Mẹ ra nhà con gái chơi, nhìn thấy chiếc ti-vi siêu mỏng to đùng treo ở trên nhà, vừa xem vừa xuýt xoa: “Ti-vi to coi sướng thật, y như người ở ngoài đời. Cái thời đại chi mà sướng. Ngày xưa nhà mình có cái ti-vi đen trắng đã là oách lắm rồi, tối tối hàng xóm đến xem đông như đi hội. Thời đó khổ nhưng vui, con hè!”. Mẹ cười, những nếp nhăn níu nhau nơi đuôi mắt.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi không nhớ rõ đó là năm nào, chỉ biết là mình còn rất nhỏ. Ngày đó, trong làng hình như chỉ có vài nhà có ti-vi. Nhà nào khá thì cũng sắm được cái đài cát-sét. Mẹ hay nghe “Đọc chuyện đêm khuya”, mẹ còn thường mượn những cuốn băng cải lương về, những cuốn như “Cô gái bán sầu riêng” chúng tôi nghe nhiều đến mức thuộc làu cả vở. Nhưng nói gì thì nói, nghe cũng không khoái bằng xem.
Tối nào ăn cơm xong, mẹ cũng dắt hai chị em tôi ra nhà bác Hợi cuối làng. Đi sớm được ngồi trước, hôm nào lỡ đi muộn phải ngồi chen chúc phía sau. Cứ sau giờ ăn cơm, thấy đông đông người là bác mở ti-vi cho mọi người xem. Trời mưa thì ngồi trong nhà, trời không mưa ngồi ngoài sân, cả người lớn lẫn trẻ con đông vui như hội.
Những bộ phim dài tập như: Tây du ký, Hồng lâu mộng, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, Trở về Eden, Nhà giàu cũng khóc… đã in dấu trong tâm trí tuổi thơ tôi từ đó. Từng số phận, từng cái tên cho đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao mình vẫn còn mồn một nhớ rõ.
Một tối, chị em tôi ngủ sớm, khuya thức dậy không thấy mẹ đâu, đẩy cửa thì cửa khóa ngoài. Tôi biết nhân lúc chị em tôi ngủ mẹ đã “trốn” đi xem phim. Vậy là tôi gọi em dậy, hai chị em chui qua cái ngạch cửa nhà (vốn chỉ dùng cho chó chui vô chui ra) chạy đi tìm mẹ. Sau đợt đó, bố về phép, nghe con kể, vừa giận vợ vừa thương con, bố quyết định đi mua một chiếc ti-vi.
Bất kể là trời mưa hay nắng, từ xẩm tối, khi ti-vi bắt đầu phát chương trình “Những bông hoa nhỏ” là nhà tôi đã chật kín người. Người cẩn thận thì mang ghế từ nhà đi theo, còn không lót dép ngồi dưới sân. Gặp phải hôm trời oi bức, những chiếc quạt mo cứ thi nhau phe phẩy, tiếng đập muỗi phành phạch. Thi thoảng có một vài đứa trẻ khóc ré lên đòi về ngủ, thế là mẹ bế con lồm cồm dậy về trong tiếc nuối vì phim đang đến hồi hay.
Hồi ấy truyền hình chưa có nhiều phim ảnh như bây giờ. Cả tuần chờ đợi mới đến tối thứ bảy để xem một vở sân khấu, khi thì kịch nói, khi thì tuồng, chèo, cải lương. Mong lắm mới đến ngày để xem phim “Văn nghệ chủ nhật”.
Rồi đời sống dần dần khá hơn, ti-vi không còn là hàng hiếm trong làng nữa. Nhà tôi cũng đổi từ ti-vi đen trắng sang ti-vi màu. Ti-vi trong làng nhiều lên, người đến xem ngày một thưa dần. Dần dần, nhà ai xem ti-vi nhà nấy, chẳng còn những tấp nập, những cười nói mỗi khi đêm về.
Thời gian đầu không quen, mỗi khi tối về, ngồi trong nhà nhìn ra sân vắng tanh bỗng thấy trống trải. Chẳng còn người lớn trẻ con lổm nhổm đứng ngồi, chẳng còn tiếng bàn tán xôn xao về nhân vật trong phim, chẳng còn tiếng khóc vì ngái ngủ của những đứa trẻ, cũng chẳng còn tiếng quạt nan phe phẩy, tiếng đập muỗi phành phạch những đêm hè hay nền nhà ướt nhẹp vì mọi người đội mưa đến xem.
Chiếc ti-vi đầu tiên mẹ đem cất lên gác xép ở góc nhà, đậy bên trên là một tấm vải hoa theo tháng ngày phủ đầy bụi. Vài bận, nghe tiếng rao của bà đồng nát, bố bảo mẹ đem chiếc ti-vi cũ bán đi, để đó cũng chẳng để làm gì nhưng mẹ nhất định không chịu bán. Mẹ hệt như một lão nhà giàu keo kiệt, đồ không dùng đến nhưng cũng không chịu bỏ hay bán đi. Bố thường trêu mẹ tôi như vậy.
Giờ mẹ đã bảy mươi, mái tóc dẫu được nhuộm đen nhiều lần vẫn không thể che giấu được tuổi già qua những chân tóc nhú lên màu trắng. Da mẹ đã nhăn nheo, chân mẹ không còn khỏe, chỉ có những ký ức mẹ kể vẫn mới mẻ như vừa hôm qua.
Tôi nghĩ đến một ngày thật xa, mà cũng có thể sẽ rất gần, mỗi khi tôi về quê nhìn thấy chiếc ti-vi cũ, vật xưa còn đó nhưng người xưa sẽ không còn, tự nhiên thấy lòng quặn thắt. Chỉ mới chớm nghĩ thôi mà mắt đã ứa lệ, nhưng cuộc đời sao tránh nổi những cuộc chia ly.
Chiếc ti-vi cũ là một quãng tuổi thơ tôi, còn mẹ là cả một cuộc đời. Những thứ xa rồi người ta sẽ gọi là kỷ niệm, nhưng có những kỷ niệm đẹp tuyệt vời mà sao lòng nghĩ về lại thấy nhói đau.
Lê Giang