắt đầu cho quãng thời gian bốn năm hai thằng gắn bó nhau như hình với bóng, học hành, vui chơi, hầu như lúc nào cũng có nhau, đến mức ở trường thầy cô có lúc gọi nhầm thằng này bằng tên thằng kia, bạn bè gặp đứa này đi một mình là hỏi đứa kia đâu… Mà để kể cho hết thì phải chia thành rất nhiều những câu chuyện nhỏ. Cho đến mùa hè năm 1975, khi tôi và Lực vừa học hết lớp sáu, đất nước thống nhất, nhà tôi chuyển vào Đà Nẵng đúng vào lúc cậu đang về thăm quê Nghệ An nhân dịp nghỉ hè, hai thằng chia xa mà không gặp được nhau. Tôi chỉ kịp viết một mảnh giấy dặn chị Tuyến, khi đó phải ở lại Hà Nội để học ngoại ngữ chuẩn bị đi du học, gửi lời chào cậu với bác Liêm và nhờ chị đem tặng lại cho cậu “gia tài” của tôi là hai chiếc cần câu, một chiếc tự tay tôi vót bằng tre cật và một chiếc cần trúc “đẹp như cần câu của tiên ông” mà hè năm ngoái chính cậu đèo tôi lên chợ Bưởi mua, bằng tiền bán lông gà, lông vịt.

Còn “mảnh giấy kết bạn”, sau đó ít lâu nhà tôi được cơ quan bố trí căn mới ở dãy nhà mái ngói, tường gạch, lúc dọn nhà, tôi nhấc cánh cửa lên để lấy ra tìm chỗ cất khác thì mới vỡ lẽ ra sự “tối kiến” của hai thằng hôm đó. Mẩu giấy mà nhét vào trong lõi bản lề thì khác nào cho vào chiếc cối xay, lúc tôi nhấc cánh cửa ra rồi lấy chiếc đinh khều mảnh giấy thì chỉ còn khều ra được hạt giấy vụn nhỏ li ti. Tôi tiếc lắm nhưng không dám nói lại cho Lực biết. Cũng may là hai thằng không có dịp nào phải nghĩ tới việc dùng mảnh giấy đó vì chưa bao giờ giận nhau quá một ngày (để phải đem nó ra đọc mà làm lành).
Cách đây vài năm, gặp Lực, tôi nhắc lại chuyện mảnh giấy kết bạn này nhưng cậu bảo sao tớ không nhớ gì cả, chắc tại lúc đó còn nhỏ quá. Cậu cũng không nhớ nổi hai thằng quen nhau như thế nào nữa, khiến tôi hơi buồn. Nhưng cũng chỉ buồn một chút rồi thôi, bởi tôi biết, tình bạn giữa hai thằng tồn tại được cho đến bây giờ hiển nhiên là nhờ cả hai phía, nhưng khởi đầu của tình bạn đó thật sự đã bắt nguồn từ sự cho-nhận, mà cậu là người cho, tôi là người nhận. Người cho đi có thể quên, nhưng người nhận thì không bao giờ.

Trần Nùng
 

;
;
.
.
.
.
.