Giờ những cảnh gặt, rồi đập lúa không còn nhiều nữa. Cũng giống như hình ảnh con trâu kéo cày, kéo bừa đã vắng từ lâu trên những cánh đồng Bắc Bộ. Đâu đâu cũng dùng máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa, không to thì nhỏ. Nhà nào chưa sắm được thì sẽ có người cho thuê. Đỡ bao nhiêu mồ hôi, tiết kiệm bao nhiêu thời gian…
Một cô gái Dao đang đập lúa. Ảnh: Huy Hà |
Nhưng, nhìn hình ảnh những cô gái đập lúa theo lối thủ công cũ kỹ này lại cứ thấy bần thần mới lạ.
Nhà tôi, khi xưa, ở giữa những cánh đồng lúa bậc thang thấp, trải dài từ thôn làng ra tận bờ sông, chỉ cách dòng chảy một bãi bồi đất pha cát, thường trồng rau đậu hoa màu. Chúng tôi đi học ở trường làng, dọc theo đường ô-tô, xuyên qua những cánh đồng ấy. Cánh đồng thay đổi diện mạo từng ngày. Hôm nay những con trâu mộng kéo cày lật đất lên đều tăm tắp, vài hôm nữa khi nước đã được xả vào thì cũng vẫn những trâu ấy, người ấy, kéo những cái bừa kềnh càng. Lại vài hôm nữa, những dảnh mạ phủ dần phủ dần, đến khi kín mít thì thôi. Rồi lúa lên xanh, xanh thẫm, trổ đòng. Rồi những bông lúa nặng dần, nặng dần, càng nặng càng trĩu xuống… Và những mùa thu hoạch bắt đầu.
Trường cho nghỉ học.
Thời ấy, cứ vào mùa gặt thì trường cho nghỉ học. Chừng một tuần gì đó. Mục đích để trẻ có thể giúp bố mẹ việc nhà, trông em, nấu cơm cho người lớn ra đồng. Bận lắm. Nhà nào cũng bận tíu tít. Nhưng mà vui. Vui vì khắp làng đâu đâu cũng nhuộm óng một màu vàng lúa chín, thơm nồng. Lúa đầy sân, đầy đồng, lúa lấn cả những lối đi trong làng, ven quốc lộ. Người vui, lúa cũng vui. Một buổi chiều nhập nhoạng nào đó, mùi cơm mới từ một trong số những nóc nhà bay lên. Thơm thật là thơm, và ấm áp, và no đủ, yên bình.
Chúng tôi hay lẻn ra đồng khi đã quýnh quáng làm cho xong việc nhà, vần nồi cơm vào cạnh bếp, đặt lên ấm nước to đùng, vén củi, và yên chí vọt ra cổng.
Tiếng thì thùng vang lên khắp các cánh đồng gần xa. Liên tục liên tục. Mỗi nhà đều có một cái thùng đập lúa bằng gỗ, với bốn cạnh hình thang, đóng kín khít vào nhau, miệng hơi ngả ra ngoài. Cái thùng cao dưới thắt lưng người lớn. Cả mấy tháng trời nó được úp ở đầu hồi, gà qué rủ nhau nhảy lên đứng vắt vẻo ngủ gật. Rồi cũng đến ngày được khiêng ra. Người ta phải dọn cho thật sạch cái thùng ấy trước khi mang ra đồng. Lúa đã chín rồi, chỉ còn chờ được ngả mình vào những cái thùng to tướng mà thôi. Thế nên, ngày khiêng thùng đập lúa ra đồng, ai ai cũng dậy thật sớm. Lúa đã vàng thế kia, trời thì đang nắng thơm, tranh thủ gặt chứ nhỡ một cơn mưa xuống, giả dụ kéo dài dăm ba ngày, thì công cốc cả.
