.

Hoán đổi

.

- Anh Phú về nhà ngay, bố có chuyện muốn bàn với anh!

- Chuyện gì mà bố không nói qua điện thoại được, còn phải gọi con về? Công ty con nhiều việc quá!

- Mấy cái việc san lấp mặt bằng ở chỗ anh không giao cho tay phó được chắc?

- Đang giai đoạn nước rút...

- Bảo anh về thì cứ về. Mà coi như tôi là đối tác của anh đi...

Lâu rồi, ông Quý không gọi điện cho Phú, chỉ có Phú thỉnh thoảng gọi về nhà, lần nào cũng là bà Huê, mẹ Phú nhấc máy. Qua mẹ, Phú hỏi tình hình của bố, biết mọi việc ở nhà vẫn ổn, Phú lại theo công trình. Vậy mà sáng nay, ông Quý đột ngột gọi cho Phú cuộc điện thoại này, đanh, gọn, đầy uy quyền.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Xe khách đỗ ngã tư Ghẽ, Phú bắt xe ôm, chớm tới con đường gạch nghiêng vào làng, anh xuống đi bộ. Nắng đang tỏa xuống ngọt ngào và rực rỡ. Dọc hai bên đường làng, vừng nhà ai nở hoa trắng muốt rung rinh trong nắng như những cánh bướm, phía dưới ruộng, lúa đã uốn câu cũng đang ngả màu vàng nhạt, xa xa trong mảng màu vàng mơ màng ấy thấp thoáng bóng vài cậu bé đánh trần chăn trâu. Con mương nhỏ trước làng như đang uốn mình trong nắng bởi những trảng hoa mơ trắng phớt tím ríu ran đan kín lên những cây dại dọc bên bờ mương phía áp vào làng. Một cô bé con mặc váy xanh, cao chỉ bằng những cây vừng, đang kiễng chân với tay kéo một dây mơ nở từng chùm hoa to như cái bát cơm, nhưng có vẻ như cánh tay cô bé không đủ sức làm cho dây mơ già kia bật ra khỏi bờ rào chằng chịt họ nhà mơ, mà chỉ làm cho vài bông hoa mơ rơi rụng lả tả, mắt cô bé đã hoe đỏ, hai giọt nước mắt như hai giọt sương sớm đang lăn trên gò má phúng phính, hồng hào. Bước chân Phú chững lại từ lúc nào, anh đưa tay dụi mắt, anh như đang nhìn thấy Thương hồi nhỏ.

“Để chú giúp cháu nhé!”. Phú bước tới, vừa mỉm cười làm quen với con bé, bỗng có tiếng quát: “Bống, vào trong nhà mau!”. Con bé giật mình, Phú cũng giật mình. Quay lại, thấy Thương đang chạy xồng xộc ra cầm vội tay con bé con, bế xốc lên như sợ chậm thì Phú sẽ làm gì hại cho con bé không bằng. “Ô! Thương! Thì ra cháu là con em! Hai mẹ con về chơi với thím từ bao giờ đấy?”. “Không dám, chào bác trưởng họ tương lai!”. Giọng Thương tỏ vẻ chua chát làm Phú thấy sởn cả người. “Lâu rồi, anh em không gặp nhau mà sao...”. “Sao tôi không cảm ơn gia đình anh đã thu xếp cho mẹ tôi một mái nhà vững chãi để sống nốt quãng đời còn lại phải không?”. Thương bồng con tất tả quay đi, Phú đứng như trời trồng bên rào mơ dại.

Sau đám mơ dại và mấy bụi chuối tây kia chính là đến cái ao cạn và mảnh đất có căn nhà ngói bốn gian mà ông bà nội đã xây từ những năm tám mươi, nhà thím Dung được thừa kế, vì chồng thím, chú Khu là con út của ông bà. Giàu con út khó con út, ông bà ở với chú thím đến lúc từ giã cõi đời về với tổ tiên, vài năm sau thì chú Khu cũng mắc bệnh rồi đi theo ông bà. Thím Dung ở vậy làm lụng tần tảo nuôi Thương. Nhà Phú phía sau.

Năm Phú mười sáu tuổi, thằng Lộc mười tuổi, ông Quý chuyển từ làm thợ xây sang hành nghề mổ trâu, vất vả nhưng kiếm tiền dễ hơn, ông Quý cất cái nhà hai tầng lệch, khang trang to đẹp nhất làng lúc bấy giờ. Anh em Phú lớn lên chút nữa thì biết phụ giúp bố trong lò mổ, biết đi giao hàng cho các mối đặt, biết ra chợ bán thịt với mẹ thì cũng là lúc cái chữ khó ở lại trong đầu. Hai anh em đều không đỗ đại học, nhưng vẫn được ông Quý đầu tư cho học trường cao đẳng nghề.

