Sở hữu trí tuệ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo

.

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với vai trò cơ quan đầu mối tham mưu UBND thành phố về sở hữu trí tuệ nói chung và trực tiếp đối với sở hữu công nghiệp nói riêng đã tích cực đẩy mạnh nhiều hoạt động, tạo chuyển biến trong nhận thức và công tác phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn.

Một số hình ảnh nhãn hiệu mang địa danh của các sản phẩm đặc trưng.
Một số hình ảnh nhãn hiệu mang địa danh của các sản phẩm đặc trưng.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao giá trị sản phẩm

Giai đoạn 2016-2020, thành phố có 3.365 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (gồm 3.243 nhãn hiệu; 46 sáng chế; 26 giải pháp hữu ích; 50 kiểu dáng công nghiệp), tăng 53,3% so với giai đoạn 2011-2015 (2.195 đơn đăng ký).

Tính đến ngày 31-12-2020, thành phố Đà Nẵng có 3.891 văn bằng được cấp (gồm 3.712 nhãn hiệu; 56 sáng chế và giải pháp hữu ích; 123 kiểu dáng công nghiệp). Số lượng đơn đăng ký và văn bằng những năm gần đây gia tăng hơn so với thời gian trước cho thấy đã có sự quan tâm của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Trong đó, giai đoạn 2016-2020, Sở KH&CN đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 27 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 27 sản phẩm đặc trưng của địa phương mang địa danh. Ngoài ra, hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của doanh nghiệp.

Đối với các sản phẩm đặc trưng, Sở phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, chọn lựa sản phẩm, chủ thể sở hữu để hỗ trợ từ khâu xây dựng hồ sơ đăng ký, tra cứu thông tin, xây dựng quy chế sử dụng, bản đồ vùng sản xuất, thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng của sản phẩm mang nhãn hiệu, hỗ trợ các chi phí trong quá trình xác lập quyền (như chi phí tư vấn, lệ phí nộp đơn đăng ký và chi phí theo dõi đơn...).

Đồng thời, theo dõi quá trình xử lý đơn cho đến khi sản phẩm được cấp văn bằng và hỗ trợ các nội dung quản lý, phát triển nhãn hiệu sau khi xác lập quyền.

Đối với các hoạt động tạo ra và khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ, trong giai đoạn 2016-2020, Sở KH&CN đã hỗ trợ triển khai thực hiện 131 nhiệm vụ KH&CN với tổng kinh phí 115,003 tỷ đồng (nguồn Trung ương 36,250 tỷ đồng, địa phương 54,436 tỷ đồng và huy động từ nguồn khác 24,317 tỷ đồng); hỗ trợ 65 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ với kinh phí 7,412 tỷ đồng; hỗ trợ 16 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm, kết nối đầu tư, tham gia các cuộc thi, sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... với kinh phí từ ngân sách hỗ trợ 1,188 tỷ đồng.

Xây dựng chương trình phát triển tài sản trí tuệ

Dù đã có các biện pháp đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ và đã đạt được những kết quả tích cực song điều đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, vai trò, vị trí của thành phố. Năm 2020, Đà Nẵng đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về số lượng đơn đăng ký, tuy nhiên khoảng cách còn khá xa so với Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (chỉ bằng 4% số lượng đơn); các văn bằng sáng chế, giải pháp hữu ích còn rất ít, chiếm đa số là nhãn hiệu thông thường.

Nhận thức rõ những hạn chế đó, Sở KH&CN đã tham mưu UBND thành phố xây dựng chương trình phát triển tài sản trí tuệ để tập trung nguồn lực thúc đẩy các hoạt động sở hữu trí tuệ. Đến nay, UBND thành phố phê duyệt đề cương chi tiết xây dựng Đề án phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tại Quyết định số 1126/QĐ-UBND ngày 5-4-2021.

Trong đó, xây dựng 4 chương trình chính gồm: Nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ; tập trung vào nội dung hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với các sản phẩm, dịch vụ, ưu tiên các đối tượng là kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP, sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm lưu niệm, sản phẩm của các hợp tác xã, làng nghề, sản phẩm thuộc lĩnh vực mũi nhọn của thành phố, sản phẩm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm gia tăng số lượng và chất lượng tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân; gia tăng giá trị các sản phẩm của địa phương và cải thiện các chỉ số về sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tăng cường tạo ra, phát triển, khai thác và thương mại hóa tài sản trí tuệ.

Đồng thời, khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động tạo ra và xác lập tài sản trí tuệ; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy, tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm đẩy mạnh triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; công nhận quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể đã được pháp luật thừa nhận.

Với các chương trình cụ thể đang được xây dựng, trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ ở tất cả 4 khâu trụ cột là sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Đây là các hoạt động nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 với quan điểm đổi mới căn bản cách tiếp cận, góp phần đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.

Sở hữu trí tuệ đang ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị nông sản hàng hóa, sản phẩm đặc trưng của địa phương và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nhất là trong xu thế hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế thế giới như hiện nay.

TS. LÊ ĐỨC VIÊN
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích