Nhân dịp nghỉ lễ, tôi và Tiến hẹn nhau về quê. Một quyết định làm chúng tôi nôn nao và háo hức vô cùng.
Cũng khá lâu rồi, vì bận bịu với công việc và gia đình, quê hương chỉ là ảnh hình hiện diện trong nỗi nhớ. Cả nhà tôi đã chuyển ra thành phố, ba mẹ tôi chiều lòng con, thu xếp ở cùng để vui vầy tuổi già với con cháu, mà chúng tôi cũng thuận tiện hơn trong việc chăm sóc ông bà khi tuổi xế chiều.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cuộc sống gia đình tôi tạm ổn, các em đều có công ăn việc làm, ba mẹ tôi lúc đầu khá buồn, nhưng rồi cũng quen với nhịp sống phố thị. Dường như tất cả đều bình yên, nếu tôi không quá day dứt vì… thiếu quê hương. Và dường như, cái phần tình cảm sâu thẳm, trong trẻo và dịu dàng nhất của tôi chính là miền quê nghèo, nhưng ăm ắp kỷ niệm đẹp: Tiên Phước.
Cuộc sống như một chuyến tàu, ngồi lên đó là phải xuất phát, là phải đi. Dù có đôi khi tôi cũng hoài nghi, băn khoăn vì những sân ga phía trước. Liệu hành trình của mình có gặp bến đỗ bình yên?
Bởi thế, bỏ hết những lăn tăn, khi nghe cuộc gọi của người bạn cùng lớp thời phổ thông, tôi không chần chừ mà hứa chắc. Tôi tự thưởng cho mình chuyến về quê dịp lễ, nhân tiện gặp được vài bạn ở xa về, có khi gần 25 năm chưa một lần tái ngộ.
Thế hệ 7x chúng tôi, được học hành đến nơi đến chốn là sự may mắn. Tôi được giữ lại giảng dạy tại ngôi trường đại học mà mình đã từng ao ước. Tôi luôn ghi khắc trong lòng công lao của cha mẹ, để nỗ lực hơn. Và cuộc đời đã đem đến cho tôi cơ hội mở mang tầm mắt. Tôi được đi nghiên cứu sinh ở Toulon, một địa danh thơ mộng thuộc miền nam nước Pháp. Những tưởng cuộc sống và công việc nơi này có thể níu giữ tôi, với bao khát khao khám phá. Nhiều người cũng nhân cơ hội này mà ra đi không hẹn ngày trở lại. Ở một đất nước văn minh, điều kiện sống, học tập và làm việc rất thuận lợi, tôi vẫn thấy mình thiếu vắng điều gì đó. Nhiều khi đến hoang hoải. Dường như là một nồi bánh tét nghi ngút khói chiều ba mươi Tết. Dường như là những cánh đồng và dòng suối, thấm bao nhiêu mồ hôi của cha mẹ. Dường như là một món ăn dân dã như canh cá nhét nấu rau răm, đậm đà và cay cay hương vị ớt chỉ thiên quê nhà...
Mọi thứ đối với tôi bên này rất ổn, trừ nỗi nhớ quê. Tôi biết mình thiếu quê hương. Cuộc sống có nghĩa lý gì, khi ta ở một nơi hoàn toàn xa lạ? Nỗi trống vắng ấy không gì khỏa lấp được, nhất là mỗi khi Tết đến xuân về, nó cồn cào như cơn đói, và xào xạc như lá thu rơi. Thế nên, sau thời gian hoàn thành đồ án, tôi về lại mái trường xưa. Một quyết định khiến nhiều người thân thất vọng, trừ cô bạn thân. Và tôi thấy chẳng hề sai lầm. Tôi trở về với tất cả những gì thân thương nhất, ấm áp nhất của đời mình, dẫu rằng cuộc sống còn nhiều khó khăn phía trước.
Nhưng về nước, nhiều khi tôi nhớ Toulon da diết. Mùa lá phong đỏ rực, rụng rơi khắp đường. Những đô thị cổ huyền bí. Những mênh mông xanh của biển…
Trong câu chuyện dây cà ra dây muống của những người bạn cùng lớp, đề tài lặp lại không bao giờ chán là kỷ niệm đi học và tuổi thơ… Cái xô bồ của đời bỗng lắng xuống, nhường chỗ cho những hồn nhiên và ấm áp. Mùa thu trung du không có gì đặc sắc. Chỉ có bầu trời như cao hơn. Mây vảy trút rải trắng trời như những luống cày nhẹ tênh. Nghĩ cũng lạ. Một cuộc gọi. Một cuộc hội ngộ. Một sự trở về với chính mình. Vậy cũng làm ấm lòng người xa xứ. Tôi thoáng nghe mình trong câu hát“Từ những phố kia tôi về”…
Nguyễn Thị Diệu Hiền