.

Ngôi nhà giữa đồng

.

1. Nhà nằm đơn độc giữa cánh đồng. Vách ván, lợp tôn, đứng chơ vơ trên cồn đất nổi cao như hòn đảo nhỏ giữa rùng rùng sóng lúa. Nhìn xa, nhà hệt ngôi nhà trong tranh vẽ đồng quê của một họa sĩ mới vào nghề, nét bút còn vụng. Trước nhà nghễu nghện hai cây dừa cao đứng chầu hai bên làm cổng. Qua khỏi “cổng” tới sân. Phía trái sân là giếng: thềm phả xi-măng rộng, bỏ cái lu to, một bên có cây cọc thẳng chôn chân úp chiếc gáo dừa đại. Hai bên hiên nhà chạy dọc hai hàng mía, lá chĩa lên trời hệt những lưỡi gươm tua tủa. Sau hè, mấy cây ổi nếp nằm nghiêng một hàng da nâu bóng, nhánh sà lúc lắc trái, tỏa bóng mát rượi từ sáng đến chiều. Cảnh nhà không đẹp nhưng sạch. Và mát. Đồng quê trống trải tứ bề, quanh năm lộng gió, không bí bách như cảnh nhà chen chúc trong giữa xóm, rào trước chắn sau. Dân làm đồng xa buổi trưa ghé vào nhà ấy mà nghỉ trưa. Ra giếng rửa chân tay. Ghé thềm ngồi giở cơm nắm ra ăn. Xong, có thể lăn luôn ra thềm hay trải tấm nilon dưới tàn ổi mát rượi sau hè mà chợp mắt chút trước khi lội ruộng chiều…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhà của bà Ba Cảo. Tôi thích theo mẹ, theo chị đi làm đồng cũng chỉ để trưa trưa được ghé vào ngôi nhà đó.

2. Bà Ba Cảo sống một mình, lủi thủi cùng một con chó, hai con mèo và mấy con gà vịt. Nghe kể, chiến tranh tàn nhẫn đã cướp phăng của bà cả chồng lẫn con chỉ trong một buổi trưa. Mâm cơm vừa dọn. Định mệnh đã khéo léo chừa bà ra khi bà sực nhớ sáng nay mình bỏ quên ngoài bờ ruộng cây liềm dọn cỏ. Tất tưởi ra đến nơi, vừa khom lưng nhặt liềm đã nghe sau lưng tiếng nổ oàng khủng khiếp. Quay lại, mắt lạc thần vì kinh hãi: ngôi nhà tranh vách đất xinh xinh của bà trong chớp mắt đã biến mất tăm, thay bằng một đụn khói đen cao ngất…

Hòa bình lập lại, bà Ba lặng lẽ về, tính dựng lại nhà trên nền cũ. Người ta xôn xao: ba mạng người, ám ảnh chết! Bà Ba đáp: muốn hết ám ảnh, chỉ còn cách… sống chung với nó cho quen! Mấy mảnh thịt xương vung vãi nhặt được của chồng con lúc trước bà con đem chôn tạm vào một mộ chung góc vườn giờ được bà Ba sửa sang: xây gạch, đặt bia, nhưng mộ vẫn mộ chung. Bàn thờ cũng bàn thờ chung, chỉ di ảnh của chồng và các con (thuê thợ truyền thần vẽ theo trí nhớ) là khác.

Nhà mới cất vách ván lợp tôn. Chính cái ngôi nhà sạch, mát mà dân làm đồng trưa trưa vẫn thường ghé lại...

3. Mỗi lần theo mẹ theo chị đi cấy dặm, nhổ cỏ mấy đám ruộng xa tôi chỉ mong mỏi một chuyện là làm sao cho mau tới… trưa. Để được đùm túm vô nhà bà Ba bày cơm ra ăn rồi ngủ mát. Bữa nào đông người, bà Ba sẽ cho mượn chiếc chiếu trải gốc dừa hoặc hè sau, hứng bóng mát mấy cây ổi mà ngủ. Gió đồng mát rợn da thịt, ngủ đã đời không muốn dậy. Về nhà, tôi sinh chứng hay càm ràm bâng quơ: “Sao hồi mình không… ra giữa đồng cất nhà ở cho mát, chen chi trong xóm nóng thấy mồ vậy ta?” Mẹ không đáp, chỉ cười. Chị Hai nổi điên: “Mầy chê nóng thì ra nhà bà Ba mà… làm con nuôi bả, ở luôn đi!”. Chị Hai nói ghét thôi, tôi còn lạ gì. Vậy nhưng, tự lúc nào không hay, trong đầu tôi bắt đầu lởn vởn cái ước mơ ngày càng to bự hơn: “Hay mình làm… con nuôi bà Ba thiệt luôn ta (?)”. Phải, làm con bà Ba để được ngủ mát, được làm “tổng quản” mấy cây dừa, cây ổi và hai hàng mía. Còn nữa, được ăn bánh bò thả ga chứ không có kiểu “chị em bây chia nhau mỗi đứa một cái” như bánh bò mua của mẹ.

