Ấy là từ mẹ đặt cho món mứt dừa.
Gọi mứt “nhà nghèo” bởi mứt dừa làm rất ít tốn: vài lạng đường trắng, vài miếng cơm dừa, thêm chút phẩm màu nữa là xong. Vậy nhưng, ít tốn không có nghĩa không ngon. Tuổi thơ tôi, nói kỳ khôi, “mê” món mứt rẻ tiền ấy hơn các thứ mứt gừng, mứt bí. Mứt bí thì quá ngọt. Mứt gừng lại cay. Người lớn thích đâu không biết chứ trẻ con thì “ẹ”. Còn nhớ chị Ba tôi là chúa ăn mứt gừng kiểu mút hết phần đường ngọt bám bên ngoài rồi… quăng; bị mẹ bắt gặp, cho ăn roi mấy lần vẫn không chừa tật! Tôi thì cạch, không dám đụng, chỉ hăm hăm chờ món mứt dừa mẹ cho “lên chảo”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ấy thường là quãng thời gian cận ngày, tức tới 27, 28 tháng Chạp, khi các thứ mứt khác đều đã được rim xong, vô hũ vô bao. Mẹ bảo mứt dừa làm sớm để lâu bị “hôi dầu” - ăn mất ngon còn gây đau bụng - nên luôn chừa lại làm sau. Nhà có cây dừa xiêm lai trái to nhưng nước ít ngọt. Không có gì ăn chơi nên ít ngọt kệ, chị em tôi vẫn cứ lom lom, chực dừa vừa cữ uống nước là… khều, chia nhau xì xụp nước, nhồm nhoàm cơm non. Ngày thường thôi, chứ lứa dừa giáp Tết mẹ cấm không cho, bảo để làm mứt dừa…
Giáp Tết, nghe mẹ kêu anh Hai “leo hái dừa” là biết ngay món mứt khoái khẩu của tôi sắp được lên mâm. Dừa hái xuống bổ ra, mẹ cẩn thận dùng dao xẻ, cạy nguyên từng miếng cơm dừa to không cho gãy nát. Cơm dừa được mẹ nạo bỏ hết lớp “áo lưng” vàng nâu gây chát, chỉ chừa phần cơm trắng muốt, sau đó xắt ngang thành từng lát mỏng, dài. Xắt xong, đem chần qua nước sôi cho dầu ra bớt rồi rửa lại bằng nước lạnh. Vớt lên để ráo xong đem ướp đường. Một lớp dừa một lớp đường; dùng đũa cẩn thận trộn đều để những lát dừa không bị gãy. Ướp chừng non buổi là bắc chảo lên “sên” (rim). Đây mới là thời điểm con Út tôi đệ nhất khoái.
Tò tò theo mẹ, ngồi bên chảo mứt bắc lên than hồng trong cái lạnh cuối năm, tôi thích thú nhìn những lát dừa trắng tinh xếp lớp, bập bềnh trôi trong chảo đường nghi ngút khói, căng mũi hít hà cái mùi đường tan trong lửa, sóng sánh vàng quyện với mùi dừa ngầy ngậy thành một thứ hương tổng hòa kích thích vị giác mạnh đến mức nước bọt bất giác tứa đầy chân răng. Nhớ có lần nhịn thèm không nổi, tôi lén mẹ thò đũa vô chảo quẹt một phát; bị mẹ hét: hỗn hào, mứt làm chưa cúng Tết, không được đụng vô! Anh Năm tôi tinh tướng, láu cá.
Cũng khoái mứt dừa, nhưng anh không cà rà chi bên chảo mứt. Đảo lại đảo qua, chờ mẹ sơ ý anh rút cây muỗng thủ sẵn xìa vô chảo lén xúc một muỗng đường/ dừa đầy vun chạy biến ra sân. Tôi há hốc mồm toan kêu đã thấy anh giơ ngón tay suỵt suỵt, nháy mắt, ngoắc ngoắc tôi ra nọc rơm. Tín hiệu ấy khiến tôi im ngay bởi nó có nghĩa: đừng la lớn, rồi anh cho!
Sên tới lúc đường quánh lại, bắt đầu tỏa ra mùi kẹo, mẹ kêu: mứt sắp tới. Nhẹ nhàng dồn mứt vun về một phía, tay mẹ cầm vá múc nước đường từ phía trống liên tục tưới lên đống mứt cho tới lúc đường bám hết vào mứt, cạn khô. Dưới sức nóng của than hồng, những lát dừa dần khô cong, ngả trắng (hoặc vàng, đỏ nếu có nhuộm phẩm màu), dùng đũa đảo sẽ rời nhau, va lên thành chảo phát tiếng kêu lạo xạo vui tai. Mẹ vùi bớt than, để bếp còn âm ấm hong cho mứt thật khô, sau đó trút ra mẹt có lót giấy báo, chờ nguội mới cho vô thẩu dành cúng đầu năm.
Mớ mứt gãy vụn với chảo đường dư thưởng cho con Út công theo mẹ ngồi “canh” chảo mứt không rời. Anh Năm kêu: Ê chia phần tao với! Anh suỵt suỵt, chỉ tay ra nọc rơm, ý sẽ “khai” cái vụ tôi a tòng cùng anh… ăn vụng mứt. Thì chia, đáng ghét; chuyện lộ ra dễ chừng anh thoát khỏi ăn roi của mẹ chắc! Vậy nhưng, phải công nhận mhững muỗng mứt ăn vụng cùng anh Năm đúng là ngon tuyệt. Thôi, có lại có đi, anh em mà…
Y Nguyên