.

Vài ba mồng một

.

Ba bây đẻ ngược. Người ta lúc chào đời sẽ chui đầu ra trước phải không, ba bây đưa chân chọi ra trước. Bà mụ hồi đó hết hồn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ờ, cũng có thể coi đó là chi tiết độc đáo làm nên một số mạng đặc biệt. Mạ nói tụi bây nếu có ngại ngùng về ba thì cũng ráng, ngó bộ dăm chừng vài năm nữa thôi. Câu nói đó bỏ vào lửng lơ cùng tiếng thở dài rất khẽ. Là mạ lo xa chứ chị em tôi không đến nỗi nông cạn như vậy. Dù đôi lần, thằng Hiển vẫn hậm hực, ba mình đi mần mấy việc tào lao, mang tiếng dễ sợ.

Nó thanh niên, tới tuổi đi tán gái. Cứ bấp vài ba nhà, phụ huynh hỏi han lại ra con của ông Định, họ vỗ đùi, chà, ba bây mạng lớn, ba bây mần ăn được nghe. Dù sự mần ăn đó, trần đời chẳng giống ai. Hiển kêu từ lúc biết nó là con của ba, cả nhà đứa con gái nó đang tán xúm chùm vô hỏi chuyện. Thiệt tình, lần sau hết mặt mũi tới nhà chơi luôn.

Cứ mỗi độ Tết về, tầm từ 25 tháng Chạp trở đi, nhà tôi tấp nập người vô ra. Họ tới để đặt lịch mời ba đi xông đất. Người này dặn dò giờ giấc, người kia chỉ đường, chỉ nhà đủ kiểu. Ba không cả nể ai, cứ ai dặn trước là đi. Có điều, phải mà ba sắp lịch khoa học còn đỡ, đằng này ba tôi quên trước hụt sau. Người này nhắn nhủ ừ hử đó rồi, ngày mai ba quên sạch. Nên nhà nào phải hên, hên thật mới đúng ngày đúng giờ đó ba tôi vô đạp đất.

Mỗi lần đặt chân lên đất nhà người ta vào đầu thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, chẳng biết ba nghĩ gì. Ba có lần so sánh kể về khoảng sân mênh mông của một ngôi nhà bề thế đủ đầy, vậy mà họ vẫn mong giàu có hơn. Nhà họ đâu thiếu thứ chi nhưng trẻ nít người già ở đó có vẻ buồn rười rượi. Bước vô nhà khác dặt dẹo, thấy con cái nhà người ta lóc chóc, đồ dọn Tết sơ sài nhưng vẫn ráng đưa cho ba một phong bì nhỏ. Ba cầm lấy rồi chìa lại lì xì con cái người ta. Mạ thở dài, bấp mấy nhà kiểu đó, thu nhập giảm sút trầm trọng.

Ở đời, chẳng có chi là toàn vẹn, cho người ta may mắn thì ắt mình còn đâu hên. Mạ nói ba bây đem phúc đức gieo thiên hạ hết rồi nên nhà mình mần ăn không ra chi, nhà cửa không xây nổi. Mạ nuôi heo, nuôi bò, trồng rau trồng khoai coi như đủ nuôi hai đứa con ăn học, chẳng dư dả một đồng. Chỉ tới khi ba mần nghề đặc biệt này, Tết về, nhà có thêm một khoản đáng kể. Và ba, tính tình vui vẻ hơn, cứ háo hức say vui trong nhiệm vụ người ta nhờ vả.

Khách hàng đầu tiên thực ra chỉ vô tình. Đó là bác Loan bán sạp vải trên chợ Mới. Hồi đó, ba đi chùa về rồi ghé nhà bác Loan chơi. Bác Loan là bà con xa trong họ. Đã giữa trưa mồng một nhưng ba vẫn là người đạp đất nhà bác. Cả năm đó, bác làm ăn phát đạt, mọi việc đều thuận buồm xuôi gió, con cái đỗ đạt, làm ăn phất lên như diều gặp gió. Cuối năm bác đi xem bói, thầy bảo mồng một năm rồi có quý nhân tới nhà, người đó xông đất, mang may mắn cho gia chủ. Vậy là năm sau, chiều ba mươi, bác Loan ghé căn nhà ọp ẹp của chúng tôi, dặn ba sớm mồng một nhớ ghé nhà xông đất. Bác mang cho chị em tôi mỗi đứa một bộ áo quần đẹp, cho ba bộ đồ vest mới tinh. Năm tiếp theo đó, bác làm ăn thuận lợi, mua được đất thành phố rồi chuyển vào đó ở gần con. Gọi điện ra, bác bảo chỉ ước năm nào cũng được ba tôi đạp đất xông nhà, ba bây đúng là mạng lớn.