Nghề mưu sinh chính của bà Ba Cảo là gánh bánh bò. Ngày ngày bà vẫn cặm cụi xay ủ bột, hấp bánh; xong gánh đi bán dạo.

Bánh bò bán lấy tiền hoặc cũng có thể đổi lấy lúa. Đong lúa bằng cái cảo (cái sọ dừa cưa nắp nạo sạch cơm rồi đem phơi khô - phương ngữ Phú Yên). Một cảo lúa gạt (bằng) miệng đổi được 5 cái bánh bò. Đi bán bánh, bao giờ bà Ba cũng thủ sẵn cảo trong hai chiếc thúng không lót hai đầu gánh bên dưới mẹt bánh bò (chắc vì vậy nên bà mới có tên “bà Ba Cảo”). Bánh bò bà Ba làm ngon nên bán đắt. Thường buổi trưa ghé nhà, tôi hay gặp bà đang hấp bánh. Bánh hấp buổi chiều để nguội, sáng hôm sau mang đi bán. Tôi vốn đứa phàm ăn. Nhìn từng xửng (rá có lỗ để hấp bánh) bánh bò chín tới được bà Ba nhấc ra khỏi lò chờ nguội để “vớt”, thú thật, tôi không cách nào rời mắt. Những chiếc bánh tai hoa nở đều tăm tắp còn nghi ngút khói. Mùi đường, mùi bột chín tới quyện thoảng với vị gừng thơm tho khiến nước miếng ứa ra không tài nào nuốt kịp. Nhìn bộ dạng tôi chắc thảm hại lắm nên bà Ba động lòng đưa tay vẫy. Tay kia bà nhón cho tôi cái bánh bò mới ra khuôn còn nóng hổi. Chị Hai lườm tôi, miệng suỵt suỵt, còn hất đầu ý bảo đi chỗ khác. Tôi cứ giả lơ bằng một điệu bộ không nghe không thấy rất chi ngây thơ. Chớp mắt, cái bánh bò đã nằm gọn trong tay. Chắc cũng chỉ mất thêm từng ấy thời gian để bánh tan vô miệng và trôi tuột xuống dạ dày. Ngon. Thiệt tình, nếu được “bật đèn xanh”, tôi cam đoan mình có thể… ăn hết cả xửng bánh bò kia chớ thấm tháp gì một cái bánh nhỏ nhoi. Nỗi niềm ấy chị Hai đời nào hiểu được...

Tôi hăm hăm nuôi giấc mộng làm con nuôi bà Ba Cảo. Tiếc thay mộng lớn không thành. Tôi chưa kịp mở lời với bà Ba chuyện nhận con nuôi thì đã có đứa nhanh chân tranh mất cái vụ được làm con nuôi bà Ba, được ăn bánh bò đã cổ...

Đứa ấy là thằng Chuột.

4. Gọi thằng Chuột rất đúng, bởi nó nhỏ người, tướng lủi lủi y như… con chuột. Nhà Chuột gốc trên thôn Tổng Đạo, nghe nói mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cái Tết định mệnh ấy cả nhà Chuột đùm túm du xuân trên chiếc xe cánh én cà tàng ba Chuột mới mua. Chiếc xe tải mất lái đâm vô lề, hất văng xuống ruộng luôn cả người lẫn xe. Ba thằng Chuột tắt thở ngay tại chỗ. Mẹ nó ráng trụ được tới cổng nhà thương thì đi. Chỉ mỗi thằng Chuột bị thần chết “chê”: nó văng xa, rớt giữa vũng bùn, lấm lem đen kịt từ đầu tới chân nhưng không hề hấn! Là phúc. Nhưng chỉ trong một ngày, Chuột biến thành đứa trẻ không nơi nương tựa. Cô bác ai thương cũng chỉ có thể bóp bụng cho ăn bữa cơm hoặc tròng lên người nó manh áo cũ, rồi thôi. Xóm núi Tổng Đạo dân nổi tiếng nghèo rớt xưa nay, làm bữa mai đắp bữa chiều, nuôi nhà mình, nuôi con mình còn khó…

Thằng Chuột cứ lăn lóc từ đầu thôn đến cuối xóm, sống nhờ vào áo cơm được chăng hay chớ. Khi không xin được thì đi… bẻ bắp, móc khoai, “chôm” cả đồ đạc, thóc gạo của những nhà vắng chủ đem đi bán. Bị đánh hoài vẫn không chừa.

