Theo công bố của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cuối tháng 10 vừa qua, Đà Nẵng lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là “Thành phố thông minh Việt Nam” - giải thưởng danh giá và duy nhất dành cho nhóm các thành phố/đô thị. Để có được kết quả trên, thành phố đã và đang nỗ lực xây dựng thành phố thông minh toàn diện trên các lĩnh vực: hạ tầng, điều hành, quản lý, dịch vụ công thông minh.
Quang cảnh làm việc tại Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC). Ảnh: HƯƠNG MIÊN |
Xây dựng hạ tầng thông minh
Xác định vai trò của hạ tầng thông tin là “hệ thần kinh số” của thành phố thông minh, Đà Nẵng đã và đang xây dựng đồng bộ hạ tầng: mạng truyền dẫn; xử lý, lưu trữ; công nghệ nền tảng; dữ liệu số và hệ thống các khu công nghệ thông tin (CNTT). Về mạng truyền dẫn, thành phố có hơn 2.500 trạm thu phát sóng, phủ sóng 3G, 4G đến 100% khu vực dân cư thành phố và mạng 5G đang được thử nghiệm tại 52 trạm. Cáp quang băng rộng cố định phủ 99,5% khu dân cư.
Mạng đô thị thành phố (mạng MAN) được đầu tư với tổng chiều dài 450km cáp quang ngầm, mở rộng kết nối 191 cơ quan, đơn vị và đang tiếp tục được nâng cấp. Trên địa bàn thành phố có 1.000 điểm wifi miễn phí của doanh nghiệp tại sân bay, nhà ga, bệnh viện, trung tâm y tế…; 300 thiết bị phát wifi công cộng miễn phí.
Về xử lý, lưu trữ, Trung tâm dữ liệu thành phố là trung tâm tính toán, lưu trữ và xử lý dữ liệu tập trung, cung cấp các dịch vụ CNTT trên nền tảng điện toán đám mây với dung lượng lưu trữ 170TB. Trung tâm dữ liệu có 133 máy chủ và cấp máy chủ cho 49 dịch vụ của thành phố hoạt động.
Thành phố đang triển khai dự án nâng cấp, mở rộng trung tâm dữ liệu thành phố và dự kiến hoàn thành trong năm 2024, nâng tổng năng lực lưu trữ lên khoảng 300TB. Hạ tầng công nghệ nền tảng thành phố đa dạng với Kho dữ liệu dùng chung, Cổng dữ liệu thành phố, Công dân số thành phố - My Portal Đà Nẵng, Nền tảng quan trắc dùng chung, công nghệ chuỗi khối Danang Chain…
Hạ tầng dữ liệu số với hơn 560 cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành như CSDL nhân hộ khẩu, GIS (đất đai), công dân, doanh nghiệp… Song song đó, thành phố hiện có 3 khu CNTT tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận; dự án Khu Công viên phần mềm số 2 - giai đoạn 1 đang chờ vận hành và 3 khu CNTT đang thực hiện chủ trương đầu tư là dự án Không gian sáng tạo phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), dự án Khu CNTT Đà Nẵng Bay, Tòa nhà Viettel Đà Nẵng.
Nhân viên làm việc tại Công ty TNHH Phần mềm FPT Miền Trung. Ảnh: M.Q |
Điều hành, quản lý và dịch vụ công thông minh
Thành phố hiện có nhiều trung tâm điều hành thông minh như: Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC); Trung tâm điều hành giao thông thông minh; Trung tâm chỉ huy công an thành phố; Trung tâm điều hành tài nguyên và môi trường. Trong đó, Trung tâm IOC được triển khai theo mô hình toàn diện, bao gồm IOC cấp thành phố, các trung tâm điều hành quận, huyện (OC quận huyện) và các trung tâm điều hành chuyên ngành (OC chuyên ngành), đáp ứng yêu cầu phân cấp, ủy quyền trong bối cảnh xây dựng chính quyền đô thị tại Đà Nẵng. Hiện nay, Trung tâm IOC kế thừa dữ liệu từ 25 cơ quan, đơn vị và phân quyền cho 89 cơ quan, đơn vị với 3.000 người sử dụng. Trung tâm IOC gồm 2 nhóm dịch vụ: giám sát, điều hành với hơn 140 loại số liệu, biểu đồ trực quan; phân tích, cảnh báo với hơn 51 loại cảnh báo, dự báo.
Công tác điều hành, quản lý được cụ thể hóa qua các ứng dụng thông minh: hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố; hệ thống báo cáo điện tử và số liệu điều hành thành phố; nền tảng hành trình số Đà Nẵng - Danang smart trip; ứng dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm; cổng thông tin quy hoạch kiến trúc thành phố; cổng thông tin đất đai thành phố… Trong đó, hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố đưa vào sử dụng gần 10 năm (từ tháng 7-2014) với 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng với 20.000 email công vụ. Hệ thống gồm phần mềm một cửa điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành để gửi, nhận liên thông văn bản 4 cấp chính quyền, phần mềm quản lý nhân hộ khẩu…
Về dịch vụ công thông minh, định hướng của thành phố là xây dựng dịch vụ công trực tuyến theo hướng dịch vụ số, khai thác dữ liệu số và công nghệ số để tối ưu hoạt động và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, thành phố đang triển khai 3 giải pháp cung cấp dịch vụ công thông minh: đầu tiên là hoàn thiện các CSDL nền, CSDL chuyên ngành và triển khai khai thác dữ liệu để đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay thế thành phần hồ sơ phải nộp khi thực hiện thủ tục hành chính như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sổ hộ khẩu. Thứ hai là hoàn thành kết nối với CSDL quốc gia về dân cư và đưa vào khai thác 3 dịch vụ trong cung cấp dịch vụ công, đặc biệt cấp hồ sơ số thay thế thành phần hồ sơ phải nộp; triển khai ký số giấy khám sức khỏe để phục vụ, sử dụng trong cung cấp giấy phép lái xe (mức 4). Thứ ba là thành phố tiếp tục triển khai đa dạng các phương thức truyền thông, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng.
MAI QUẾ