AI và blockchain tạo ra giá trị đột phá cho doanh nghiệp

.

Trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain đang len lỏi thông qua các ứng dụng trong đời sống, tạo giá trị đột phá cho doanh nghiệp và xã hội.

Trí tuệ nhân tạo và blockchain được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ từ năm 2019. Ảnh minh họa: KT
Trí tuệ nhân tạo và blockchain được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ từ năm 2019. Ảnh minh họa: KT

Trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) được nhận định là hai trong số những công nghệ "lõi", công nghệ "nguồn" của cuộc chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, những công nghệ mới này được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới và tác động đến mọi mặt của đời sống của con người cũng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm 2018 ghi dấu sự phát triển vượt bậc cũng như mở rộng lĩnh vực ứng dụng của AI. Trong đó, chatbot (ứng dụng giao dịch, tư vấn tự động sử dụng trong lĩnh vực ngân hàng, thương mại điện tử...) được sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam và ngành công nghiệp xe tự lái trên thế giới...

Với sự phát triển và giá trị mang lại, AI được xem như một chiếc "chìa khóa" với những doanh nghiệp biết cách chinh phục dữ liệu và ứng dụng nó trong phạm vi của mình.

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức về vấn đề khai thác và ứng dụng dữ liệu một cách thông minh nhằm phục vụ các hoạt động của doanh nghiệp, cung cấp thông tin chuyên sâu để doanh nghiệp vận hành nhanh chóng, hiệu quả và linh hoạt hơn.
Theo nhận định của IBM, năm 2019, thế giới sẽ kích hoạt một lượng dữ liệu lớn hơn nhiều so với tổng dữ liệu được tạo ra trong vòng 5.000 năm qua.

Còn theo Garner (công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới), năm 2022, 90% chiến lược của các công ty sẽ tập trung vào việc coi thông tin như một tài sản quan trọng của doanh nghiệp, với khả năng phân tích dữ liệu là một năng lực cạnh tranh thiết yếu.

Trong xu thế phát triển toàn cầu, việc xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược Trí tuệ nhân tạo quốc gia, trong đó công nghệ và sản phẩm ứng dụng AI là trung tâm, hạ tầng dữ liệu và tính toán là nền tảng, AI mang tính động lực, sẽ góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Tại hội thảo “Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội và thách thức cho Việt Nam” tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã khẳng định, trong bối cảnh của Việt Nam, cần thiết phải xác định rõ mục tiêu và các biện pháp hướng tới mục tiêu trong chiến lược quốc gia về công nghệ thông tin.

Theo đó, yêu cầu đặt ra là phải xác định đúng quy mô thị trường AI Việt Nam hiện nay và theo kỳ vọng chiến lược của một quốc gia xếp hạng 29 vào năm 2030, xếp hạng 20 vào năm 2050 tính theo GDP trên thế giới, tránh kỳ vọng chiến lược bị phóng đại hoặc bị hạ thấp quá mức.

Tương tự AI, công nghệ blockchain cũng bắt đầu hiện diện trong nhiều hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có ứng dụng truy xuất nguồn gốc, hoạt động sử dụng năng lượng mặt trời và cung cấp nguồn thông tin xác thực vào quy trình xử lý tài liệu hay nền tảng cho ngành vận tải...

Giới chuyên gia nhận định, từ năm 2019, blockchain sẽ ngày càng phổ biến trong giới kinh doanh nhờ tính minh bạch và độ tin cậy.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cam kết hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ blockchain thông qua các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia, như chương trình KH&CN về Chính phủ điện tử, chương trình KH&CN về Cách mạng công nghệ lần thứ 4 mà Bộ KH&CN đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Cùng với đó, Bộ KH&CN cũng ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện dự án có ứng dụng công nghệ blockchain thông qua Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025".

Theo VOV

;
;
.
.
.
.
.