Nghỉ việc, tôi rời quê chuyển hẳn vào phố sống với gia đình chồng. Điều làm tôi nhớ nhất chính là những buổi chiều đi làm về được sà vào căn bếp thơm thơm mùi khói của mẹ. Nhìn những tia khói bay lên, tôi hiểu có những thứ dù mong manh nhưng lại là sợi dây gắn kết bền chặt, còn hơn cả những điều to lớn hơn.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Hôm trước, chồng tôi bảo mua bếp về nấu nước uống cho an toàn, chứ cứ dùng can 20 lít mua sẵn anh không yên tâm. Nhà vườn rộng, chỉ cần một cái bếp, dăm ba cục than củi thì tha hồ nấu, nếu em ngại thì sáng dậy sớm anh nấu cho. Ngại gì, riêng việc này tôi ủng hộ, nhớ mùi khói quá đi mà.
Nếu ai đó có thói quen ngủ dậy sớm đun ấm nước, pha mấy chén trà thơm thì tôi lại lên lịch nấu nước vào buổi chiều. Khi những bình nước trong nhà đã được điền vào đầy nhóc, bếp vẫn còn mấy viên than đỏ hồng, tôi tận dụng nấu bữa ăn chiều. Lúc tôi làm món thịt bò kẹp lá lốt xiên que, lúc khác lại món cá chuồn phết muối ớt nướng, có bữa ba chồng còn lúi húi chạy ra bảo nướng thêm cho ba củ khoai lang, mấy hôm nay chướng bụng. Miết thành vui, bữa cơm chiều nào cũng bày biện món mới, mọi người ai nấy đều trở nên háo hức với những giây phút sum họp cuối ngày.
Có bữa, tôi đang hì hục quạt than thì dì Bảy hàng xóm cầm theo xấp bánh tráng chạy sang. Dì dí dỏm: “Đừng tưởng đây là bánh tráng thường nghe, là bánh tráng nước dừa Bình Định hẳn hoi đó, con dâu dì cho mà dì nướng bếp ga nỏ ra mùi vị chi, lại còn cháy hết”. Thế rồi hai dì cháu, người gỡ bánh, người lui cui nhóm lửa. Thổi lửa than cũng như lửa củi, muốn bếp nhanh hồng thì hơi ra phải nhẹ. Chỉ một làn hơi mỏng kéo dài chứ không phải kiểu hụt hơi ngắt quãng, chỉ phát ra tiếng động phù phù. Dì Bảy cũng là dân quê nên rành giữ lửa. Nhìn cách dì cẩn thận xoay trở từng hòn than, tôi đoán dì là người đàn bà đảm, gia đình chắc ấm áp quanh năm.
Ngày tôi lấy chồng mẹ bảo, con người sống với nhau ngoài thấu hiểu còn là sự tế nhị, nhất là trong cách cư xử với mẹ chồng. Tôi vẫn nhớ lời mẹ dặn. Còn nhớ hồi chưa sắm bếp than, sau buổi gặp gỡ giới thiệu sản phẩm tại hội trường khu phố, mẹ chồng tôi rước về một chiếc nồi chân không có giá gần 3 triệu đồng. Chiếc nồi chia làm hai phần, bao gồm một lõi thép bên trong, có quai, đế gắn thêm vài thanh gang và phần vỏ bên ngoài có đường kính lớn hơn, bọc lấy phần lõi. Gần chục ngày liên tiếp sau khi mua nồi về, mẹ cho cả nhà ăn món canh rau củ vì quá mê sự tiện ích của chiếc nồi mới. Bao nhiêu loại củ như khoai, môn, cà rốt nếu trước đây mất thời gian hầm cả tiếng thì bây giờ chỉ cần để vào lõi nấu sôi, sau đó giấu vào nồi lớn, đến giờ ăn là múc ra, mọi thứ đều chín nhừ không tốn điện mà cũng chẳng tốn ga.
Thì công nhận rau củ có nhừ, xương thịt cũng chín mềm nhưng mà nước canh nhạt thếch, trong veo, cảm giác vị nào riêng vị đó, chẳng ăn nhập hòa quyện gì với nhau. Tôi định góp ý nhưng sợ mẹ buồn đành thôi. Hôm rồi, loay hoay thế nào mà vỡ mất mấy thanh gang khiến mẹ bần thần cả ngày. “Cái nồi bị vỡ lại là điều may cho cả gia đình”, tôi bật cười trộm nghĩ rồi nhanh tay nấu lại món canh hầm rau củ cho bữa ăn chiều. Lửa than rừng rực, nào khoai, nào hạt sen, cà rốt rồi chân giò cứ sôi lên sùng sục, va đập vào nhau cho ra một tô canh sánh đều, vừa thơm, ngọt nước lại ngậy béo đúng vị. Nhìn cảnh mọi người xì xụp ngon miệng, người nấu dù vất vả cũng vui lây.
“Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”. Tôi nhớ, ngày xưa thời chị em tôi còn nhỏ, gian bếp là nơi đoàn tụ, vang vọng nhiều tiếng cười nhất trong ngôi nhà. Mỗi chiều đi học về bụng đói meo, đứa nào đứa nấy sà vào bếp nghe mùi cơm sôi sùng sục, đầu kiềng bên kia mẹ kho ít dưa môn với tóp mỡ là cả bọn lại rệu rạo hết cả người, bắng nhắng phân chia đứa dọn bát, đứa lấy đũa. Rồi cả những sáng mùa đông, mấy chị em vừa được bà sưởi chân vừa nhìn những tia khói màu lam len theo gió bay ra ngoài cánh cửa liếp, chậm rãi vòng vo vút nhẹ lên trời. Hay khi mùa xuân đến, bên bếp lửa đỏ hồng đêm 30 Tết, hàng xóm láng giếng cùng quây quần nhào bột, nướng bánh, nấu bánh. Con trẻ chạy lăng xăng, người lớn vừa làm vừa trò chuyện, hoan hỉ cùng nghe tiếng loa chúc Tết dội đến từ nóc nhà ông trưởng thôn.
Bây giờ, nhìn những tia khói đang chậm rãi bay lên trên những bức tường rào chia cách thẳng băng của những ngôi nhà thành phố, mắt tôi chợt nhòe đi. Tôi nhớ nhà, nhớ sự gắn bó ấm êm trong những căn bếp phủ đầy tro bụi, nhớ sự tận tụy của mẹ với những làn hơi giữ lửa kéo dài, nhớ những ân nghĩa xóm làng nơi quê nghèo chốn cũ,…Bếp lửa vẫn đang hồng, khói bay lên trời. Tự do, thơm và chậm rãi. Tôi hiểu những người phụ nữ trong gia đình cũng như lửa, như khói. Mong manh và ấm áp, họ nhẫn nại gắn kết gia đình bằng tất cả yêu thương.
MINH THI