Cái thùng được đặt ở giữa thửa ruộng để tiện cho việc mang lúa vừa gặt về tập kết xung quanh. Những bó lúa được gặt sát mặt đất, chỉ để lại gốc rạ, nên nó rất dài. Người ta sẽ nắm từng nắm, vươn người vung tay, và đập chúng vào vách thùng. Vừa đủ mạnh để hạt lúa rơi ra, nhưng cũng không quá tay để chúng bay ra ngoài. Đập cho đến lúc trên tay chỉ còn một bó rơm.
Tiếng đập lúa nối nhau chạy trên những thửa ruộng bậc thang thoai thoải, suốt những buổi sáng và buổi chiều, tới tận khi cả cánh đồng làng không còn một khóm lúa nào…
Sau này, những cái thùng không còn được khiêng ra đồng nữa. Lũ gà qué lớn bé cứ việc đứng ngất nghểu trên đó mà ngủ gà ngủ gật ngày này qua ngày khác, phân gà trát kín cả đáy cái thùng đang úp chụp nơi đầu hồi. Rồi cũng có ngày chúng mục ra, mủn ra, biến mất như chưa từng hiện diện trong căn nhà, như chưa từng có chúng ngoài đồng.
Những cô gái Dao này đập lúa vào những cái thùng hình máng, gài thêm hai tấm liếp để lúa đỡ bắn ra ngoài. Mỗi nơi, hình dáng những cái thùng có khác đi chút ít, cũng chỉ là do thói quen mà thôi. Nhưng có lẽ rằng, hôm nay chúng vẫn tồn tại là bởi ở đây cái máy tuốt lúa vẫn là vật dụng xa xỉ. Tự dưng muốn nói, ơn giời!
Không hiểu sao tôi luôn có cảm giác rằng, bất cứ đồ vật gì, nếu được làm bằng tay, tức là có dấu vết của mồ hôi, của vân tay, của những vết xước, của cả sự chăm chú và sốt ruột, cẩn trọng tỉ mỉ và tận tụy, hết lòng và đầy mong ước, thì chúng sẽ sinh động hơn. Như là chúng được có linh hồn. Và những hạt thóc cũng vậy. Dường như ăn bát cơm được gặt, đập, xay, giã, dần sàng… cũng ngon hơn, thơm ngọt hơn. Chẳng biết thế thật, hay là cái sự mộng mơ vớ vẩn nó khiến người ta thành ra thế.
Có những thứ sẽ mất đi, mãi mãi, trong cuộc sống của chúng ta. Không bao giờ xuất hiện trở lại trong tư thế của một vật dụng đang có đời sống nữa, tức là đang được sử dụng, chứ không phải ở trong một bảo tàng. Làng tôi, những mái nhà lợp cọ đã mất đi từ lâu lắm. Cũng từ khi chúng mất đi, những cánh rừng cọ trở nên già nua, buồn tẻ. Nếu như người ta chặt lá cọ để lợp nhà, cứ vòng quanh làng, hết nhà nọ đến nhà kia làm nhà; hoặc giả làm thêm nhà mới cho con trai mới cưới vợ, ra ở riêng; thì cánh rừng cọ không bao giờ có lá già.
Những cánh rừng cọ đầy lá già đến nỗi khô xác, chuyển sang màu nâu, rồi trắng bạc, rách tướp, rũ xuống, chỉ gần đây mới thấy. Khi những nếp nhà sàn hàng trăm năm tuổi bị hạ gục bởi những con cháu không còn thiết tha, thì hẳn là cả cánh rừng cọ bỗng thừa ra. Nếu không dùng lá để lợp nhà, thì người ta đâu có việc gì dùng đến cọ nữa.
Khi lúa được tuốt bằng máy, những cái thùng đập lúa mục ra, biến mất.
Khi không lợp nhà bằng lá cọ, những cánh rừng cọ bị bỏ quên.
Khi không dùng trâu để kéo cày, vô số những cái mõ trâu lủng lẳng trên gác bếp dính đầy bồ hóng…
Sống là vận động, liên tục, không ngừng, là sinh sôi và mất mát, thế chỗ.
Mất mát và thế chỗ, hẳn là thế.
Đỗ Bích Thúy