Xác định chuyển đổi số tạo động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội, cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quán triệt, lãnh đạo thực hiện nghiêm các chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố về sự cần thiết và tầm quan trọng của chuyển đối số trên địa bàn.
Sau khi tặng điện thoại thông minh cho người dân đồng bào Cơ tu, xã Hòa Bắc, nhân viên Viettel Đà Nẵng còn hỗ trợ đăng ký thông tin thuê bao, hướng dẫn bà con cách sử dụng. Ảnh: T.H |
Cầu nối thúc đẩy chuyển đối số
Để thực hiện các mục tiêu chuyển đối số (CĐS) theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về CĐS trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nêu cao tinh thần gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy trong việc chủ động, tiên phong, sáng tạo triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ CĐS.
Vừa làm xong các thủ tục đăng ký kết hôn tại bộ phận “Một cửa” phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), chị Nguyễn Thị Vân, làm việc tại Khu công nghiệp Liên Chiểu cho biết: “Ngoài việc hoàn thiện các thủ tục đăng ký kết hôn, vợ chồng tôi còn được công chức phường hướng dẫn đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến. Với tài khoản này, những lần sau, khi thực hiện các giao dịch khác như đăng ký khai sinh cho con, xin cấp lại giấy khai sinh, chúng tôi sẽ thực hiện đơn giản, thuận tiện ở bất cứ đâu chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh hoặc máy tính, giảm bớt thời gian và chi phí đi lại”.
Ông Phan Công Bằng, Bí thư Đảng ủy phường cho biết, Hòa Hiệp Bắc được thành phố chọn là phường điểm của quận Liên Chiểu trong thực hiện CĐS. Vì vậy, địa phương coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trong đó, vai trò của người đứng đầu cấp ủy phải là cầu nối thúc đẩy CĐS tại địa phương. Theo đó, Đảng ủy phường thành lập Ban chỉ đạo CĐS và các tổ công nghệ số cộng đồng tại các khu dân cư nhằm hỗ trợ người dân CĐS; chỉ đạo bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố giữ vai trò chỉ đạo; bí thư chi đoàn thanh niên làm thành viên để kịp thời hướng dẫn, triển khai thực hiện. Nhờ đó, nhiệm vụ CĐS tại địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, người dân, doanh nghiệp dần tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.
Ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) cho biết, tháng 9-2023, sau khi người dân trong thôn được hỗ trợ điện thoại thông minh từ Chi nhánh Vietel Đà Nẵng theo chương trình ký kết CĐS giữa xã Hòa Bắc và Chi nhánh Vietel Đà Nẵng.
“Tôi đã tuyên truyền ngay đến bà con trong thôn về tiện ích của chiếc điện thoại thông minh trong việc áp dụng CĐS. Hiện trong thôn có những người đã ngoài 60 tuổi, không còn nhanh nhạy về công nghệ nhưng khi được hướng dẫn tận tình nên nhiều người đã hiểu những tiện ích mà ứng dụng mang lại”, ông Như cho hay.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam, qua thống kê, trong 262 hộ gia đình đồng bào Cơ tu tại xã, có gần 50 hộ chưa có điện thoại thông minh. Vì vậy, việc trao tặng điện thoại sẽ giúp các hộ đồng bào có thể sử dụng các dịch vụ, tiện ích CĐS, đồng thời tiếp nhận kịp thời thông tin, hướng dẫn từ chính quyền, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân vùng khó khăn.
Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thành ủy, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính và cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp để từng bước hướng đến CĐS trên các lĩnh vực.
Theo đó, triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh thể chế, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành công dân số, xã hội số, phấn đấu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, bám sát Nghị quyết số 05-NQ/TU của Thành ủy, Quận ủy và UBND quận tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương trên địa bàn tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình CĐS trên tất cả các lĩnh vực và bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng.
UBND quận đã ban hành kế hoạch triển khai CĐS trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 và năm 2023; xây dựng chính quyền số, phấn đấu đến cuối năm 2023 thí điểm triển khai cung cấp và dùng lại kết quả hồ sơ, thủ tục hành chính điện tử, sử dụng dữ liệu số để thay thế một số thành phần hồ sơ, thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính…
Về xây dựng kinh tế số được áp dụng các mô hình chợ, tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt. Quận tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, ngành nghề truyền thống, sản xuất chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng sản xuất thông minh …
Theo Giám đốc Sở TT&TT thành phố Nguyễn Quang Thanh, từ năm 2010, thành phố xác định công nghệ thông tin tập trung là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thành phố đã ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng làm nền tảng để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh và bước đầu chuyển dịch theo hướng CĐS.
Theo ông Thanh, CĐS mang lại cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động làm thay đổi hoạt động chỉ đạo, điều hành quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhận thức đúng về tầm quan trọng của CĐS sẽ giúp các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp và người dân chủ động, tích cực tham gia vào quá trình CĐS một cách mạnh mẽ, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
TRỌNG HÙNG