Thúc đẩy phát triển kinh tế số

.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu tiên phong đổi mới và phát triển, đưa thành phố trở thành đô thị khởi nghiệp sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước... Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và đang được hiện thực hóa vào cuộc sống, tạo sự phát triển về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ở địa phương.

Không phải đến năm 2021 thành phố mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số. Trên thực tế, Đà Nẵng đã đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi số từ năm 2014 và đã đạt nhiều kết quả. Với sự tư vấn từ các chuyên gia Tập đoàn IBM (Mỹ), năm 2014, thành phố đã ban hành “Ðề án xây dựng thành phố thông minh” làm cơ sở để các cơ quan thành phố phối hợp các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước và quốc tế triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh. Năm 2018, thành phố ban hành khung “Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh” tập trung vào sáu trụ cột chính, gồm quản trị thông minh; kinh tế thông minh; môi trường thông minh; đời sống thông minh; giao thông thông minh và công dân thông minh.

Hiện nay, thành phố đã hoàn thành 12 trong số 13 nhóm mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại đề án nêu trên; hoàn thành sớm 11 trong số 13 nhiệm vụ giao các địa phương đến năm 2025 tại đề án phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Thành phố Đà Nẵng cũng là địa phương dẫn đầu cả nước trong 11 năm liên tiếp (2009-2019) về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index). Cuối năm 2020, Ðà Nẵng vinh dự đón nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2020” (Vietnam Smart City Award 2020)...

Thuận lợi đối với thành phố khi triển khai chuyển đổi số là kế thừa những kinh nghiệm và kết quả cơ bản từ 10 năm triển khai chính quyền điện tử và 2 năm triển khai thành phố thông minh, với nền công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đã dần hình thành và tăng trưởng khá mạnh. Hạ tầng viễn thông, CNTT đã được thành phố đầu tư xây dựng đồng bộ, sử dụng công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn trong nước và thế giới. Người dân thành phố bước đầu hình thành thói quen tiếp cận sử dụng dịch vụ trực tuyến, trung bình có 2 doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân. Tỷ lệ hộ gia đình có internet băng rộng là gần 92%, sử dụng điện thoại di động thông minh là hơn 91%. Thành phố tập trung ba trụ cột chính cho quá trình chuyển đổi số của địa phương, đó là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và sẽ thực hiện chính quyền số (bao gồm cả các cơ quan Đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội). Đối với kinh tế số, tiếp cận theo khái niệm kinh tế số ở phạm vi rộng, bao gồm ngành công nghiệp thương mại điện tử, kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ.

Cú huých mới cho thành phố khi ngày 17-6-2021, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Đà Nẵng hướng đến nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước. Nghị quyết số 05-NQ/TU xác định các mục tiêu chính về phát triển chính quyền số. Cụ thể, 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4, 60% dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức độ 3, 4, được cung cấp trên nhiều nền tảng, hỗ trợ trên thiết bị di động; 100% cơ quan Nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở; giảm 20% thủ tục hành chính hiện có thông qua kế thừa dữ liệu số.

Đà Nẵng phấn đấu phát triển kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP thành phố, trong đó, công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 10% GRDP thành phố. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; có 1.000 bộ dữ liệu mở, công khai cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp sử dụng, phục vụ tạo ra sản phẩm mới; có 3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, ít nhất 5 doanh nghiệp doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Về phát triển xã hội số, phấn đấu có 90% người dân, doanh nghiệp được trang bị kỹ năng số và các quy tắc ứng xử trên môi trường số; 50% khu vực dân cư thành phố có sóng và dịch vụ 5G. Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về nhiệm vụ chuyển đổi số. Theo đó, các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy Đảng trực tiếp chủ trì, lãnh đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; ban hành và triển khai kế hoạch chuyển đổi số theo phương châm: “nhận thức” là quyết định; “người dân, doanh nghiệp” là trung tâm”; “thể chế và công nghệ số” là động lực; “nền tảng số” là đột phá; “an toàn, an ninh thông tin” là then chốt; “chính quyền” là tiên phong.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.