Cuối tháng 10-2021, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố triển khai dự án “Truy xuất nguồn thực phẩm - giai đoạn 1”. Đây là cơ sở quan trọng cho việc minh bạch thông tin quá trình sản xuất tới khách hàng, mang lại niềm tin cho người dân; đồng thời là cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm của doanh nghiệp.
Quét mã QR để truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm tại Công ty TNHH Ngon Cổ Điển, chi nhánh Đà Nẵng (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Ảnh: VĂN HOÀNG |
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, trong giai đoạn 1, dự án tập trung vào việc triển khai truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng mã QR đối với chuỗi thịt heo và thịt bò tại một số doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn.
Tính đến nay, có 4 chuỗi cung ứng thịt heo và thịt bò được truy xuất, trong đó có 2 chuỗi truy xuất từ trang trại đến người dùng; 1 chuỗi truy xuất từ lò mổ đến người dùng cuối là các chợ, điểm bán lẻ và bếp ăn tập thể; 1 chuỗi là truy xuất trên sản phẩm thịt bò nhập khẩu. Đối với sản phẩm thịt heo, bò chăn nuôi trên địa bàn thành phố, việc truy xuất thông tin được thực hiện từ trang trại đến người tiêu dùng.
Trường hợp nguồn thịt từ các tỉnh, thành phố khác thì được truy xuất bắt đầu từ lò mổ. Ngoài ra, đối với nguồn thịt nhập khẩu nước ngoài, thì truy xuất từ đơn vị nhập hàng tại Việt Nam đến các đơn vị, doanh nghiệp ở Đà Nẵng và đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, dự án đã triển khai dán mã QR tại khoảng 1.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng... trên địa bàn thành phố.
Tham gia dự án, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Trưởng chi nhánh Đà Nẵng, Công ty TNHH Ngon Cổ Điển (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, lâu nay, đơn vị vẫn thực hiện truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên chỉ mang tính nội bộ. Đến tháng 1-2021, công ty đã nhập khẩu về lô hàng thịt bò Úc.
Theo đó, việc cập nhật các thông tin, dữ liệu về nguồn gốc thực phẩm lên hệ thống và dán tem chứa mã QR được đơn vị hoàn thiện ngay khi lô hàng về đến Đà Nẵng. Người tiêu dùng chỉ cần tải phần mềm “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm Đà Nẵng” và thực hiện quét mã được dán trên sản phẩm là có ngay thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đơn vị cung cấp, các bước trong chuỗi sản phẩm…
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hai Thuyên (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) cho hay, sau 3 tháng áp dụng truy xuất nguồn gốc cho thấy bước tiến xa trong quản lý chất lượng thực phẩm, tạo niềm tin đối với khách hàng.
Trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp phải làm thật quyết liệt thì mới đạt mục tiêu dài hạn như mong đợi. Đây không chỉ là cơ hội định vị thương hiệu, cạnh tranh trên thị trường mà còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng trong việc minh bạch thông tin sản phẩm.
Tiến tới xây dựng điểm đến thực phẩm an toàn
Cũng theo Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, để việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm đạt hiệu quả cao cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bên liên quan trong việc thực hiện các chính sách bảo đảm an toàn thực phẩm, bao gồm: cơ quan Nhà nước, đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm.
Các cơ quan Nhà nước được quyền tiếp nhận các phản ánh về sản phẩm, tiến hành kiểm tra và cập nhật thông tin giám sát lên hệ thống. Ứng dụng truy xuất nguồn gốc cũng tập hợp các đầu mối quản lý thay cho phân cấp trước đây, chuyển mô hình quản lý từ việc chỉ có cơ quan chức năng thì nay có thêm người dân tham gia cùng giám sát.
Các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được hỗ trợ xây dựng kho dữ liệu, chủ động khai báo thông tin cơ sở, nhân sự, cập nhật và sản phẩm đầu vào, đầu ra… Người tiêu dùng được cung cấp thông tin về chất lượng thực phẩm, tra cứu, đánh giá, bình chọn, thậm chí cảnh báo hoặc tố giác các vụ việc có nguy cơ mất an toàn thực phẩm thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh; góp phần đưa những mặt hàng thực phẩm chất lượng, an toàn phát triển mạnh cũng như tẩy chay, loại bỏ thực phẩm bẩn, kém chất lượng ra khỏi thị trường tiêu dùng thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, chuyển đổi số trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm gắn liền với công cuộc chuyển đổi số của thành phố. Đây là xu thế tất yếu khi mọi hoạt động kinh tế, xã hội chuyển đổi mạnh mẽ trên nền tảng số trong thời điểm hiện nay.
Từ năm 2018, Ban quản lý An toàn thực phẩm đã tiến hành chuyển đổi số trong các hoạt động của đơn vị. Đến tháng 10-2021, Ban quản lý An toàn thực phẩm thực hiện thí điểm dự án “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm (giai đoạn 1)”, bước đầu nhận được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. Dự án có định hướng lâu dài là xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến thực phẩm an toàn, trên tinh thần lấy người dân làm trung tâm, minh bạch thông tin trong vấn đề thực phẩm.
Vì vậy, cần để doanh nghiệp nhận biết được lợi ích, ưu điểm của việc chuyển đổi số, nhất là trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng hệ thống phần mềm như tạo sự phát triển, nâng cao giá trị thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm...
“Thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống ứng dụng, phần mềm, khắc phục những hạn chế, khó khăn trong công tác nhập liệu, sử dụng hệ thống. Đồng thời thực hiện tốt vai trò tham mưu UBND thành phố những chính sách để hỗ trợ cho công tác chuyển đổi số trên tinh thần của nghị quyết chuyển đổi số của thành phố. Từ đó triển khai các giai đoạn tiếp theo của dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông minh trên những chuỗi thực phẩm khác”, ông Nguyễn Tấn Hải cho hay.
Dự án “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm (giai đoạn 1)” được triển khai với tổng mức đầu tư lên đến gần 4,923 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Trong giai đoạn này, dự án tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu và web/app truy xuất nguồn gốc theo chiều sâu cho chuỗi sản phẩm thịt - trứng; xây dựng quy chế quản lý, vận hành để triển khai dự án giai đoạn 1; đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm; đầu tư trang thiết bị để thực hiện truy xuất nguồn gốc...
|
VĂN HOÀNG