Những năm qua, hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất và đời sống của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng (KH&KT) đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng và nhân rộng trong thực tế, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng chuyển giao Hệ thống điện mặt trời áp mái cho Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Ảnh: PHONG LAN |
Với chức năng tập hợp, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ (KHCN), triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, những năm qua, Liên hiệp các Hội KH&KT luôn tích cực khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển KHCN, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản xuất kinh doanh.
Thành lập vào năm 2007, Hội Điện lực miền Trung và Tây Nguyên (CHEEA) là 1 trong những hội thành viên đầu tiên của Liên hiệp các Hội KH&KT. Những năm qua, CHEEA đã đạt nhiều giải cao trong các kỳ giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC), các hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và thành phố. Các công trình đạt giải của hội thuộc nhiều lĩnh vực chiến lược trong công cuộc hiện đại hóa ngành công nghiệp điện lực Việt Nam như tự động hóa lưới điện phân phối, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện, tự động thu thập chỉ số công tơ điện từ xa… Trong đó, nổi bật là các công trình “Nghiên cứu xây dựng trung tâm điều khiển hệ thống điện phân phối các trạm biến áp 110kV không người trực”; “Nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng” (Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng)…
Ông Nguyễn Thành, Chủ tịch CHEEA nhìn nhận: “Giai đoạn 2012-2016 là thời điểm ngành điện tập trung công tác tự động hóa lưới điện phân phối, CHEEA đã định hướng các chi hội thành viên tập trung nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực này và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Những năm gần đây, CHEEA chuyển trọng tâm nghiên cứu sang lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và ứng dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, bước đầu đã xây dựng được một số đề tài được đánh giá cao”.
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng Võ Hòa cho biết, việc đầu tư, ứng dụng KHCN nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng luôn là mục tiêu quan trọng mà công ty hướng tới. Nếu như số điểm hài lòng của khách hàng năm 2015 chỉ ở mức 7,09, thì đến năm 2019 đã lên đến 8,51 điểm. “Chúng tôi đề ra mục tiêu đến năm 2025, KHCN ngành điện của thành phố sẽ đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN”, ông Võ Hòa nói.
Trong lĩnh vực y tế, Hội Y học cũng đã có nhiều nghiên cứu KHCN được ứng dụng vào công tác khám, chữa bệnh, giúp nâng tầm ngành y tế thành phố. TS.BS Lê Đức Nhân, Phó Chủ tịch Hội Y học, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, trong giai đoạn 2015 - 2019, Hội Y học đã phối hợp với các hội thành viên tại Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện 277 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 3 đề tài cấp thành phố, 4 đề tài đăng tạp chí quốc tế. Việc phát triển kỹ thuật lâm sàng theo hướng chuyên sâu đã được Hội Y học quan tâm chú trọng.
Do đó, ngành Y tế đã làm chủ và triển khai hiệu quả nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu như kỹ thuật ghép thận, kỹ thuật cấy ghép tế bào gốc, các kỹ thuật trong lĩnh vực hồi sức (tuần hoàn ngoài cơ thể - ECMO, siêu lọc máu, thăm dò huyết động (PICCO), hạ thân nhiệt chỉ huy, phẫu thuật cố định cột sống sử dụng hệ thống định vị (Navigation)… Đặc biệt, hội viên của Hội Y học tại Trung tâm Tim mạch thuộc Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai hầu hết các kỹ thuật cao trong bệnh lý tim mạch mà trước đây chỉ có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mới xử lý được như: kỹ thuật thay động mạch chủ, can thiệp bằng stent graft cho các trường hợp bị phình bóc tách động mạch chủ, phẫu thuật tim mở cho trẻ có cân nặng dưới 5 kg… TS.BS Lê Đức Nhân cho biết, Bệnh viện Đà Nẵng đã được công nhận là trung tâm ECMO thứ 675 trên bản đồ thế giới. Năm 2019, đơn vị được Hội Đột quỵ thế giới trao tặng “Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng”.
Ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội KH&KT cho biết, bên cạnh các hoạt động ứng dụng KHKT của các hội thành viên, những năm qua, Liên hiệp còn tập trung triển khai nhiều dự án, chương trình giúp chuyển giao KHCN vào đời sống. Điển hình là các dự án xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang như: chuyển giao Hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi theo công nghệ Dewatt; tư vấn hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ giống chè dây cho nông dân; tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ con giống gà Đông Tảo; tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật ươm trồng cây keo Tai tượng; chuyển giao công nghệ “Sấy bánh tráng tận dụng không khí nóng từ lò tráng bánh”; chuyển giao hệ thống điện mặt trời áp mái cho Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang... Những hoạt động trên đã đem lại những hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, nhất là cho những hộ dân, đơn vị được hưởng thụ dự án. Song, ông Phước thẳng thắn nhìn nhận, thực tế thời gian qua, công tác hỗ trợ, triển khai ứng dụng những tiến bộ KHCN vào đời sống, sản xuất vẫn chưa nhiều, quy mô còn nhỏ. Nội dung và phương thức hoạt động của các hội thành viên tuy có đổi mới nhưng chưa mạnh, chưa đồng đều.
Hiến kế cho hoạt động của Liên hiệp các Hội KH&KT trong nhiệm kỳ tới, ông Trần Đình Liễn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố đề xuất, Liên hiệp cần có chương trình phối hợp với Đại học Đà Nẵng và các trường, viện khác trên địa bàn thành phố, áp dụng hình thức mới trong hoạt động thông tin và phổ biến kiến thức KHCN thông qua sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở. “Đà Nẵng có tấm gương khởi nghiệp của bà Trịnh Thị Hồng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Bà Hồng chưa học hết bậc THPT, nhưng nhờ tự học từ Internet, sách báo và từ các em sinh viên của Đại học Đà Nẵng mà đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để biến chế phẩm sinh học thành chất tẩy rửa gia đình. Tôi tin rằng sẽ có nhiều trường hợp như thế nữa nếu chúng ta kết nối được nguồn tài nguyên giáo dục mở với những công dân học tập của thành phố”, ông Liễn nhấn mạnh.
Nói về vấn đề này, GS.TS Đào Hùng Cường, Chủ tịch Hội Hóa học thành phố nêu ý kiến nên khai thác tiềm năng của đội ngũ trí thức dự bị - sinh viên. “Lâu nay chúng ta thường xem sinh viên là “đối tượng” để hỗ trợ. Bây giờ, cần coi họ là “đối tác” để cùng hợp tác, khai thác có hiệu quả “mảnh đất tốt” KHCN. Nên có những hội nghị, hội thảo để 2 thế hệ trí thức “già, trẻ” giao lưu, gặp gỡ, bàn luận các ý tưởng, nội dung hợp tác. Có vậy mới phát huy hết tiềm năng “kỳ cựu” của đội ngũ trí thức lớn tuổi và sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ”, GS.TS Đào Hùng Cường nói.
Trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội KH&KT thành phố sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và sản xuất và đời sống. Cụ thể, nghiên cứu, lựa chọn các mô hình hoạt động mới phù hợp với đặc điểm của hội và yêu cầu của cuộc sống nhằm thu hút, khuyến khích đội ngũ trí thức KHCN trong và ngoài nước tham gia. Đồng thời, kết nối, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm KHCN; tập trung triển khai ứng dụng những công trình, giải pháp đạt giải cao giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam, Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và thành phố… vào sản xuất và đời sống.
Đặc biệt, Liên hiệp các Hội KH&KT cũng sẽ mở rộng và đa dạng hóa các hình thức hợp tác KHCN với các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp… để tập hợp, mở rộng lực lượng tham gia vào các hoạt động KHCN của thành phố. Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” định hướng Đà Nẵng đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ phát triển của cả nước. Để làm được điều này, Liên hiệp các Hội KH&KT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kết nối, hỗ trợ các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chức năng phản biện, tuyên truyền thông tin KHCN, góp sức mình vào sự phát triển chung của thành phố.
PHONG LAN