Ông Quý làm ăn ngày càng phát triển, vì cả vùng chẳng còn ai hành nghề này nữa, có hai thợ vốn cũng mổ trâu mổ bò nhưng không cạnh tranh được với ông Quý đã đóng cửa mang dao sang mổ thuê cho lò nhà ông. Mấy năm sau, ông mua đất ở thành phố mở một nhà hàng “Trâu quê”. Rồi hai nhà hàng. Ông Quý giao cho thằng Lộc quản lý một nhà hàng, còn Phú thì nhờ tài quan hệ của ông Quý, đã lập một công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên đi nhận hợp đồng san lấp mặt bằng cho các công trình lớn nhỏ trong vùng.

Buổi tối hôm ấy, không chỉ có bốn người trong gia đình Phú mà còn có cả thím Dung. “Câu chuyện trong nhà cả thôi, lọt sàng xuống nia!”, ông Quý mở lời thế. Chuyện là căn nhà ông bà nội xây từ năm tám mươi bằng gạch tự đóng trong những đêm trăng, thím Dung cấy lúa, làm thuê chắt bóp, dành dụm được một ít tiền, định sửa chữa lại nhà, nhưng ông Quý đã bảo căn nhà ấy móng chỉ toàn gạch ngói vỡ, nay sửa mai hỏng, nếu có tiền thì thím chỉ có đập ra xây mới. Thím Dung gọi người bán cái ao đã cạn, nhưng khi người mua gọi thợ hút bùn vào thám thính xem ao nông sâu ra sao thì phát hiện trong đám bùn lầy có mấy khúc xương người ngả màu thâm đen, thợ thuyền run lẩy bẩy rụng rời chân tay, bỏ của chạy lấy người. Cả làng truyền miệng nhau chuyện dưới ao nhà thím Dung chính là mồ chôn hai xác thằng Tây mũi lõ, thảo nào đi đêm qua cứ nghe tiếng lõm bõm dưới ao như ma trơi. Không ai dám mua cái ao cạn nhà thím nữa.

“Tôi tính thế này, thím cứ suy nghĩ kỹ. Nhà tôi cũng đang định xây lại, mà đập đi thì phí, nhà thím thì không thể xây được dù là xây nhỏ nếu không bán được cái ao. Vậy nếu thím đồng ý hoán đổi sổ đỏ thì anh em ta đổi nhà cho nhau. Thím chỉ việc sang nhà tôi ở, tôi sang bên đất nhà thím xây nhà mới”.
“Bác cả tính thế có được không? Còn bác Huê và hai cháu?”. Bà Huê ý tứ: “Mọi việc đại sự đều do ông ấy quyết, mà ông ấy nhà tôi đã quyết gì thì đều hợp tình hợp lý cả, tôi và hai cháu nghe theo!”. Ông Quý lớn giọng: “Tôi tính thế, được hay không là do thím chứ!”. “Nhưng cái nhà hai tầng nhà bác xây nhiều tiền thế, lại đổi lấy cái nhà ngói cũ của em, em ngại...”. “Đã nói anh em lọt sàng xuống nia, đi đâu mà thiệt”.
Thím Dung đi về nhà, Phú mới dè dặt nói với ông Quý: “Nhìn bề nổi thì đúng là nhà mình khang trang rộng rãi hơn, nhưng nhìn xa thì đất nhà thím đầu làng, hai mặt đường to, diện tích lại rộng hơn nhà mình, chưa tính đến cái ao”. Chưa nghe hết câu, ông Quý đã chặn ngay: “Anh có lớn mà chẳng có khôn, mọi việc đã đâu vào đấy rồi mà anh còn định tính bài phá ngang đấy hả? Ở cái làng khỉ ho cò gáy này thì cũng có hơn gì nhau. Mà anh ấy, tôi nói cho mà mở mắt, tôi có lo cũng là lo cho dòng tộc sau này, tôi là con trưởng sẽ về xây nhà trên nền đất tổ tiên để thờ cúng là đúng, tương lai anh sẽ thừa kế chứ còn ai vào đây? Thím Dung chỉ có cái Thương là mụn con gái, đi lấy chồng xa, sau này thím ấy mất đi, nó chẳng về bán quách mảnh đất tổ tiên này đi để vun vén cho gia đình nhà chồng nó ấy chứ”. Lộc kéo áo Phú, khẽ khàng: “Thôi, anh, cứ kệ bố tính đi!”. Nhưng Phú vẫn nói: “Con thấy cuộc hoán đổi này nó làm sao ấy, hay bố gọi cả Thương về, dù sao nó cũng là con duy nhất của chú thím!”. “Không gọi là không gọi”.

