Một năm học mới 2020-2021 vừa bắt đầu, đi kèm với đó là những suy nghĩ, trăn trở của lãnh đạo ngành giáo dục, giáo viên về những việc đã làm được và cả những việc chưa làm được, cần tiếp tục đổi mới. Trong đó, “lấy người học làm trung tâm” - một quan điểm có tính chủ đạo trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, thực tế đã thực hiện ở những mức độ khác nhau trong 20 năm qua - vẫn là vấn đề được đặt ra và ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau.
Mới đây, Công ty CP Sách và Công nghệ Việt Nam cùng NXB Phụ nữ Việt Nam đã phát hành cuốn sách Cải cách giáo dục Việt Nam - Liệu có thực hiện được “lấy học sinh làm trung tâm”? của học giả người Nhật Tanaka Yoshitaka (cũng là một giáo viên). Cuốn sách này có thể được xem là “những gợi ý cho cải cách giáo dục Việt Nam trong thời đại toàn cầu”.
Cuốn sách chia thành 6 chương: chương 1 - Giáo dục nào đang được tiến hành ở Việt Nam?; chương 2 - Những vấn đề giáo dục Việt Nam đang đối mặt; chương 3 - Cải cách giáo dục không nhìn thấy hiệu quả. Ở chương 3, tác giả quan sát, phân tích tỉ mỉ, cụ thể, thực chứng, nghiêm khắc nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề khiến chúng ta giật mình, vì bình thường chúng ta đã quen với các vấn đề đó, hoặc thậm chí không coi đó là vấn đề mà luôn nghĩ nó là đương nhiên, chẳng hạn như chuyện “quyền lực” của người giáo viên trong lớp học...
Ảnh: V.H |
Chương 4 - Đề xuất cách tiếp cận phát triển giáo dục mới cho Việt Nam, đó là những đề xuất có tính thực tiễn và khoa học cao, thể hiện tư tưởng xây dựng “trường học dân chủ” - một tư tưởng đã và đang thực hiện rộng rãi trên thế giới. Đây không phải là những đề xuất suông mà chính là những gì tác giả cùng các đồng nghiệp người Nhật và người Việt đã thực hiện nhiều năm qua ở Việt Nam. Kết quả cụ thể được tác giả trình bày trong chương 5 - Trường học và giờ học ở Việt Nam đang thay đổi.
Cuối cùng, chương 6 - Hệ thống giáo dục và trường học ở Việt Nam cung cấp độc giả thông tin toàn cảnh của giáo dục Việt Nam trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây.
Bản thân tôi hiện không công tác trực tiếp trong ngành giáo dục, nhưng tôi tốt nghiệp ngành Sư phạm, từng có một thời gian làm giáo viên. Đặc biệt, tôi quan tâm về tình hình giáo dục của đất nước. Tôi cũng là phụ huynh có con chuẩn bị vào tiểu học, nên tôi không thể không quan tâm tìm hiểu vấn đề hiện trạng giáo dục, từ đó có góc nhìn rõ hơn những vướng mắc để chung tay với nhà trường và xã hội giáo dục con em mình.
Ở đây, mặc dù tập sách được khảo sát thực tế trong môi trường giáo dục Việt Nam đã hơn 10 năm, nhưng như tác giả viết, trong những năm gần đây, chương trình giáo dục (nhất là bậc tiểu học) được đổi mới mạnh mẽ, nỗ lực hướng đến nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, quan điểm “lấy học sinh làm trung tâm” vẫn có nhiều vấn đề cần tìm hiểu, thay đổi để có phương pháp giáo dục hiệu quả, thực chất, nhất là việc cải cách giáo dục cần đồng bộ giữa các khâu, về nội dung sách giáo khoa và cả về công tác quản lý hành chính, đánh giá. “Lấy học sinh làm trung tâm” đã được bàn thảo rất nhiều tại các hội nghị, hội thảo về giáo dục và cả trên diễn đàn Quốc hội.
Cải cách giáo dục Việt Nam - Liệu có thực hiện được “lấy học sinh làm trung tâm”? là tập sách tham khảo hữu ích của nhà quản lý giáo dục, giáo viên và phụ huynh khi bước vào năm học mới.
VÕ HÀ