Giữa tháng 6-2020, Công ty CP Multi Việt Nam với sản phẩm chính là kính thông minh MultiGlass đã chiến thắng hạng mục “Công nghệ tạo tác động” trong sự kiện vinh danh doanh nghiệp tạo tác động xã hội Việt Nam 2020 (iMap Choice 2020) do Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - Hà Nội) phối hợp Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam tổ chức.
Người sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty CP Multi Việt Nam là anh Lê Hoàng Anh, cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Dự án khởi nghiệp Multi Việt Nam từng đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp tại ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo quốc tế Đà Nẵng 2019 (SURF 2019), ngôi quán quân cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” tại ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam 2019 (Techfest 2019) và là đại diện của Việt Nam tham gia Startup World Cup 2020.
Multi Việt Nam có 3 dòng sản phẩm chính: MultiGlass 1 (cảnh báo ngủ gật cho các tài xế), MultiGlass 2 (hỗ trợ người khuyết tật tay sử dụng máy tính thông qua cử động đầu và mắt) và MultiGlass 3 (hạn chế mỏi mắt cho người thường xuyên dùng điện thoại, máy tính). Với hơn 50.000 sản phẩm được bán ra và mức tăng trưởng doanh thu trung bình hơn 145%/năm, Multi Việt Nam được đánh giá là tạo tác động xã hội lớn cho cộng đồng trong thời đại hội nhập 4.0.
Cùng với Multi Việt Nam, còn có 8 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau trên khắp cả nước được vinh danh doanh nghiệp tạo tác động xã hội Việt Nam 2020. Đây là sáng kiến trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy khởi nghiệp và sáng tạo xã hội” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Trường Đại học Trinity (Ireland) tổ chức, với sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam.
Sản phẩm chính của dự án là bản đồ số hệ sinh thái doanh nghiệp tạo tác động xã hội Việt Nam (https://imapvietnam.org) gồm hơn 600 doanh nghiệp. Bản đồ iMap nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, kết nối thị trường và vận động chính sách cho doanh nghiệp tạo tác động xã hội Việt Nam, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và tiêu dùng bền vững.
PHONG LAN