Cần có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin và du lịch

.

Ngày 27-5, tại tọa đàm về nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và du lịch do Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Tuổi Trẻ và Trường Đại học Duy Tân tổ chức, các đại biểu đề xuất các ý kiến, thành phố và các doanh nghiệp, đơn vị liên quan cần có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin và du lịch.

Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT (FSOFT) miền Trung Lê Hồng Lĩnh thông tin, nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang rất thiếu. FSOFT miền Trung đang cần gần 8.000 người nên việc “cầu hiền” về Đà Nẵng làm việc là rất cấp thiết. FSOFT miền Trung có nhiều chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực trong, ngoài nước như: chính sách “an cư lạc nghiệp” với việc hỗ trợ giá ưu đãi khi mua nhà ở, hỗ trợ lãi suất 4% cho người vay tiền mua nhà; chuyển vùng cho người từ địa phương khác về Đà Nẵng với hỗ trợ tiền thuê nhà, ổn định cuộc sống trong năm đầu tiên; hỗ trợ việc làm cho người thân của người về Đà Nẵng làm việc...

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch cho biết, từ nay đến năm 2025, thành phố đang cần đến 77.000 nhân lực công nghệ thông tin. Bên cạnh nỗ lực của các trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, Đà Nẵng cũng có chính sách thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương khác, đặc biệt là từ nước ngoài về làm việc nhưng chưa toàn diện nên sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian đến.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình, nguồn nhân lực cho du lịch của thành phố đã thiếu hụt từ trước khi xảy ra Covid-19. Dự báo đến năm 2025, ngành du lịch của thành phố phục hồi trở lại với mức tăng trưởng như năm 2019 (đón khoảng 8 triệu lượt khách), thành phố cần 75.000 lao động trong lĩnh vực du lịch (năm 2019, thành phố chỉ có 50.000 lao động trong lĩnh vực du lịch).

Nhưng sau tác động của Covid-19, tính đến tháng 5-2022, thành phố chỉ có gần 20.000 lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch. Các trường, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp phải gắn kết với nhau trong đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch để khắc phục sự thiếu hụt về nguồn nhân lực. GS.TS. Lim Sang Taek, Viện trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu du lịch, Đại học Duy Tân đề nghị, cần có chương trình tạo điều kiện cho người nước ngoài vừa du lịch, vừa làm việc, phục vụ cho ngành du lịch để thu hút thêm nguồn nhân lực cho du lịch Đà Nẵng (chương trình này đã từng thực hiện tại Australia, New Zealand...). Tuy nhiên, để thực hiện chương trình này, thành phố cần những cơ chế, chính sách liên quan.

HOÀNG HIỆP - GIAO THỦY

;
;
.
.
.
.
.