Yên vừa xuống xe, đang lấy hành lý thì có điện thoại. Giọng ba Yên chậm rãi:
- Mẹ vừa mất rồi con à.
Chỉ kịp gọi báo với sếp, rằng Yên đành bỏ dở chuyến công tác vì nhà có tang. Rồi quày quả, Yên ra bến xe đò, tự về một mình. Phải một lúc lâu, Yên mới bắt đầu bĩnh tĩnh hơn, nghĩ tới phải làm gì. Ba Yên cho biết vừa nhờ người đi “xem thầy”, giờ đang dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị lo hậu sự cho mẹ. Bằng chất giọng rắn rỏi nhất có thể, Yên dặn dò ba mấy câu rồi cúp máy, bấm số gọi cho em mình.
Đầu bên kia đổ từng hồi chuông lê thê. Em không bắt máy, như thói quen nào giờ.
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG |
Hồi bé, hai chị em Yên rất thân thiết. Em giỏi nhiều thứ, từ vi tính, công nghệ cho tới đàn hát, từ xây dựng, trồng cây kiểng qua cả nấu nướng, đi chợ cũng đều xuất sắc. Yên là con gái nhưng có chút nóng nảy, bù lại em trai mà trầm tính, kỹ càng. Quen thói dựa dẫm ỷ lại vào em, nên lúc em bảo mình có bồ, Yên đôi phần chưng hửng. Cảm giác vừa bất ngờ vừa sờ sợ, lại vướng chút ích kỷ thường tình: Liệu rồi em mình có “ham sắc bỏ chị” như thói thường vẫn thế?
Nói vậy thôi, cả nhà Yên ai cũng văn minh hiện đại đúng chuẩn “bốn chấm”. Nhận xét ấy, có lần Yên và em cùng thống nhất với nhau, khi thấy ba mẹ tuyên bố với hai đứa con rằng, sau này tự lo sự nghiệp, ổn định thì tự kết hôn, nhắm ẵm bồng chăm sóc được thì hãy đẻ con. Nhớ nhé. Ba mẹ không quản, không can thiệp, không ý kiến, không xét nét. Còn tuyệt vời nào hơn.
- Chị tính mua cái bánh kem với chậu hoa này để mừng ngày lễ của ba mẹ. Em có muốn chung tiền không?
- Chị cứ thoải mái mua đi, em sẽ chuyển khoản.
Có lẽ, việc em chu đáo nhất chính là chuyển khoản. Nhanh chóng, dư giả so với số tiền hai chị em cưa đôi. Mà thật ra, dù tự mình mua hết các thứ quà bánh ấy, cũng không phải là việc chi tiêu quá lớn so với Yên. Huống gì là đối với em. Thu nhập từ bệnh viện công lớn nhất nhì thành phố thật chẳng đáng là bao so với từ phòng mạch tư của em. Mỗi ngày, trước năm giờ chiều là em có mặt ở đó, cùng với một anh phụ tá. Em đóng cửa phòng mạch vào chủ nhật và ngày Tết. Thêm hai ngày lễ lớn nhất trong năm nữa chứ, để về nhà, thăm cha mẹ, thăm chị và anh rể cùng hai đứa cháu rất mong cậu. May là em có dặn Yên mua quà sinh nhật cho cháu. Mua đồ biếu ba mẹ. Mua cái đồng hồ chị thích đi mà. Mua thêm ít nấm linh chi, mấy ký nho không hạt giúp em… Chứ chưa tới mức em dành tặng cho người thân món quà mang tên là “chuyển khoản”.
Hơn mười năm, kể từ ngày em ra trường rồi cưới vợ, chị em Yên ngay cả gặp nhau ở hàng quán, cùng ăn một bữa cơm rồi trò chuyện là việc không tưởng. Ba mẹ chắc thấy mặt em được nhiều lần hơn. Đó là khi em cần mượn hộ khẩu hay giấy khai sinh để công chứng giấy tờ, thủ tục này nọ. Em chạy xe tạt ngang về nhà lấy, vội vàng rồi đi ngay. Đó cũng là những lúc ba mẹ nhớ hai đứa cháu nội sinh đôi của mình, liền dắt díu nhau qua thăm. Ở chơi với cháu được vài tiếng đồng hồ rồi về. Bởi cả hai vợ chồng em lẫn bọn nhóc đều lấy đâu ra thời gian để mà dông dài với hai ông bà già cơ chứ.
