Dữ liệu đóng vai trò tài nguyên, là điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số. Thời gian qua, Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều cơ sở dữ liệu (CSDL), phục vụ cho việc tra cứu, khai thác của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số bộ CSDL hiện vẫn còn bất cập như phân mảnh, thiếu liên thông...
Đến cuối năm 2022, mỗi ngành tại Đà Nẵng sẽ ban hành danh mục dữ liệu mở thuộc phạm vi quản lý của mình. TRONG ẢNH: Người dân giao dịch tại bộ phận “Một cửa”, Trung tâm Hành chính quận Thanh Khê. Ảnh: P.LAN |
Theo số liệu từ Sở Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng hiện đã hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền như CSDL công dân (hơn 1,3 triệu dữ liệu, đạt 100% so với dân số); CSDL doanh nghiệp (44.000 dữ liệu, đạt 100%); CSDL nhân hộ khẩu (gần 267.000 dữ liệu hộ khẩu, đạt 96% và hơn 1 triệu bản ghi nhân khẩu, đạt 96%); CSDL đất đai, công khai các thông tin đất đai tại Cổng thông tin đất đai thành phố; CSDL cán bộ, công chức, viên chức (30.850 dữ liệu, đạt 100%); CSDL thủ tục hành chính (100% thủ tục hành chính)… Các CSDL trên đều được kết nối, chia sẻ dùng chung qua nền tảng hệ thống egov.
Đối với các CSDL chuyên ngành, hiện các cơ quan, địa phương trên địa bàn thành phố đã xây dựng và đưa vào sử dụng 560 CSDL chuyên ngành (hộ tịch, công chứng, lao động, giáo dục, hồ sơ sức khỏe, lưu trú trực tuyến…) để cung cấp dịch vụ công. Thành phố đã hình thành và bắt đầu đưa vào sử dụng thí điểm Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố để thu thập, làm sạch, chuẩn hóa các CSDL nền và một số CSDL chuyên ngành (có cấu trúc) phục vụ chia sẻ dùng chung và phân tích dữ liệu thông minh.
Cổng dữ liệu mở hiện cung cấp hơn 570 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội công khai cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác (qua trang web, API, SMS, Zalo). Đặc biệt, thành phố đã bắt đầu sử dụng một số dữ liệu số thay thành phần hồ sơ giấy trong cung cấp dịch vụ công như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh…
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận định, ngoài CSDL cán bộ, công chức, viên chức, CSDL doanh nghiệp khá chất lượng thì CSDL công dân vẫn chưa cập nhật kịp thời từ thực tế phát sinh, một số dữ liệu còn phụ thuộc và CSDL nền quốc gia (dân cư, đất đai…) và CSDL của các bộ, ngành (thuế, hải quan, thống kê, bảo hiểm xã hội…).
Một trong những “bài toán” khó của dữ liệu trong chuyển đổi số là tình trạng dữ liệu cát cứ, rời rạc, chưa được chia sẻ giữa các cơ quan tại thành phố (dữ liệu thô camera an ninh, giao thông), giữa cơ quan Trung ương với địa phương do vướng các quy định chuyên ngành. Đà Nẵng đã xây dựng Trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn TIER III, bảo đảm năng lực lưu trữ, quản lý tập trung các CSDL của các cơ quan thành phố.
Tuy nhiên, CSDL của ngành tài nguyên và môi trường vẫn đang được lưu trữ phân tán tại Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) theo quy định của Chính phủ về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường (tại Nghị định số 73/2017/NĐ-CP ngày 14-6-2017).
Theo Kế hoạch phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025 được UBND thành phố ban hành kèm Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 20-4-2022, nhằm phát triển dữ liệu số, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển, làm sạch, hoàn thiện và đưa vào sử dụng hiệu quả các CSDL và phần mềm quản lý Nhà nước chuyên ngành, kết nối, tích hợp với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành của bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đưa về kho dữ liệu dùng chung thành phố để chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, phát triển kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố, cho phép thu thập, lưu trữ, tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau (có cấu trúc, bán cấu trúc, phi cấu trúc), phân tích, xử lý, khai phá, hỗ trợ ra quyết định. Thành phố sẽ bổ sung, cập nhật, hoàn thiện cổng dữ liệu mở theo các tiêu chuẩn mở trong nước và quốc tế, tích hợp với cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn) và Hệ tri thức Việt số hóa; thường xuyên cập nhật, cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác.
Mục tiêu đến cuối năm 2022, từng ngành, địa phương ban hành danh mục dữ liệu mở thuộc phạm vi quản lý của mình; hằng năm cung cấp tối thiểu 5 bộ dữ liệu mở của ngành, địa phương (dưới dạng máy có thể đọc và chia sẻ dưới dạng dịch vụ giao diện lập trình ứng dụng API) để công bố trên cổng dữ liệu mở thành phố, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác và sử dụng.
Từng ngành, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch, phương án và từ năm 2022, triển khai sử dụng thí điểm 1 loại dữ liệu số do đơn vị mình quản lý (dân cư, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, hộ tịch, đất đai, xây dựng…) để thay thế thành phần hồ sơ phải nộp khi thực hiện thủ tục hành chính.
PHONG LAN