Đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

.

Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 3-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”, việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn thành phố đã khẳng định rõ vai trò quan trọng của KH&CN trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn của thành phố Đà Nẵng. 

Nhiều công nghệ mới được áp dụng mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. TRONG ẢNH: Dự án bưởi da xanh ở huyện Hòa Vang.   	                          Ảnh: Trung tâm thông tin - Sở Khoa học và Công nghệ
Nhiều công nghệ mới được áp dụng mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. TRONG ẢNH: Dự án bưởi da xanh ở huyện Hòa Vang. Ảnh: Trung tâm thông tin - Sở Khoa học và Công nghệ

Nhiều quy trình, mô hình và nhãn hiệu được thực hiện

Theo thống kê của Sở KH&CN Đà Nẵng, trong vòng 10 năm qua ngành KH&CN đã ưu tiên tổ chức thực hiện có 59 nhiệm vụ KH&CN các cấp nhằm phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn với tổng kinh phí hơn 86 tỷ đồng, trong đó tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực của Trung ương và huy động các nguồn khác.

Tính đến thời điểm hiện tại đã chuyển giao nhiều mô hình nông nghiệp với khoảng hơn 80 quy trình kỹ thuật cho người dân và đơn vị sản xuất ở địa phương trên các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản và lâm nghiệp... Nhiều mô hình đã có hiệu quả và có sức lan tỏa.

Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều quy trình công nghệ mới đã được áp dụng nhằm phục vụ nhân giống và sản xuất thương phẩm theo hướng an toàn và VietGAP cho các loại cây dược liệu; các loại hoa có giá trị kinh tế, các loại rau và cây ăn quả cũng như cây lương thực, thực phẩm.

Thời gian qua, ngành sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu của thành phố được quan tâm đặc biệt. Việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KH&CN được triển khai từ khâu sản xuất giống đến khâu tiêu thụ cũng như xử lý phế thải sau thu hoạch. Các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ nấm cũng được nghiên cứu nhằm đa dạng hóa các sản phẩm và tạo thêm đầu ra cho sản phẩm nấm của thành phố.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình chăn nuôi với quy trình tiên tiến đã được áp dụng tại Đà Nẵng trên nhiều đối tượng mới như: thỏ trắng New Zealand tại huyện Hòa Vang, gà đồi kiểu mẫu ở Hòa Sơn, gà Đông Tảo tại quận Cẩm Lệ, cá chình tại xã Hòa Sơn, chim trĩ tại phường Hòa Phát...; đồng thời hỗ trợ ngư dân trong bảo quản khi đánh bắt xa bờ.

Về lĩnh vực lâm nghiệp đã nghiên cứu áp dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) để hoàn chỉnh dữ liệu số về rừng và đất lâm nghiệp thành phố Đà Nẵng, làm cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ngoài ra, một số nghiên cứu vào việc phòng chống cháy rừng nhằm đề xuất các giải pháp giảm nguy cơ cháy rừng cho  thành phố cũng được triển khai.

Trong xu thế thương mại toàn cầu, việc xác lập sở hữu trí tuệ (SHTT) rất quan trọng nhằm tạo ra thương hiệu riêng, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Việc xúc tiến đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm đã được thực hiện. Nhiều sản phẩm truyền thống, các sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm OCOP (Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm) đã được ngành KH&CN hỗ trợ xác lập như: nước mắm Nam Ô, bánh khô mè Bà Liễu, đá mỹ nghệ Non Nước, giá đỗ Nghi An, nấm Nhơn Phước, nấm Linh chi Đà Nẵng, trứng cút Hòa Phước, gạo hữu cơ Hòa Phước, thủy sản Trường Định, rau củ quả Hòa Vang, gạo hữu cơ Hòa Nhơn, gạo hữu cơ Hòa Tiến, thảm chân Xuân Phát, rau an toàn Ninh An, hoa cây cảnh Vân Dương, bưởi da xanh Hòa Ninh, chè dây Hòa Bắc, bánh khô mè Quang Châu, bánh tráng Túy Loan, kiệu hương Hòa Nhơn.

Nâng cao năng lực ứng dụng tiến bộ KH&CN

Nông nghiệp, nông thôn và nông dân của thành phố Đà Nẵng có nhiều nét đặc thù riêng cả về sản xuất lẫn nguồn nhân lực; vừa có sản xuất nông nghiệp thuần túy, vừa chuyển đổi mô hình nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nông nghiệp công nghệ cao nên việc nâng cao kiến thức cho nông dân trong việc áp dụng tiến bộ KH&CN luôn được coi trọng. Trong 10 năm qua đã có khoảng 2.000 lượt người dân được tham gia tập huấn các quy trình kỹ thuật với những mô hình sản xuất hiệu quả.

Việc chuyển giao tiến bộ KH&CN cho hội viên nông dân tuy đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, vật liệu mới... vào sản xuất còn ít. Các mô hình có hiệu quả chưa thực sự lan tỏa nhiều; các nhà đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều.

Vì vậy, trong thời gian đến, để nâng cao vai trò của KH&CN trong xây dựng nông thôn mới cũng như sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải quan tâm và đẩy mạnh thực hiện như: tiếp tục ưu tiên các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chuyển giao, xây dựng các mô hình ứng dụng với sự tham gia của các doanh nghiệp cùng với nông dân nhằm tạo ra các chuỗi giá trị sản phẩm; chú trọng thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, tự động hóa và các kỹ thuật tiên tiến; ưu tiên thực hiện các mô hình ứng dụng KH&CN có khả năng nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao; tranh thủ sự hỗ trợ của các Chương trình KH&CN quốc gia liên quan đến nông nghiệp nông thôn và ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp của thành phố...

Với những nhiệm vụ như vậy, mong rằng trong thời gian tới, việc ứng dụng tiến bộ KH&CN sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn diện nền sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh và ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng nhanh các lĩnh vực sản xuất có hàm lượng KH&CN cao, giá trị gia tăng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của thành phố.

BÍCH HẬU

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.