Phú đi tới cái ao cạn, những bụi lau sậy, tre gai, thèn đen, mơ dại xung quanh bờ ao đã được dọn dẹp sạch, dưới ao cỏ dại, dọc khoai cũng cắt bỏ chỉ còn thấy một màu bùn nâu khô khẽ nứt những đường chân chim, trông cái ao rộng ra rất nhiều so với khi còn cây cỏ rậm rịt mọc lan cả khắp ao. Anh nhìn vào phía trong vườn đang ngổn ngang gạch ngói, nguyên vật liệu xây dựng, căn nhà cũ mà ông bà nội xây đã bị phá dỡ, còn trơ lại cái nền lổng chổng gạch đất, Phú thấy bần thần cả người.

“Ô, xe đâu, sao anh lại đi bộ về làng thế này thì có ra cái gì không?”. Ông Quý vừa đi bộ ra cổng, gặp Phú trợn tròn mắt ngạc nhiên, hỏi lớn. “Xe con bị hỏng, con đi xe khách, rồi xe ôm”. Nghe con trai trả lời, ông Quý đã đỏ mặt tía tai: “Anh đường đường là giám đốc mà đi về làng thế này để cho dân làng cười vào mặt tôi hả?”. Phú cãi: “Cái đó có liên quan đâu ạ?”. “Anh đúng là dạng đầu đất, mở mắt nhìn thằng Lộc kia kìa, nó đi hẳn con Camry mới coong đỗ nhờ ở sân đình bao người qua lại phải trầm trồ”. Bà Huê đang quét dọn ở cổng vội dàn hòa: “Hai bố con có gì vào trong nhà nói chuyện chứ!”.

Căn bếp nhỏ được xây chóng vánh để ở tạm cũng tương đối đầy đủ tiện nghi, bà Huê bảo: “Bố mày bảo để lại hết cho thím Dung, từ ti-vi, tủ lạnh, bàn ghế, giường tủ, đến bếp gas... thế là mua mới tất tật đấy”. “Toàn đồ nhà mình xài cũng tới gần chục năm rồi, lúc lên nhà mới phải sắm mới hết nó mới hợp, đồ ấy thì dùng gì nữa, thím lại không có, để cho thím là bố mẹ lại có tiếng thơm bay khắp làng khắp xã rồi còn gì!”. Lộc đang nằm vắt chân lên thành giường chơi điện thoại, thủng thẳng. Ông Quý bảo: “ Ra ngoài bàn uống nước để bố nói chuyện!”. Lộc vẫn bấm điện thoại tanh tách: “Bố cứ quyết, con nghe hết”. Phú ngồi xuống ghế đỡ chén nước chè từ tay bà Huê. Ông Quý chỉ tay ra phía cái ao cạn: “Hai anh thấy tôi thuê hai công dọn dẹp cái ao thế đã được chưa? Sổ đỏ tôi đã xong đâu vô đấy cả rồi, phần diện tích con rạch bỏ hoang chạy dọc ao cũng vào trong sổ nhà ta rồi. Cái ao tù nhà ông Là cũng bán cho nhà ta, một nửa phần vườn cũ của nhà ta nay đổi cho thím Dung, thím ấy cũng đồng ý bán. Vì trong kia, con Thương đang khó khăn, không có tiền chạy cho chồng đi xuất khẩu lao động, thím Dung phải gửi tiền vào cho nên bán. Tất cả đã sổ đỏ hết rồi nhé!”. Lộc bật ngón tay cái nổ tách một tiếng giòn tan: “Bố đúng là number one! Hóa ra ngày trước lau sậy, cỏ dại gặm nhấm nó co lại giờ dọn đi thấy rộng rãi ra gấp đôi! Sắp tới mấy cánh đồng trước làng bán cho công ty, cái ao này của bố lấp đi chỉ cần xây nhà trọ cho công nhân thuê, mỗi tháng cũng kiếm vài chục triệu!”. “Anh là chủ nhà hàng đặc sản Trâu quê mà óc ngắn chỉ nghĩ tới việc xây nhà trọ cho mấy đứa công nhân thuê thôi à? Theo như luồng tin từ mấy bác uy quyền hay đến quán nhà ta ăn nhậu thì không chỉ năm cánh đồng xã ta giáp đường nhựa mà cả ba cánh đồng của hai xã bên cạnh cũng sẽ vào diện quy hoạch để xây dựng khu công nghiệp. Khi ấy, đường sá mở rộng, cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống nhân dân trong vùng sẽ nâng lên, thì mảnh đất đầu làng nhà ta sẽ thành mảnh đất vàng. Tôi sẽ mở một khu sinh thái có khách sạn, nhà hàng Trâu quê, sẽ có vườn cây ao cá cho các thượng đế câu cá, chèo thuyền, hái quả, trồng cây... sẽ phải là hốt ra tiền. Tôi sẽ làm rạng danh cho cả cái làng này!”. Lộc cười khậc khậc theo ông Quý, Phú ngồi lặng lẽ, nhớ lại cuộc chạm trán với Thương, những câu nói chát chua của Thương giờ bỗng như từng giọt a-xít tạt vào mặt Phú, bỏng rát.