Người làng bắt đầu đồn đại, xôn xao ra tận huyện, tới mấy vùng lân cận. Nên chi mấy năm rồi, ba có thêm nghề mới là vì vậy. Nhiều khi mấy mạ con cũng ngờ vực cái số mạng may mắn của ba hay phần hên hên ba mang cho người ta có thật sự kỳ diệu. Vậy mà hình như là thật, chục nhà ba ghé đạp đất sẽ có chục tin lành. Chưa nghe ai chê trách, chưa nghe ai than thở. Có khi mạng ba lớn thiệt, có khi ba sinh ra đã mang phước ngầm để ban phát cho người ta chăng. Thằng Hiển kêu nghe khó tin đến mức tào lao hết sức.

Mạ nói nhiều khi thiếu thốn nhưng sống với người như ba bây mà hay, tưng tửng nên chẳng để bụng bao giờ. Tưng tửng nên cũng chẳng suy nghĩ chi sâu xa những lời mạ trót cay nghiệt, buông ra khi bực bội, lúc nhà hết tiền, lúc cần số tiền lớn để làm vài ba chuyện to tát như xây nhà hay cưới vợ cho thằng Hiển. Hay như đợt mạ mổ ruột thừa, nằm viện mà cứ xót tiền ăn, tiền ở. Phải chi nhà có của để thì mấy việc tốn kém hiển nhiên đó chẳng phải đắn đo nhiều.

Ba bây khờ đi là do đau một trận. Mạ kể chuyện tình xưa của ba những lúc ông đạp xe đi lang thang vất vưởng ở đâu đó. Ba đau một trận lớn vì yêu. Người đó thanh mai trúc mã mặn mà lắm nhưng chẳng hiểu sao đang yêu lại bỏ đi. Người ta mạng cũng lớn, chừ làm thầy ở mô đó. Mạ nghe phong thanh chứ không dám tìm hiểu nhiều. Đàn bà, biết càng nhiều về chuyện cũ của đàn ông chỉ càng đau thêm mà thôi. Thà giả lơ, coi như không biết, mạ nói rành rẽ dặn dò tôi vậy.

Cuộc đời ba hẳn chưa bao giờ dối gian lừa phỉnh một ai, tính tình thiệt thà, thiệt thà quá đáng. Hôm nào bán bò, mạ phải lừa để ba đi khỏi nhà. Như vài lứa trước, ba ở nhà bán thể nào cũng lỗ. Người ta chốt giá rồi trả tiền, tiện thể thở than thời buổi cực khổ lắm chú ơi, mua về không lời mấy đồng. Vậy là ba thở dài, thương tình rồi cho lui đến cả triệu bạc. Mạ tiếc rẻ mà đắng họng, chẳng biết nói chi.
Nhà có bữa chỉ còn non lon gạo, vậy mà cũng vét đi cho một bà già đứng ngả nón trước cửa. Mạ nói, hồi đó mấy người đi ăn xin nhiều lắm, mà không hiểu can cớ chi, ngó nhà mình thế ni mà họ cũng vô xin. Bữa thì ba vét gạo, bữa thì dúi họ vài ngàn. Thiệt tình, may nhà không có chi đáng giá, kể mà có chắc ba bây xách cho người ta luôn.

Xóm ở đường một, người đi qua đi về mỗi ngày. Thỉnh thoảng có vài người điên, lột đồ vừa đi vừa nói hát. Mạ ngó qua ba, nói lí nhí vô tai tôi, may ba bây chưa tới mức đó. Lúc ấy tôi còn nhỏ, chưa hiểu lắm và chưa thấy rõ lắm sự bất thường ở ba. Lớn lên, nhận ra chỉ là ba hay lơ đãng, hay quên và tốt bụng quá đáng. Người quá nghèo nhưng rất tốt vẫn thường bị người đời bảo hâm chập. Tại của mình không có mà vẫn vét sạch để đem cho. Có khi vì tâm ba tốt vậy, nên ông trời cho ba phước phần may mắn, rõ hơn là mang may mắn cho người khác cũng nên.

Thằng Hiển bảo ở thành phố, nghề của ba sẽ hái ra tiền. Nhiều nhà giàu, nhất là giới kinh doanh, vẫn thường thông qua dịch vụ để tìm người hạp tuổi, thuê người ta đến xông đất đúng giờ đúng khắc để hanh thông mọi việc. Mạ nghe vậy, cười nói bưng ba mi vô thành phố mần ăn thì không được nên giá như có thêm vài ba ngày mồng một thì hết sẩy. Mấy mạ con ôm bụng cười vui vẻ, nói mạ ước chi dễ chút, ước khó quá đi mà.

Bạn ở xa về, nhất nhất bảo tôi dẫn đi xem bói đầu năm. Bạn bảo bên làng Si, có một bà cô coi bói rất chuẩn, nói đến mức người ta phải khóc. Tôi vốn chẳng mặn mà chi với việc này nhưng nghe chèo kéo rủ rê nên đi vì tò mò. Dì coi bói đó tên Nhạn, người trắng trẻo, đẹp đẽ. Hồi trẻ, hẳn cũng là người đẹp khiến lắm ông điêu đứng lắm đây. Không biết dì nói chi mà bạn vừa đi ra đã ôm mặt khóc tức tưởi rồi ra dấu chỉ tới lượt tôi vào. Thái độ của bạn càng khiến tôi tò mò lẫn háo hức.