Cũng là định mệnh, cái ngày bà Ba Cảo gặp thằng Chuột. Ăn cắp quen tay, nó vừa lãnh quả một trận đòn thừa sống thiếu chết, đói mềm nằm lả. Bà Ba đặt gánh bánh, lại dòm kỹ thằng nhỏ xác xơ lấm láp đang nằm còng queo bên vệ đường. Dòm xong bà đỡ nó dậy, nhúng khăn lau, rót nước cho uống. Tỉnh hồn, Chuột lom lom nhìn mẹt bánh bò bà Ba chưa bán hết. Mắt nó sáng trưng một vẻ vừa phấn khích vừa tuyệt vọng rất thương. Ánh mắt ấy khiến bà Ba muốn khóc. Bà bê mẹt bánh đặt trước mặt Chuột, nhẹ nhàng: “Ăn đi”…

Chẳng đợi mời lần thứ hai, Chuột vồ mẹt bánh. Nó hùng hục ngốn như máy xúc, nháy mắt đi luôn nửa mẹt. Bà Ba lắc đầu, lại chảy nước mắt. Chờ thằng Chuột no nê đâu đó xong, bà dắt nó về nhà…
5. Câu chuyện nhân từ của bà Ba Cảo dường như kết thúc không mấy có hậu. Chuột là một đứa trẻ tối dạ, học cùng lớp với tôi, nhưng nó chỉ ráng lết được tới lớp 5 là bỏ. Chuột được bà Ba sắm bò cho đi chăn, mục đích tập chuyện làm ăn. Thằng Chuột hư đốn không lo chăn chận đàng hoàng mà chỉ nhăm nhăm lùa bò thả rông, rồi mải mê đi “nghiên cứu” mấy trò bẻ mía, trộm bắp. Chủ vườn hù dọa, bắt cột bò, cột người, mặt nó vẫn không chút sợ sệt. Hết lần này sang lần khác, bà Ba Cảo phải muối mặt đi xin đền bù thiệt hại để người ta chịu thả bò, thả… con. Dạy dỗ hết cách thằng Chuột vẫn không nghe. Không nghe thì chớ, nó còn đổ hỗn cả với bà Ba. Vẻ như các thói xấu từ thời sống lang thang đã lặm nhiễm, di căn vào tận tủy xương của Chuột. Cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân trả oán…, người ta xầm xì sau lưng. Bà Ba Cảo lặng thinh như thể không nghe, cứ nhẫn nại ngày ngày lui cui đánh vật với thằng con nuôi bất trị.

Tôi dần lớn khôn, bận chuyện học hành, ngày  càng ít có dịp  ra đồng, càng ít khi gặp mặt thằng Chuột. Vậy nhưng ký ức về ngôi nhà giữa đồng cùng những câu chuyện đầu Ngô mình Sở thi thoảng được nghe về cảnh nhà bà Ba Cảo luôn khiến tôi không thể làm ngơ. Đọc truyện ngắn Ở hiền của nhà văn Nam Cao, liên tưởng tới chuyện nhà bà Ba tôi thấy sao mà giống! Thằng Chuột - nghe đâu lớn lên vẫn không làm nên món gì tử tế. Có vợ con rồi vẫn cứ ăn chơi lêu lổng, báo đời mẹ nuôi. Hết thời lêu lổng, Chuột nghe ai xui khôn xui dại bày ra làm… cái số đề! Bà Ba cản, nó trợn mắt: “Có gan làm giàu chớ! Cứ gánh bánh bò (như bà) miết biết khi nào giàu?” Bà Ba thở dài, im. Chuột làm cái cò con thắng đâu được vài trận bén mùi ôm đống tịch(*) to. Thua đậm! Giang hồ truy sát hết đường trốn, Chuột đành ra công an đầu thú, lãnh án đi tù. Vợ bỏ, một mình bà Ba Cảo lại lụm cụm lo thăm nuôi. Nghe kể gặp bà nó khóc, dập đầu lạy mẹ, hứa ra tù sẽ quyết tu tỉnh làm ăn. Nhiều người bảo: “Nếm mùi cơm tù chắc tỉnh ra thiệt rồi đây”! Bà Ba Cảo đáp: “Để coi”…

Mẹ kể, có lần chuyện vãn thân tình với bà Ba, mẹ hỏi nhỏ: “Bà có hối vì đã nhận thằng Chuột làm con nuôi không?”, bà Ba đáp tỉnh bơ: “Hối gì đâu, gặp lại nó lần nữa tui vẫn dắt về thôi. Nó tội nghiệp vậy - ai bỏ đi cho đành”…

Y Nguyên

(*) Bản kê các con số và số tiền đánh, người ghi đề đem nộp cho chủ cái.

;
;
.
.
.
.
.