Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị đã triển khai, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 1-11-2017 của Thành ủy Đà Nẵng về việc tăng cường lãnh đạo, quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động trên địa bàn thành phố. Nhờ vậy, tỷ lệ các công trình xây dựng được xác định vi phạm xây dựng sai phép, không phép trong giai đoạn 2018-2022 đã giảm mạnh so với giai đoạn 2013-2017.
Thành phố kiên quyết xử lý các công trình có vi phạm về xây dựng. TRONG ẢNH: Các hạng mục xây dựng sai phép tại dự án Hòa Bình Green đã cơ bản được giải quyết. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Thời gian qua, thành phố rất quyết liệt và kiên quyết xử lý các công trình, hạng mục được xây dựng sai phép, không phép, điển hình là các hạng mục xây dựng sai phép tại dự án Tổ hợp Khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn); dự án Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà).
Theo Sở Xây dựng, từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài 2 dự án nói trên, sở tiếp tục tham gia xử lý một số công trình xây dựng có sai phạm về trật tự xây dựng với tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như công trình văn phòng làm việc tại số 350 Nguyễn Văn Linh; các công trình xây dựng sai phạm tại tổ 130, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu); công trình xây dựng không phép trên đường Hoàng Minh Thảo, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu); dự án Chung cư Monarchy (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà...
Từ cuối năm 2017 đến nay, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU của Thành ủy, Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị đã chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng theo phân cấp. Các công trình, hạng mục có vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn đã được phát hiện, xử lý nghiêm, hiệu quả; không tồn tại trường hợp vi phạm mới mà không được xử lý; không để xảy ra các điểm nóng về trật tự xây dựng. Số lượt kiểm tra của các địa phương, đơn vị tại các công trình đã tăng lên đáng kể. Tỷ lệ các công trình xây dựng được xác định vi phạm xây dựng sai phép, không phép đã giảm mạnh.
Cụ thể, tỷ lệ công trình có hạng mục xây dựng sai phép trên số công trình được cấp giấy phép tăng qua các năm trong giai đoạn từ năm 2013-2017 (từ 1,18% tăng biến động lên 1,61%), nhưng giảm mạnh từ năm 2018-2022 (giảm từ 1,08% xuống còn 0,42%). Tỷ lệ công trình được xác định có hạng mục vi phạm so với tổng số công trình được kiểm tra (tính theo số lượt kiểm tra) từ giảm nhẹ qua các năm từ 2013-2017 (từ 7,5% xuống còn 4,87%) sang giảm mạnh từ năm 2018-2022 (giảm từ 2,83% xuống còn 0,71%).
Sở Xây dựng đã thực hiện 5 cuộc thanh tra về cấp phép xây dựng tại UBND các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang cũng như kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 3927/QĐ-UBND ngày 16-10-2020 của UBND thành phố Đà Nẵng (về hướng dẫn quy trình kiểm tra trật tự xây dựng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố) tại UBND các quận, huyện. Qua đó, Sở Xây dựng đã kiến nghị một số biện pháp khắc phục sai phạm liên quan đến các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng, việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả... và kiến nghị các quận, huyện hướng dẫn chủ đầu tư thi công xây dựng công trình ngoài thực tế phải bảo đảm đúng theo giấy phép xây dựng được cấp.
Để công tác quản lý trật tự xây dựng đạt hiệu quả, từ năm 2017 đến nay, Sở Xây dựng đã phối hợp tổ chức 12 đợt tập huấn các quy định về quản lý trật tự xây dựng cho cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý hoạt động xây dựng tại các quận, huyện, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu... nhằm nắm bắt các quy định mới để áp dụng trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng. Đồng thời, sở nắm bắt 522 hành vi vi phạm về trật tự xây dựng của các tổ chức, chủ đầu tư, cá nhân cũng như lưu ý các cán bộ, công chức phải am hiểu về dự án, một số điều liên quan của pháp luật về quy hoạch, đất đai, đấu thầu, kiến trúc, môi trường, phòng cháy và chữa cháy... để xử phạt.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Tuấn cho rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính kịp thời, nghiêm minh, công khai, khách quan, đúng quy định của pháp luật, không chỉ góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật mà còn có vai trò, ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương... Tăng cường xử lý vi phạm hành chính và quản lý trật tự xây dựng là giải pháp chủ yếu để có thể giúp thành phố Đà Nẵng phát triển đô thị bền vững; giúp cho công tác quản lý xây dựng đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
HOÀNG HIỆP