Góc dì ngồi sau lưng là tượng Phật. Quanh đó bày biện ấm trà, bình hoa và vài cuốn sách, ngó trang nhã nhẹ nhàng như bước vô nhà của một người bình thường nào khác. Tại tôi cứ đinh ninh mấy người làm nghề này, góc mần ăn của họ sực mùi huyền bí âm u. Người ta cũng dật dờ, rung rung giật giật, ăn nói ngang tàng hung tợn chứ không phải nhẹ nhàng, đằm thắm như dì Nhạn.

Dì cầm tay tôi, rưng rưng nhìn vào mắt tôi rồi bảo thật giống một người quen. Dì chẳng nói gì về quá khứ hay tương lai của tôi, chỉ dặn dò hãy an ổn chờ đợi, tình duyên sẽ đến khi tâm mình thanh thản và biết khấn cầu điều tốt lành. Nếu chuyện chưa thành cứ năng khấn cầu thật tâm rồi sẽ thành. Tôi nghĩ bụng, hẳn ngó mặt tôi không lộ vẻ thất tình như đứa bạn, lại tỏ vẻ dửng dưng ngơ ngác của đứa con gái chưa chồng nên dì phán vu vơ vậy. Có điều vu vơ mà lại đúng.

Thở dài, dì bảo qua mồng một sang năm, gắng tìm ông Định ở làng bên nhờ ông về nhà đạp đất giùm, năm tới mọi chuyện sẽ suôn sẻ, chỉ toàn chuyện tốt đẹp, nhẹ nhàng cho cả gia đình. Tôi suýt bật cười nhưng rồi ngờ ngợ nhận ra, hay có khi đây chính là người quen năm nào đó của ba.

Ngày mồng một năm nay sắp hết, phải đi một vòng nữa mới tới mồng một của năm sau. Như nhiều nhân duyên, phải đi hết một vòng sinh tử mới có thể gặp nhau. Mấy lời dì nói đúng là khiến người ta cảm động. Suốt đường về, bạn và tôi im lặng. Một lúc lâu sau, bạn nhắc lại lời về nhân duyên mà dì coi bói nói với cả hai rồi bảo nhìn mặt dì ấy cứ thấy tội tội như từng rất đau vì tình. Tôi đinh ninh hơn suy nghĩ của mình về dì là đúng.

Không biết dì Nhạn có biết ba tôi không còn khỏe hay không. Bác sĩ nói bệnh ba chỉ kéo dài vài năm là gục nhưng tới nay cái vài năm đó vẫn đang dài. Sức khỏe của ba tiến triển tốt đến bất ngờ. Có khi bởi vui vẻ cười nói, đạp xe đi chơi thong thả suốt ngày, sống dửng dưng tưng tửng vậy nên ba đánh bại con vi rút nào đó trong người. Tinh thần lạc quan vẫn là liều thuốc quý giá đánh bại mọi bệnh tật.

Vài ba năm nữa, không biết ba còn đủ sức đạp xe đi từ làng trên xóm dưới để đạp đất cho người ta mà chẳng bận tâm nhà mình ai sẽ là người đến đạp đất, xông nhà. Ở đời, điều này với người này là quan trọng nhưng với người kia sẽ chẳng nghĩa lý gì. Mạ hay nói vậy. Xưa chừ, nhà mình chẳng để ý ai sẽ xông đất ngày mồng một. Có khi vì lẽ đó mà cứ nghèo mãi cũng nên. Thằng Hiển nói năm nay nó sẽ coi tuổi rồi nhờ người tới xông đất bài bản hẳn hoi. Chợt nhớ ra, nhiều năm nay người xông đất nhà mình là nó. Năm nào nó cũng đi chơi qua giao thừa mới về, mạng nó chắc bình thường, không có ai lấy ra bảo đảm phước lớn như ba, luôn được người ta cam đoan chắc nịch.

Tôi không kể với mạ chuyện mình đi coi bói. Không phải kể mạ sẽ không tin, sẽ càm ràm gạt phắt chuyện bói toán. Mà sợ không nhịn được lại kể ra chi tiết người nói bác Loan gặp quý nhân năm xưa, người tạo công việc vui vẻ cho ba, người tạo cơ hội để nhà mình thêm thu nhập chính là người khiến ba đau trận yêu thất thần từ hồi trẻ. Cũng có khi mạ biết mà làm lơ. Thôi thì, đơn giản cứ ước hão huyền mỗi năm có thêm vài ba ngày mồng một, để ba luôn vui vẻ đạp xe đi mần việc đại sự. Cuối ngày, ba xách bánh kẹo về nhà cho hai đứa con đã lớn và chìa cho mạ mấy bao lì xì đỏ rồi ríu rít thêm nhiều mùa Tết vui nữa...

DIỆU ÁI
 

;
;
.
.
.
.
.