Những năm gần đây, công nghệ tưới tiết kiệm nước đã được áp dụng hiệu quả ở một số cơ sở sản xuất nông nghiệp tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ lẻ, phần lớn các phương pháp tưới được áp dụng vẫn bị tiêu tốn một lượng nước thừa nhất định.
Mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Ảnh: XUÂN BÌNH |
Để thay đổi, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp tại Đà Nẵng” nhằm góp phần giải quyết tình trạng trên; làm chủ tiến bộ kỹ thuật; khai thác tiềm năng đất đai, nguồn nước; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao. Một số mô hình đã triển khai chưa thực sự tiết kiệm nước, nhỏ lẻ.
Mô hình tưới nước cho các loại cây trồng cạn ở những vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang, Đà Nẵng trước đây đa số là bằng hình thức tưới rãnh, tưới tràn (trên cây ăn quả và rau màu). Công nghệ tưới rãnh, tưới tràn tiêu tốn một lượng nước khá lớn, kèm theo đó là lượng nước tổn thất từ hệ thống nước và do ngấm xuống tầng sâu, chảy tràn trên bề mặt. Ngoài ra, việc đưa lượng nước quá nhiều còn gây ra những bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, ảnh hưởng đến chất lượng đất.
Thực tế tại địa phương cũng đã áp dụng một số quy trình công nghệ tiết kiệm nguồn nước tưới, giảm bớt chi phí sản xuất. Điển hình là mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Mạnh Thắng ở thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang; mô hình trồng lan Mokara cắt cành của anh Nguyễn Xuân Hùng ở thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu áp dụng công nghệ tưới phun sương; mô hình trồng hoa treo, hoa thảm của anh Nguyễn Ngọc Chương ở thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh tưới bằng công nghệ nhỏ giọt; trang trại sản xuất rau ăn lá, ăn quả an toàn Tâm An sử dụng hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt thực hiện hai chức năng tưới nước và cung cấp phân bón hòa tan cho cây.
Tại 2 xã Hòa Ninh và Hòa Phú, huyện Hòa Vang có mô hình trồng các loại rau ăn lá, ăn quả theo phương thức trồng địa canh sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong nhà màng và kết hợp sản xuất rau ăn lá bằng công nghệ thủy canh hồi lưu... Tuy nhiên, quy mô các mô hình hiện nay còn nhỏ lẻ và phần lớn là có sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước hoặc từ nguồn vốn của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các mô hình đã được xây dựng chưa mang tính đại diện cho các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh của địa phương và chưa có phương án triển khai nhân rộng.
Công nghệ tiên tiến, cần nhân rộng
Tính tiên tiến của công nghệ tưới tiết kiệm nước được chuyển giao của dự án là tưới vừa đúng và đủ với nhu cầu nước của cây trồng, không có lượng nước thừa cũng như tổn thất trong quá trình tưới. Nhờ kết cấu đơn giản và vận hành tiện lợi nên tưới tiết kiệm nước có thể tăng được số lần tưới lên tùy ý và giảm lượng nước mỗi lần tưới. Qua tính toán, triển khai mô hình này dự kiến sẽ tiết kiệm một lượng nước từ 25-40%, giảm 90-95% công lao động, tiết kiệm năng lượng từ 1-8 triệu đồng/ha, giảm năng lượng, nguyên vật liệu từ 20-50% cho 1ha, năng suất cây trồng tăng và nâng cao chất lượng sản phẩm từ 10-40%, tăng thu nhập hộ gia đình từ 20-50%...
Trên cơ sở khảo sát, đánh giá hệ thống phục vụ sản xuất nông nghiệp, hệ thống nước tưới và tiêu nước, hệ thống điện, hệ thống đường nội đồng, nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp tại Hòa Vang, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ đã lựa chọn các hộ dân để triển khai ứng dụng thực tế 4 mô hình: mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây rau ăn lá với quy mô 5ha; mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây hoa cúc 2ha; mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây bưởi da xanh 2ha; mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây dược liệu 5ha. Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu Thủy nông và Cấp nước (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) đã hỗ trợ chuyển giao cho đơn vị chủ trì làm chủ 4 quy trình công nghệ tương ứng.
Trong thời gian đến, Trung tâm sẽ tiến hành thiết kế và lắp đặt các mô hình còn lại cho công nghệ tưới tiết kiệm nước trên cây rau, cây ăn quả, hoa, cây dược liệu. Các mô hình tưới tiết kiệm đã đầu tư sẽ bàn giao cho các nông hộ/cơ sở sản xuất tiếp tục duy trì, vận hành, bảo dưỡng dưới sự giám sát của cơ quan chủ trì và chính quyền địa phương. Đồng thời, Trung tâm cũng sẽ tổ chức đào tạo thực hành chuyển giao 4 quy trình công nghệ, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người dân tham quan để tiến tới nhân rộng mô hình tại các vùng sản xuất cây nông nghiệp và dược liệu trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ cho biết: “Công nghệ được áp dụng là thiết kế, lắp đặt và vận hành những mô hình tưới tiết kiệm nước đơn giản, dễ vận hành; phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp thành phố chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giúp người dân sử dụng nguồn nước, đất đai cho canh tác đạt hiệu quả cao hơn, cải thiện được một phần những công việc nặng nhọc và giảm chi phí sản xuất, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân sản xuất nông nghiệp tại Đà Nẵng trong thời gian đến.
THANH THẢO