“Bố đã hoán đổi xong rồi, còn gọi con về làm gì?”. Giọng Phú rời rạc. Ông Quý thủng thẳng chiêu một ngụm trà: “Có việc mới gọi. Thứ nhất, tôi sẽ hợp đồng với công ty anh để nạo vét mấy cái ao này, tôi sẽ làm từng dãy ao liên hoàn, cho thả hoa súng, hoa sen, thả cá, phải tạo ngay cảnh quan song song với việc xây dựng, khi các công ty vào thì ta đã xong xuôi đâu vào đấy rồi, cái này gọi là đi trước thiên hạ. Thứ hai, tuổi anh Phú năm nay đẹp để làm nhà, sẽ lấy tên tuổi anh để xây cái nhà này. Mai dự kiến đổ móng!”.

“Sao bố nóng vội thế? Chưa dọn sạch cái ao cạn đã đổ móng xây nhà là không tốt!”. Ông Quý nghe Phú nói phá ngang tức giận đập mạnh tay xuống bàn uống nước đến rầm, ấm chén rung lên bần bật: “Phỉ phui cái mồm mày! Cái ao cạn thì có ảnh hưởng gì tới nhà cửa mà mày bảo không tốt?”. Bà Huê, Lộc vội vã phẩy tay ra hiệu cho Phú không được cãi ông Quý lúc này nhưng Phú cũng nổi nóng không kém, Phú đứng bật dậy, mặt tái đi: “Bố quên là dưới ao có mấy hài cốt của lính Tây à? Nó còn ở đấy, nó còn ám, còn quấy nhiễu. Để làm sạch cái ao không phải là chuyện đơn giản. Khi làm nhà mới mà còn để xương cốt vô chủ trong đất nhà mình, nhất lại là bọn giặc có thù oán với làng nước thì không những không tốt mà còn làm lụi bại cả tương lai gia đình mình đi!”. Nói một tràng cho xả tức, mặt Phú từ tái chuyển sang đỏ bừng bừng như say rượu, mắt trừng trừng chờ đợi cơn thịnh nộ từ ông Quý. Nhưng một vài giây lặng lẽ trôi qua, bỗng ông Quý cười một tràng dài, cười như man dại, cười rũ rượi, nghiêng ngả tưởng rút ruột ra khiến bà vợ và hai cậu con trai ngạc nhiên không hiểu vì sao. Vừa dứt hết cơn cười, ông Quý hạ giọng đã khản đi vì cười, nói: “Giờ cho mẹ con mày mở mắt. Chuyện cái bà lão Xôi lú lẫn ấy kể mà tin được à? Còn mấy khúc xương bắt đầu thâm mủn cánh thợ tìm thấy dưới cái ao là do tao, ngay sau cái ngày chú Khu mất, tao đã vứt nó xuống. Xương trâu đấy”.

Lộc ngớ người, bà Huê cũng ngớ người, hiểu ra hai người cùng hòa tiếng cười khan khan bí hiểm với ông Quý. Còn Phú thì choáng váng, tai cứ ù ù ken két như tiếng bánh xe tàu hỏa nghiến vào đường ray, mắt Phú hoa như có ngàn con đom đóm nối nhau bay lên từ ao cạn trong đêm đen đặc quánh, người chao đảo như một mình một thuyền đơn độc giữa biển khơi gặp cơn bão tố bất ngờ ập đến, tưởng như những bức tường trắng trước mặt đang đổ sập vào người Phú, Phú sợ hãi ôm đầu vùng chạy…

Nguyễn Thu Hằng
 

;
;
.
.
.
.
.