Mini, Vauxhall Corsa và Fiat 500 sẽ là những cái tên mới tham gia thị trường xe điện đang phát triển nhanh ở châu Âu.
Các hãng ôtô châu Âu đang tăng tốc để khiến 2020 trở thành năm của xe điện, với hàng loạt mẫu xe mới ra đời trong mục tiêu cắt giảm khí thải CO2. Các mẫu xe điện trước đây hầu hết nhắm tới các thị trường ngách, nhưng 2020 sẽ chứng kiến sự ra mắt của các mẫu xe điện đầu bảng (flagship) với những cái tên quen thuộc, như Mini, Vauxhall Corsa và Fiat 500.
Số lượng các mẫu xe điện sẵn có đối với khách hàng châu Âu sẽ tăng vọt, từ ít hơn 100 lên tới 175 mẫu vào cuối năm 2020, theo hãng dữ liệu IHS Markit. Đến 2025 con số này sẽ là hơn 330, dựa trên một phân tích từ tuyên bố của các công ty.
Một mẫu xe điện của Mini. Các quy định mới của EU sẽ phạt các hãng xe có lượng khí thải vượt mức cho phép. Ảnh: EPA |
Nguồn cung mới sẽ phục vụ cho thị trường phát triển nhanh chóng khi nhu cầu cho các loại xe chạy xăng giảm dần. Thị phần xe điện ở Anh sẽ tăng từ 3,4% năm 2019 lên 5,5% năm 2020 trong tổng số phương tiện bán ra – hay từ 80.000 chiếc năm nay lên 131.000 năm 2020 – theo dự báo của Bloomberg New Energy Finance. Đến 2026, doanh số xe điện sẽ chiếm 20% doanh số ở Anh, dự báo cho thấy. Các dự đoán tương tự từ LMC Automotive cho thấy rằng 540.000 ôtô điện sẽ được bán ra khắp châu Âu trong 2020, tăng đáng kể so với con số 319.000 trong cả năm 2019.
Các quy định mới của Liên minh Châu Âu có hiệu lực vào ngày 1-1 sẽ áp phạt nặng lên các hãng xe nếu lượng khí thải CO2 trung bình từ ôtô mà họ bán tăng trên 95 g/km. Nếu các hãng ôtô vượt quá giới hạn này, họ sẽ phải trả khoản phạt 95 Euro (106 USD) cho mỗi gram quá quy định, nhân với tổng số ôtô mà họ bán ra.
Hoá đơn khí thải quá quy định này nếu tính trên doanh số năm 2018 là 37,4 tỷ USD, theo phân tích của hãng tư vấn ôtô Jato Dynamics, minh hoạ mức độ thay đổi đòi hỏi các hãng ôtô phải đáp ứng trong một khoảng thời gian ngắn. Felipe Muñoz, chuyên gia phân tích của Jato, nói rằng sẽ có các khoản phạt lớn, khi các hãng xe tiếp tục bán ôtô sử dụng động cơ đốt trong vì lợi nhuận và cố gắng hạ giá xe điện ngang với các loại xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
"Rất khó để các hãng ôtô thay đổi cơ sở hạ tầng sản xuất trong khoảng thời gian ngắn như vậy", Muñoz cho biết.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích có cái nhìn hoài nghi hơn đối với ngành công nghiệp này sau vụ bê bối Dieselgate, trong đó Volkswagen và Daimler đã cố tình gian lận quy định khí thải. Các hãng ôtô còn vận động hành lang thành công cho một quy định, rằng các ôtô thải ra ít hơn 50g CO2/km được xem là siêu uy tín, chính sách này gây tranh cãi khi xem mỗi chiếc ôtô điện bán ra được tính bằng hai ôtô bình thường. Từ đó các hãng ôtô sẽ dễ dàng đạt đủ chỉ tiêu hơn, ngay cả khi lượng khí thải trung bình từ xe của họ thực tế cao hơn quy định đề ra.
