Tôi sinh đứa con đầu ở khoa sản bệnh viện tỉnh trong hoàn cảnh chật chội, nóng nực khi cơ thể còn yếu ớt và đau đớn. Vết mổ và những cơn sốt sữa hành tôi lên xuống suốt bảy ngày ở viện. Hằng ngày tôi chỉ nghe thấy tiếng những người đàn bà động viên nhau. Khiến tôi nhận ra rằng đàn bà thương nhau nhất ở trong khoa sản.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Có rất nhiều người cũng như tôi, khi mang bầu từng hồi hộp đứng trước cửa phòng siêu âm vào giai đoạn có thể nhận biết được giới tính thai nhi. Vài người trong số họ bước ra khuôn mặt sẫm buồn. Có khi líu ríu vịn vào cửa khẽ cười với những người đàn bà khác:
- Lại con gái các chị ạ.
- Không sao em à. Trời cho là quý. Con nào chẳng là con. Khối người mong không được.
- Lát về nhà em chẳng biết phải ăn nói thế nào với nhà chồng.
Người đàn bà ấy bước đi. Trông chị chắc cũng gần bốn mươi tuổi, gầy gò, khắc khổ với làn da đen sạm. Chị kể chồng mình là độc đinh nên nặng vấn đề con trai nối dõi. Chị đẻ hai đứa trước đều là con gái, đã tính dừng lại vì hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn. Nhưng nhà chồng thúc giục phải sinh thêm “cố lấy thằng con trai sau này còn có người thờ cúng”.
Trước khi quyết định mang bầu lần ba, chị đã đi cầu cúng khắp nơi, xem ngày giờ cẩn thận. Ai cũng hy vọng đứa này là con trai, ấy vậy mà… người tính không bằng trời tính. Chuyện trọng nam khinh nữ cứ tưởng đã nhẹ nhõm lắm trong thời buổi này. Nhưng hóa ra tư tưởng nối dõi vẫn là cái dằm nhức nhối sau nhiều cánh cửa. Hơn ai hết người phụ nữ vẫn phải gánh chịu những áp lực và buồn tủi mà lỗi không phải ở mình.
Lại có những người ngồi trong khoa sản với tâm trạng lo lắng vô cùng. Nước ối ít, tim thai bất thường, mẹ có nguy cơ sinh non... Trước sự an nguy của đứa con bé bỏng còn nằm trong lòng mình có người mẹ nào không thắc thỏm lo âu đến mất ăn mất ngủ. Những nỗi lo ấy có khi không nói được với ai thân thiết kể cả chồng mình. Cứ dồn nén trong lòng cho đến khi gặp một người đàn bà xa lạ cùng cảnh ngộ mới có thể vỡ òa cảm xúc. Họ nắm níu, hỏi han, động viên nhau cùng lạc quan cố gắng. Tôi từng ôm một người phụ nữ lao ra khỏi cửa phòng siêu âm bật khóc trong đau đớn. Khi bác sĩ vừa chẩn đoán thai nhi dị tật. Những lời khuyên ù đi bên tai, người mẹ trẻ ấy mới trước đó còn ngồi khoe với tôi sẽ đặt tên con là Thảo Nguyên. Căn phòng nhỏ ở nhà đã thuê người đến sửa sang, trang trí một màu hồng ấm áp.
Người mẹ trẻ ấy còn hỏi tôi “Chắc khi làm mẹ mình sẽ có giác quan thứ sáu chị nhỉ? Chứ em vụng lắm, chỉ sợ đêm nằm sẽ đè dính con mình. Sợ con ốm không biết chăm ra sao? Tắm cho con thế nào? Chắc chẳng có ai vụng như em chị nhỉ?”. Nghe tôi nói “Hồi chị mới làm mẹ lần đầu cũng bỡ ngỡ như em. Đến cả bài hát ru cũng không thuộc nổi. Rồi đâu vào đó hết. Đừng lo”. Em che miệng cười rồi cúi xuống xoa bụng mình âu yếm. Ấy vậy mà chưa đầy nửa tiếng sau em đau đớn hỏi tôi “Giờ phải làm thế nào hả chị?”. Tôi lặng người trước đôi tay của em đang run lên bần bật.
Mỗi lần đến khoa sản thăm khám tôi đều lặng lẽ quan sát những phụ nữ. Nhìn thấu những niềm vui nỗi buồn in hằn trên khuôn mặt họ. Họ ngồi đó kể với nhau mới đi sắm đồ sơ sinh “mấy chiếc váy công chúa nhìn mê không cưỡng nổi”. Họ hỏi nhau đẻ mổ hay đẻ thường? Còn mấy tuần nữa thì sinh? Lưng có đau? Đêm có hay mất ngủ? Da bụng da đùi có bị rạn nhiều không? Niềm hạnh phúc được làm mẹ khiến những người đàn bà rạng rỡ.
Dù bụng bầu vượt mặt, da dẻ xấu đi, những vết nám, tàn nhang tự nhiên xuất hiện. Tôi như được tiếp thêm năng lượng trong hành trình chín tháng mười ngày thai nghén. Để thấy cơn nhức mỏi, tê bì, chuột rút đâu có nhằm nhò gì so với niềm hạnh phúc khi cảm nhận được từng cử động của đứa con bé nhỏ. Thế mới biết đàn bà thương nhau trong cả những niềm vui. Bởi hiểu được những cay đắng đã qua, những tủi buồn đã nếm…
Vũ Thị Huyền Trang