Mang "chén cơm" đến với người nghèo

.

ĐNO - Gần 4 năm nay, ông Hồ Công Tuấn (63 tuổi, trú phường An Khê, quận Thanh Khê) đứng ra nhận hàng của công ty đan lưới về phân bổ lại cho bà con trong khu vực cùng làm để “ai cũng có chén cơm”; từ đó giúp hàng chục hộ dân trong khu vực có công ăn việc làm, có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.

2.	Ông Hồ Công Tuấn hướng dẫn tận tình cách đan lưới cho một hộ dân.
Ông Hồ Công Tuấn hướng dẫn tận tình cách đan lưới cho một hộ dân.

Năm 2015, khi đang làm việc cho Công ty Sasaki Shoko (khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) chuyên đan lưới xuất khẩu, vợ chồng ông Tuấn nhận thấy công ty cho nhiều người nhận hàng về mở xưởng làm tại nhà nên ngỏ ý xin nhận hàng về làm và được công ty đồng ý.

“Ban đầu tôi chỉ nghĩ nhận hàng về làm trong gia đình kiếm đồng ra đồng vào đong gạo chứ không nghĩ sẽ giúp được mọi người”, ông Tuấn thật thà kể.

Thấy chất lượng sản phẩm ổn định, công ty yêu cầu gia đình ông Tuấn mở rộng quy mô hoạt động. Nhìn bà con trong khu dân cư, nhất là phụ nữ lớn tuổi, các hộ khó khăn không có việc làm ổn định, ông Tuấn bàn với vợ mở rộng quy mô làm việc.

Tại sân nhà mình, ông Tuấn đặt khung lưới, kê bàn ghế, rồi vận động bà con đến học việc và nhận hàng làm. Mỗi khi công ty ra mẫu hàng mới, ông Tuấn lặn lội vào tận Điện Bàn học hỏi rồi về bày lại cho bà con. Dần dà, mọi người thạo việc, ông Tuấn cho họ nhận lưới về làm tại nhà.

Mỗi khi công ty chở nguyên liệu ra, ông gọi từng người lên nhận hàng. Ai làm xong đem sản phẩm đến, ông đo đếm, ghi chép cẩn thận, báo lại với công ty để tới tháng tính tiền lương.

“Ai làm lưới xong chở đến, tôi đếm kỹ từng cái, ghi sổ cẩn thận. Cứ mỗi tấm lưới đan hoàn chỉnh, công ty trả 45.000 đồng. Tới tháng công ty chuyển tiền về, tôi căn cứ vào đó mà tính tiền trả cho bà con, không thiếu của ai một đồng”, ông Tuấn nói.

Giờ đây, xưởng của ông Tuấn đều đặn có hơn 20 người đến nhận lưới về đan. Vì công việc không đòi hỏi kỹ thuật cao, không tốn nhiều sức lực, không độc hại nên được đông đảo bà con, nhất là người già, phụ nữ lớn tuổi chọn làm.

Theo ông Tuấn, nhiều người chăm mẹ già, người bệnh không thể đi làm xa có thể tranh thủ đan lưới kiếm thêm thu nhập; nhiều người già, phụ nữ trung niên không có việc làm nhận lưới về đan kiếm tiền đi chợ; nhiều chị đang mang thai cũng túc tắc đan lưới, vừa đỡ chán vừa có tiền. Ngày hè, các cháu nhỏ không đến trường cũng học bà, học mẹ tập tành đan lưới có tiền quà bánh.

Để động viên mọi người làm việc, ông Tuấn nhận làm các phần kỹ thuật khó rồi giao cho mọi người làm các phần đơn giản. Ai làm tốt công đoạn nào ông Tuấn đều tạo điều kiện để họ được làm phần đó.

Khi hàng có lỗi sai, công ty yêu cầu sửa, ông Tuấn cũng hỗ trợ bà con sửa chữa hàng lỗi. Đều đặn cuối tháng, ông Tuấn tổng kết hàng, báo cho công ty và nhận tiền về phát đầy đủ cho mọi người. Nhờ vậy, ai nấy đều ham việc.

Ông Tuấn làm các phần kĩ thuật khó hỗ trợ mọi người.
Ông Tuấn làm các phần kỹ thuật khó hỗ trợ mọi người.

Bà Võ Thị Nên (67 tuổi, trú tổ 48, phường An Khê, quận Thanh Khê) hơn 2 năm nay gắn bó với xưởng lưới của ông Tuấn. Trước đây, bà Nên nằm trong danh sách hộ nghèo của phường, không có việc làm ổn định. Từ lời giới thiệu của người quen, bà Nên tìm đến xin học việc và nhận lưới về đan.

“Tôi bị đau cột sống, không đi lại thường xuyên được nên không dám đi xin việc ở đâu. Nhờ có xưởng đan lưới của ông Tuấn, tôi mới có việc làm. Việc đan lưới vừa nhẹ nhàng, lại vừa làm được tại nhà nên rất thuận lợi cho tôi”, bà Nên nói.

Từ khi có việc làm, thu nhập hằng tháng của bà Nên ổn định từ 2 đến 3 triệu đồng; từ đó bà mạnh dạn vay tiền xây lại căn nhà và thoát nghèo. Giờ đây, với thu nhập ổn định hằng tháng từ việc đan lưới, bà Nên có cuộc sống ổn định hơn.

Không chỉ bà Nên, việc làm của ông Tuấn còn giúp nhiều người dân tại phường An Khê và các phường lân cận có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định. Với nhiều người, việc đan lưới như nghề chính, đem lại thu nhập từ 2 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

“Tôi giúp mọi người có công ăn việc làm, nhưng có muốn ổn định hay không là do họ. Ai siêng năng, chăm chỉ làm thì thu nhập cao, ai làm chậm hơn thì thu nhập thấp. Nghề đan lưới này như một cách “lấy ngắn nuôi dài”. Nếu ai tìm được việc tốt hơn thì đi. Khi không có việc làm thì về nhận lưới đan tiếp. Tôi luôn tạo điều kiện hết sức cho mọi người”, ông Tuấn chia sẻ.

Từ việc làm ý nghĩa của mình, trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc 11-6-2018, ông Hồ Công Tuấn là một trong 72 tập thể, cá nhân được Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tặng bằng khen.

Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.