"Rất nhiều hành động đã bị trì hoãn cho tới khi các nhà sản xuất ôtô cần đến", Julia Poliscanova, giám đốc xe sạch của chiến dịch Giao thông và Môi trường, cho biết. "Những gì họ đang lên kế hoạch chế tạo ít hay nhiều là để đạt chỉ tiêu CO2".
Nhiều mẫu ôtô điện mới sẽ được bán ra vừa kịp lúc để đáp ứng đủ tiêu chuẩn của EU. Hồi tháng 11, những chiếc ôtô ID.3 đầu tiên của Volkswagen xuất xưởng, đánh dấu dây chuyền sản xuất xe điện mới ở Zwickau, miền đông nước Đức, có khả năng sản xuất 330.000 xe một năm vào 2021. Những mẫu Mini Electric đầu tiên của BMW, sản xuất tại Oxford (Anh), sẽ có mặt ở showroom vào tháng 3 năm sau. Vauxhall, hãng xe thuộc tập đoàn PSA (Pháp), sẽ bắt đầu sản xuất xe điện Corsa-e vào tháng 1, bán ra vào tháng 3 năm sau.
Doanh số của những chiếc ôtô thuần điện vẫn sẽ lẹt đẹt so với người anh em động cơ nhiên liệu hoá thạch bình thường, cũng như các loại hybrid dùng cả pin và động cơ đốt trong. Tuy nhiên, cơn sóng xe điện dường như khiến giá giảm đáng kể, khi các nhà sản xuất ôtô muốn tranh giành khách hàng, ngoài những người tiên phong sẵn sàng chi nhiều hơn.
Các chuyên gia tư vấn ở Deloitte ước tính thị trường sẽ đạt tới đỉnh điểm vào 2022, khi giá một chiếc ôtô điện tương đương với bản sao sử dụng động cơ đốt trong của nó. Nghiên cứu độc lập tiến hành bởi Hội đồng Giao thông sạch Quốc tế cho biết điều này đã xảy ra vào tháng 2 ở năm nước châu Âu, bao gồm cả Anh.
Tại Anh, một vài tài xế lo ngại về tầm hoạt động hạn chế của ôtô điện trong một lần sạc sẽ là điều khiến họ trì hoãn quyết định mua cho tới khi cơ sở hạ tầng cho sạc điện được phát triển rộng khắp cả nước. Arlene Ewing, giám đốc hãng quản lý tài sản Brewin Dolphin cho biết các vụ bê bối như Dieselgate khiến các nhà đầu tư "nhận thức sâu sắc" về sự cần thiết phải tăng cường doanh số xe điện và tuân theo các quy định về khí thải.
"Thương hiệu là tất cả đối với một hãng ôtô và thất bại trong việc đáp ứng hạn chót này có thể sẽ ảnh hưởng bất lợi tới thương hiệu, danh tiếng, và cuối cùng là doanh số của họ", bà nói. "Chúng ta đã được chứng kiến điều này trước đây. Người tiêu dùng có xu hướng trung thành với thương hiệu".
Nhu cầu gia tăng của khánh hàng cũng được thể hiện qua những ôtô điện đã qua sử dụng: trang CarGurus nhận thấy giá của một số mẫu ôtô điện second-hand đã tăng lên trong 2019. Tom Leathes, giám đốc điều hành nền tảng bán ôtô Motorway, cũng cho biết thị trường đang tăng trưởng "cực kỳ nhanh", bất chấp các rắc rối từ việc bán những chiếc ôtô bao gồm cả pin được thuê riêng.
"Chúng tôi hy vọng rằng phân khúc này sẽ tăng trưởng năm này qua năm khác trong ít nhất là 10 năm nữa khi thị phần của xe điện trong thị trường ôtô mới tiếp tục tăng theo cấp số nhân", Leathes nói.
Theo vnexpress.net