Phát triển thành phố Đà Nẵng theo 3 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái

.

Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng phát triển không gian đô thị được tổ chức theo 3 vùng đặc trưng và vùng sinh thái.

Theo quy hoạch, Đà Nẵng được định hướng phát triển không gian đô thị được tổ chức theo 3 vùng đặc trưng và vùng sinh thái. Ảnh: THÀNH LÂN
Theo quy hoạch, Đà Nẵng được định hướng phát triển không gian đô thị được tổ chức theo 3 vùng đặc trưng và vùng sinh thái. Ảnh: THÀNH LÂN

Với mục tiêu, quy hoạch thành phố Đà Nẵng phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng…

Bên cạnh đó, là dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, vị trí địa kinh tế, chiến lược quan trọng của thành phố, phát huy hiệu quả kết nối, liên kết vùng. Đáng chú ý, trong quy hoạch đề cập xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng trên cơ sở kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực; kết hợp tốt giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị.

Đặc biệt, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống... Do vậy, trong quy hoạch phát triển không gian đô thị, Đà Nẵng được định hướng tổ chức theo 3 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái với 12 phân khu gồm: phân khu ven sông Hàn và bờ Đông, diện tích khoảng 6.644ha; phân khu ven vịnh Đà Nẵng diện tích khoảng 1.530ha; phân khu Cảng biển Liên Chiểu diện tích khoảng 1.285ha; phân khu Công nghệ cao diện tích khoảng 5.585ha; phân khu Trung tâm lõi xanh diện tích khoảng 4.775ha; phân khu Đổi mới sáng tạo diện tích khoảng 3.903ha; phân khu Sân bay diện tích khoảng 1.327ha; phân khu đô thị Sườn đồi diện tích khoảng 2.729ha; phân khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diện tích khoảng 2.986ha; phân khu Dự trữ phát triển diện tích khoảng 5.858ha; phân khu sinh thái phía tây diện tích khoảng 57.692ha; phân khu sinh thái phía đông bao gồm huyện Hoàng Sa và bán đảo Sơn Trà diện tích khoảng 4.232ha. Đồng thời điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực; phát triển toàn thành phố Đà Nẵng trở thành một điểm du lịch lớn.

Về phương án tổ chức hệ thống đô thị, quy hoạch nêu rõ, thời kỳ 2021-2030, hệ thống đô thị thành phố Đà Nẵng bao gồm khu vực đô thị trung tâm (6 quận hiện hữu) và xem xét điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí về mật độ dân số, mật độ xây dựng, các chỉ tiêu phát triển đô thị theo quy định và tuân thủ các quy hoạch đã được phê duyệt. Về huyện Hòa Vang, sẽ phấn đấu xây dựng phát triển đạt tiêu chí đô thị loại IV, 80% xã đủ điều kiện trở thành phường và đủ điều kiện thành lập thị xã trong thời gian sớm nhất. Đến năm 2030, thị xã Hòa Vang có dân số khoảng 430.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 380.000 người, tỷ lệ đô thị hóa trên 90%, trung tâm hành chính của thị xã dự kiến đặt tại xã Hòa Phong; đặc biệt, huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính đặc thù ở hải đảo.

Khu vực bán đảo Sơn Trà được phân vùng sinh thái. Ảnh: THÀNH LÂN
Khu vực bán đảo Sơn Trà được phân vùng sinh thái. Ảnh: THÀNH LÂN

Theo KTS Phan Viết Tường, Công ty CP đầu tư xây dưng và thương mại Mạnh Hà, mục tiêu phát triển đến năm 2030 là xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực châu Á... Điều này đã thể hiện rõ vai trò trung tâm của Đà Nẵng trong tương lai. Chính vì vậy, việc quy hoạch phát triển không gian đô thị, theo 3 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái với 12 phân khu là cơ sở quan trọng để Đà Nẵng cụ thể hóa mục tiêu phát triển của mình.

Trong khi đó, Thạc sĩ Võ Văn Toàn, Giám đốc Công ty CP đầu tư tư vấn kỹ thuật xây dựng Kỹ Việt, cho rằng, bên cạnh việc quy hoạch phát triển không gian đô thị, thì việc phân vùng phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội được liên kết trong mối liên hệ hữu cơ trong tổng thể cấu trúc quy hoạch thành phố Đà Nẵng dựa trên cơ sở vùng sinh thái và 3 vùng đặc trưng, kết nối với nhau qua 2 vành đai kinh tế phía bắc, phía nam và 4 cụm việc làm, gồm: cụm cảng biển và logistics; cụm công nghiệp công nghệ cao; cụm đổi mới sáng tạo và cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là với các vùng ven mặt nước nằm dọc bờ biển phía đông và vịnh Đà Nẵng, ven các con sông trong thành phố.

Vùng lõi xanh nằm giữa thành phố, kết nối hữu cơ các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và một phần huyện Hòa Vang. Vùng sườn đồi là không gian mở rộng lớn ven sườn các đồi núi phía tây, kết nối hữu cơ giữa các khu vực thuộc huyện Hòa Vang và kết nối với các quận khác. Còn vùng sinh thái gồm khu vực rừng, núi và đồi phía tây, bán đảo Sơn Trà, huyện Hoàng Sa và các sông, hồ cùng với đường bờ biển dài trong vùng sinh thái... cũng như định hướng phát triển các khu dân cư phân bố trên địa bàn thành phố với các bản sắc độc đáo của ba vùng đặc trưng và phát triển toàn thành phố Đà Nẵng trở thành một điểm du lịch lớn… là phù hợp với Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.