Hôm ấy là kỷ niệm bốn mươi năm ngày cưới của ba mẹ. Yên muốn ba mẹ có cảm giác là, bánh này, hoa này là của hai chị em cùng chuẩn bị. Dẫu em không có mặt. Hình như đã lâu lắm rồi em không còn tham gia vào các hoạt động tụ tập, ăn uống, sinh hoạt của cả nhà. Chẳng ai từng trách cứ. Bởi ba mẹ, và cả Yên nữa, đều chung quan điểm rằng, không ai sống thay ai được. Nên hãy cứ sống theo cách mình muốn, miễn sao cảm thấy hạnh phúc là được.
Em vẫn hạnh phúc chứ? Yên nghĩ câu trả lời là “có”. Em dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi cho gia đình nhỏ của mình. Tự đưa vợ đi siêu thị, lựa chọn đồ lành sạch cao cấp, về nhà cùng vợ dọn dẹp sơ chế. Đó là sáng cuối tuần. Mỗi ngày em tranh thủ dành cho con gần một giờ đồng hồ trong cái quỹ thời gian eo hẹp sát rạt. Mà bác sĩ của một cái khoa đông đúc tất bật khẩn trương, tại một bệnh viện tuyến cuối của thành phố, thật ra cái gọi là “thời gian” đó xa xỉ vô cùng. Em cùng vợ con mỗi năm đi du lịch một lần vào dịp Tết ta. Còn Yên, một năm gặp em được đúng ba lần, mỗi lần một ngày. Ngày giáp Tết và hai lần nghỉ lễ lớn trong năm. Hết. Khó tin nhưng rất thật. Chỉ cần đóng cửa phòng mạch một ngày là thất thoát tới tiền triệu. Thậm chí nhằm hôm cao điểm là vài chục triệu. Em quen với nếp sống đó rồi. Đôi khi Yên đoán rằng, em ngại thay đổi. Thậm chí là sợ thay đổi. Càng chẳng có cách nào thay đổi để thoát khỏi cái guồng tưởng thong dong mà đầy vội vàng ấy được.
Năm ngoái, đám tang bà nội, tổ chức ngay tại nhà của chị em Yên. Đợt đó Yên cũng đang đi công tác tỉnh, lật đật bỏ dở, đón xe về. Trên xe Yên gọi cho em không được, đành nhắn tin. Mãi mấy tiếng đồng hồ sau mới thấy hiện “Đã xem”. Yên gọi thêm mấy anh chị em họ khác nữa. Chỉ vài người bắt máy, và chỉ có một trong số đó thông báo với Yên là họ cũng đang tất tả trở về. Còn lại, đều, hoặc đang ở nước ngoài. Hoặc đang dở một dự án lớn không xê dịch hạn chót được. Đang vướng khách hàng quan trọng. Đang kẹt quá chị Yên ơi. Nhà nội vốn đông con cháu kia mà, vắng em cũng không sao, chị nhỉ…
Dĩ nhiên, người có thể thu xếp đến ngay chẳng phải là em. Tình, em dâu của Yên không phải đang ca trực, nhưng vẫn đợi sáng hôm sau cùng về với chồng con. Khoảnh khắc đứng bên cạnh cỗ áo quan của nội, dưng không Yên có một nhận xét rất lạc đề là, từ ngày làm em dâu Yên tới giờ, Tình chưa từng xuất hiện ở nhà Yên một mình bao giờ nhỉ! Nhà Yên khó nhằn tới mức khiến em dâu e dè sợ hãi, thật ư?
Không. Ba mẹ Yên dễ tánh, thậm chí có thể nói là dễ dãi. Con ruột hay dâu rể gì cứ ăn xong là ngồi chơi, cấm dọn dẹp rửa chén. Cấm luôn cả quét nhà phơi áo mỗi khi về nhà ba mẹ. Yên càng chẳng phải bà chị chồng hắc ám khó ưa trong truyền thuyết. Yên từng nhiều lần rủ Tình đi mua sắm. Ăn vặt. Dắt bọn trẻ con cùng đi chơi. Lâu lâu chị em nên có dịp gặp gỡ hẹn hò chứ nhỉ? Tình cáo mệt. Tình than bận tối mắt mũi. Tình nói em lỡ có việc định trước rồi…
Thoáng qua, dễ lầm tưởng là chị chồng em dâu không hòa thuận. Dù thực tế, mối quan hệ vẫn êm ấm bình thường. Yên chẳng muốn phải giận hờn. Dù thâm tâm Yên nhiều lúc nghĩ ngợi. Đã vài bận, Yên phàn nàn với mẹ về Tình. Rằng sao nó vô tâm với phía bên chồng quá. Rằng chồng con như vậy mà vẫn không biết cư xử sao cho phải phép với gia đình chồng. Mẹ gạt đi. Mẹ nói vài câu khiến Yên thấm thía mãi, rằng miễn sao vợ chồng nó vui vẻ hạnh phúc là đủ rồi. Tình nó thế nào thì chồng nó chịu đựng được là được. Mẹ không bận tâm những thứ khác.
