10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18-9-2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các cấp, ngành, địa phương của thành phố triển khai quyết liệt nhiều giải pháp và đạt những kết quả tích cực.
Công đoàn Khu CNC&CKCN Đà Nẵng tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng cháy chữa cháy năm 2022 cho khoảng 100 cán bộ công đoàn cơ sở. Ảnh: PV |
Triển khai có hiệu quả rõ nét
Báo cáo số 406-BC/TU ngày 23-8-2023, Ban Thường vụ Thành ủy cho biết, để công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp, ngăn chặn tai nạn lao động xảy ra, thành phố thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về lĩnh vực ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp, thực hiện đồng bộ ở cấp thành phố và quận, huyện.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác tự kiểm tra theo quy định, báo cáo thông qua giám sát của HĐND thành phố, các hội nghị chuyên đề, các kỳ họp của Thường trực Thành ủy và UBND thành phố về tình hình kinh tế-xã hội thành phố.
Bên cạnh đó, hằng năm, các sở, ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ; ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn về công tác huấn luyện ATVSLĐ, kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Theo UBND thành phố, hơn 10 năm qua, lực lượng cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại các cơ quan quản lý Nhà nước được bảo đảm về số lượng, nâng cao về chất lượng, năng lực chuyên môn, nhất là các sở, ban, ngành và đoàn thể có tổ chức quản lý ATVSLĐ đặc thù.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Liên đoàn Lao động thành phố… đều bố trí bộ phận hoặc cán bộ làm công tác ATVSLĐ.
Tại các phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận, huyện bố trí cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ kiêm nhiệm công tác về quan hệ lao động. Nhờ đó, năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về tổ chức hoạt động ATVSLĐ được nâng lên rõ rệt.
Đặc biệt, công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ ngày càng đi vào nền nếp, có chiều sâu, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của sở, ngành và địa phương. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, sở quan tâm theo dõi sát sao tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như việc tổ chức thực hiện các chính sách về ATVSLĐ, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai công tác ATVSLĐ ở các cấp chính quyền, địa phương.
Tại các doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động kinh doanh ngành nghề có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động như điện, điện tử, hóa chất, dệt may, da giày, thủy sản, xây dựng, sản xuất đồ nhựa… đều tổ chức bố trí lực lượng cán bộ hoặc bố trí phòng, ban chuyên trách làm công tác ATVSLĐ theo quy định, đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ.
Nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động
Những năm qua, tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều chuyển biến rõ nét. Nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng lao động đã có sự quan tâm hơn đến công tác này do quy định chặt chẽ từ Bộ luật Lao động năm 2019, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 và các quy định của pháp luật liên quan.
Ghi nhận từ một số doanh nghiệp cho thấy, công tác bảo đảm ATVSLĐ được đề cao. Công ty CP An Thịnh Nam (quận Cẩm Lệ) hoạt động trong lĩnh vực phân phối và thi công sơn chống thấm. Giám đốc công ty Bùi Thị Ngọc Hòa cho biết, là lĩnh vực dễ phát sinh cháy nổ cũng như tai nạn lao động nên công tác bảo đảm ATVSLĐ và phòng cháy, chữa cháy được công ty đề cao.
Với phương châm “an toàn là trên hết”, thời gian qua, công ty đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về vấn đề an toàn và hạn chế tối đa tai nạn lao động. Hằng năm, công ty đều làm tốt công tác trang bị trang phục bảo hộ cho người lao động; khám sức khỏe định kỳ; phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tập huấn ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra…
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tổng hợp từ kết quả thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp được kiểm tra đã có sự quan tâm thực hiện các quy định về công tác ATVSLĐ. Phần lớn doanh nghiệp quan tâm đến những nội dung cơ bản liên quan trực tiếp đến công tác ATVSLĐ, như: thành lập bộ phận ATVSLĐ, bố trí cán bộ chuyên trách, theo dõi công tác ATVSLĐ, cán bộ y tế và trang bị một số loại phương tiện, thiết bị y tế thông thường; xây dựng nội quy lao động, quy trình bảo đảm ATVSLĐ cho các máy, thiết bị, vật tư và quy định an toàn, vệ sinh tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên, tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; thực hiện việc dọn vệ sinh công nghiệp, thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và các chất thải nguy hại; chủ động tự kiểm tra ATVSLĐ, khắc phục những thiếu sót trong công tác ATVSLĐ; kiểm định kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị, máy có yếu tố nghiêm ngặt về ATVSLĐ; quan tâm áp dụng các biện pháp cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm giảm thiểu sức lao động cho người lao động…
NGỌC PHÚ