.

Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung (1932-1951)

.

Tháng 12 năm 2018, Nhà xuất bản Đà Nẵng chính thức phát hành tập sách Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam (1932-1951) của TS. Dương Thanh Mừng. Tập sách này được thực hiện trên cơ sở luận án tiến sĩ Lịch sử của tác giả, được bảo vệ thành công năm 2017 và đoạt Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật cùng năm.

Tập sách thể hiện rõ bức tranh, với lịch sử gần 20 thế kỷ du nhập và phát triển ở Việt Nam, Phật giáo với phương châm tùy thời, tùy quốc độ đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước - tức Phật giáo Việt Nam đã có tính nhập thế sâu sắc. Chính sự gắn bó giữa Đạo pháp và Dân tộc như vậy đã giúp cho Phật giáo ngày càng ăn sâu vào mạch sống văn hóa, vào trong đời sống tinh thần của người dân Việt; đã hòa quyện cùng với quá trình đi lên của đất nước, góp phần hình thành dáng đứng văn hóa và nhân cách con người Việt Nam.

Vào đầu thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam do chịu sự tác động từ các chính sách cai trị của thực dân Pháp đã bộc lộ nhiều yếu tố bất cập. Một trong những câu hỏi lớn đặt ra cho các tăng ni, Phật tử lúc này là làm sao để có thể xây dựng được một đường lối phát triển Phật giáo đúng đắn, hợp với quy luật tiến hóa của nhân loại cũng như góp thêm sức mạnh vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc? Nhằm tìm ra một hướng đi mới cho Phật giáo Việt Nam, các tăng ni, Phật tử với nhiệt huyết của mình đã cùng với những người mến mộ đạo Phật, các nhà trí thức đứng ra vận động chấn hưng, cải cách Phật giáo. Chính từ trong bối cảnh đó đã dẫn đến sự ra đời của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX.

Tập sách đã đưa ra các luận điểm, giải thích sự xuất hiện của phong trào chấn hưng Phật giáo không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên mà là một tất yếu lịch sử, bởi nó có những căn nguyên rất rõ nét. Đó là: Xét trên bình diện quốc tế, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự giao lưu văn hóa Đông - Tây những năm đầu thế kỷ XX đã làm cho các học giả phương Tây có thêm những điều kiện tiếp xúc sâu hơn với những giá trị cao siêu của Phật giáo. Đồng thời, ở trong nước, sự khủng hoảng và suy yếu của Phật giáo Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, thực sự là một mối đau nhức nhối của các bậc Tăng hạnh. Trong khi đó, về phía Phật giáo ở miền Trung lúc này cũng mang trong mình những nguyên nhân nội tại của nó. Chính từ những nguyên nhân trên đã dẫn đến sự khởi phát của phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Trung trong những năm đầu thế kỷ XX. Phong trào bắt đầu với việc thành lập Hội An Nam Phật học (năm 1932) và xuất bản nguyệt san Viên Âm (năm 1933).

Tại miền Trung, phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra vào năm 1932 đã nhanh chóng hòa nhập và gắn bó với phong trào trong cả nước. Bằng nhiều hoạt động tích cực như: Nghiên cứu và lý giải hệ thống kinh sách, giáo lý Phật giáo; đổi mới nội dung, hình thức đào tạo tăng tài; xây dựng hệ thống tổ chức, tham gia nhập thế tích cực…, phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung không những đã tạo ra được một luồng sinh khí mới đối với sự phát triển của đạo Phật mà nó còn góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của đất nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Phong trào đã tạo ra một bước ngoặt trong tiến trình phát triển của Phật giáo Việt Nam trong những năm tháng tiếp theo. Bởi vì, với công cuộc chấn hưng này, lần đầu tiên trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam có sự đổi mới căn bản tổ chức, phương tiện truyền bá và hoằng dương Phật pháp, nhất là xuất bản báo chí bằng quốc ngữ.

Phong trào có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giới Phật giáo và ngoài xã hội, đã đưa Phật giáo trở lại đúng với truyền thống và vai trò, vị trí của Phật giáo trong xã hội Việt Nam. Chấn hưng Phật giáo là bước chuẩn bị để Phật giáo Việt Nam - với vai trò “Hộ quốc an dân”, tiếp bước cùng dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Chấn hưng Phật giáo tạo ra nguồn mạch để sau này, khi đất nước thống nhất, non sông quy về một mối, năm 1981, giới Phật giáo Việt Nam đã đi đến quyết định thống nhất Phật giáo, thành lập ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngoài những giá trị to lớn trên, cuốn sách này còn là một tài liệu quan trọng, có giá trị đối với việc nghiên cứu văn hóa vùng đất xứ Quảng nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung. Với những ý nghĩa đó, phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung và phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam được ví như một cuộc cách mạng về Phật giáo. Xin đừng hiểu “cách mạng” theo nghĩa thông thường là “thay cũ đổi mới” mà hãy hiểu tác động và sự ảnh hưởng, hay đúng hơn là ý nghĩa của phong trào.

Châu An

;
;
.
.
.
.
.
.
  • Dấn thân & trách nhiệm
    Mới hồi nào chập chững vào nghề mà giờ đã gần hai mươi năm. Trong suốt thời gian gắn bó với nghề báo, tôi rong ruổi khắp các nẻo đường. Mỗi chuyến đi là mỗi kỷ niệm đong đầy, vui, buồn, thậm chí cả vất vả, nguy hiểm. Mỗi một nhân vật là một số phận hiện diện trên từng bài viết. Họ là người lao động nghèo chờ đợi hàng chục năm để được phép xây nhà trên chính mảnh đất của mình hay những bệnh nhân cần được bảo đảm điều kiện khám chữa bệnh...
    .
  • Chiều bên sông
  • Hạnh ngộ mùa xuân
.

Đọc nhiều

.
.