Mãi sau này, Yên mới hiểu hết những lời mẹ nói, khâm phục tư tưởng của một bà nội trợ lỗi thời như mẹ. Không ai sống giùm cuộc đời của ai được, sao cứ phải áp đặt, chỉ đạo, soi ngó kia chứ…
Trên mạng, Tình khoe hình một bữa tiệc gia đình đông vui. Có bong bóng, có bắn kim tuyến, có hoa, có giấy gói quà sặc sỡ màu sắc. Là dịp kỷ niệm gì đó của bên nhà Tình. Yên nhìn chăm chú, lòng chẳng gợn chút khó chịu. Mà đọng lại trong Yên là câu hỏi: Lẽ nào một phụ nữ như Tình lại chỉ biết có phía mình, mà quên đi mọi mối ruột rà thân thiết của chồng?
Yên nhớ lần Tình gặp chuyện. Giữa khuya, giọng người đàn ông vốn trầm tĩnh như khi vẫn tác nghiệp hằng ngày ở khoa hồi sức tích cực vang lên mồn một. Hoảng hốt, gấp gáp: Chị Yên ơi, chị qua em ngay bây giờ được không? Vợ em bị tai nạn, đang đợi xe cấp cứu. Mà nhà cô ấy lại đang không có ai.
Yên quày quả chạy đi, chân thậm chí không kịp thay đôi dép bông. Nhằm thẳng nhà em trai trực chỉ. Khoảnh khắc đó, Yên giật mình nhớ ra, cũng lâu lắm Yên chưa qua thăm gia đình em trai. Yên quên mất! Lẽ ra, Yên cứ dấn thêm một bước nữa, lăn xả ra mà ghì kéo giành lại chút yêu thương giữa những người ruột thịt. Sao phải lăn tăn ngại ngần giữ ý lâu quá như này? Mạnh dạn nhắn cho em. Nói hết. Kể hết những ẩn ức ghim gút trong lòng. Là sao em kết hôn xong thì vô tình, lạnh nhạt với tình thân thế? Em có điều gì khó xử không? Phía bên vợ có biết em chỉ dành cho gia đình ruột thịt của mình mức đối xử “vừa đủ” chăng? Vợ em không muốn chồng con gần gũi với nhà nội à? Ba mẹ già rồi, còn sống bao lăm, mà em ỷ y chủ quan như vậy?
Những lời bức xúc ấy, Yên bao lần nhẩm tính, nhưng chưa từng đủ can đảm để nói ra miệng hoặc bấm ra chữ. Thì mẹ Yên đổ bệnh nặng.
Mẹ phát hiện ra bị nan y giai đoạn cuối từ gần năm trước. Mẹ bắt Yên hứa là không được kể với em. Đừng phiền vợ chồng nó. Coi như để mẹ được vui vẻ những ngày tháng cuối cùng được không con? Dù sao thì em con cũng không có thời gian… Trước câu nằn nì ấy, Yên đành nhận lời với mẹ, tự nhủ nếu như mai này, liệu em có trách Yên không?
Giống như lúc này. Yên vẫn cứ chênh vênh với câu hỏi: Em gặp mẹ lần cuối vào lúc nào, nhỉ?
Xe về ngang qua một cây cầu dây văng lớn, nơi trước kia có một cái phà ngày đêm qua lại, thì nước mắt Yên mới bắt đầu rơi xuống. Một mình, lặng lẽ, kín đáo, cố gắng kiềm nén cả những tiếng nức nở. Thương mẹ. Thương ba. Thương em. Thương cái cuộc sống tưởng đủ đầy mà khắc nghiệt, bận rộn, khổ sở này. Lúc em có thời gian gọi lại cho chị, Yên sẽ thông báo nỗi mất mát đớn đau này bằng cách nào cho nhẹ bớt? Hay là Yên cứ gởi tin nhắn cho em, giống như nào giờ, khi nào rảnh em đọc xong thì điện thoại hiện lên hai chữ “Đã xem” là được rồi…
Hoàng My