ĐNO - Với suy nghĩ “cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”, hơn 13 năm nay, bà “Bích nuôi tạm” đã đưa 7 đứa trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh về nhà nuôi nấng, săn sóc như con đẻ.
Vợ chồng bà Bích luôn mong muốn tiếp tục được nhận nuôi những cháu bé có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. |
Bà “Bích nuôi tạm” tên thật là Trần Thị Bích (SN 1961, trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), nhưng mọi người chung quanh quen gọi bà với cái tên thân thương bà “Bích nuôi tạm”. Bởi lẽ, từ khi biết đến chương trình “Gia đình nuôi tạm” của tổ chức HOLT (Mỹ), bà Bích trở thành cộng tác viên thân thiết, là một trong những gia đình nhận nuôi trẻ nhiều và chất lượng nhất tại Đà Nẵng.
Qua lời giới thiệu của bạn bè, bà Bích đến Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng (số 64 Đống Đa, quận Hải Châu) và tìm hiểu về chương trình “Gia đình nuôi tạm”. Tại đây, bà tiếp xúc với nhiều cháu nhỏ có hoàn cảnh đáng thương, cần sự giúp đỡ từ cộng đồng. Về nhà, bà đem câu chuyện của các cháu nhỏ kể lại với cả nhà và nhận được sự đồng cảm của mọi người.
Kể lại những ngày tháng nuôi trẻ đầy vất vả nhưng hạnh phúc, bà Bích rơm rớm nước mắt. |
Bà Bích nhớ mãi đứa bé đầu tiên nhận nuôi chưa đầy 1 tháng tuổi, tên Lê Thị Xuân Tr. (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
“Nhà bé Tr. nghèo lắm, trong nhà chẳng có gì đáng giá. Mẹ bé Tr. bị cụt hai chân, hai tay ngắn ngủn, đi lại bằng xe lăn. Ông bà ngoại già yếu không còn sức lao động”, bà Bích nhớ lại.
Ngày bế đứa trẻ nhỏ xíu, đỏ hỏn, da dẻ lở loét về nhà, dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng cả nhà ai cũng hoang mang. Rồi mọi người dần làm quen với sự có mặt của thành viên mới. Những bữa cơm, bà Bích không ăn mà ngồi dỗ dành, mớm từng muỗng cháo, từng giọt sữa cho đứa bé. Rồi những đêm cả nhà đang ngon giấc thì bị đánh thức bởi tiếng khóc oe oe.
Ba đứa con của bà Bích khi ấy còn nhỏ chưa hiểu chuyện, nhìn mẹ chăm sóc người lạ mà không quan tâm đến mình, đâm ra giận dỗi. Bà lựa lời khuyên lơn, giải thích, dần dà các con hiểu và xem Trang như em út trong nhà.
Nuôi bé Tr. được chừng 9 tháng thì gia đình em có nguyện vọng nhận lại con về nhà chăm sóc. Dù biết được sẽ có ngày chia tay nhưng bà Bích không sao giấu nổi nước mắt. “Giờ đây cứ lâu lâu nhớ hắn (chỉ bé Tr. – PV) là vợ chồng tôi lại tìm vào nhà thăm. Con bé gọi chúng tôi là ba, mẹ; xưng con nên chúng tôi xem như con ruột”, bà Bích tâm sự.
Tấm ảnh chụp đại gia đình bà Bích và các con nuôi được bà cất giữ cẩn thận. |
Những đứa trẻ bà Bích nhận nuôi ngoài mồ côi, bất hạnh còn có những em bị nhiễm chất độc da cam, câm, điếc.
“Nuôi những cháu bình thường chúng tôi cực 5 thì nuôi những cháu nhiễm chất độc da cam, câm, điếc chúng tôi cực tới 10. Các cháu không nghe được, không nói được, tâm lý, cảm xúc thất thường nên chúng tôi phải cố gắng gấp chục lần”, ông Đào Tư Kỉnh (SN 1956, chồng bà Bích) nói thêm vào.
Kể về đứa trẻ nhiễm chất độc da cam Đặng Lê T. (SN 1992, quê Nam Định), bà Bích rơm rớm mắt: “Hai bố con hắn từ ngoài quê Nam Định vào Đà Nẵng làm thuê kiếm sống. Cu T. bị nhiễm chất độc da cam, mỗi lần lên cơn là hắn đánh bố, đập phá đồ đạc nên chúng tôi phải đem về nhà nuôi dạy”.
Trong những đứa trẻ bà Bích nhận nuôi, T. là đứa trẻ gắn bó với gia đình bà Bích lâu nhất. Những cháu khác bà Bích nuôi trong 3 tháng hoặc 9 tháng. Riêng T. ở với nhà bà Bích 3 năm.
Suốt 3 năm đó, đến bữa ăn, bà Bích phải gỡ từng cái xương, bón từng muỗng cơm vì T. mắt kém không thấy rõ. T. mắc chứng sợ nước, mỗi chiều, bà Bích phải nấu nước ấm, tắm gội cho T.. Mỗi sáng, bà Bích đưa T. và đứa con trai cùng tuổi đi học, chiều lại đón về. Bà Bích luôn động viên, dặn dò con trai kèm cặp, hướng dẫn T. cùng học. Dù là nạn nhân chất độc da cam nhưng suốt 3 năm học từ lớp 6 đến lớp 9, T. lên lớp đều đặn, tiến bộ thấy rõ.
Có những đợt, nhà bà Bích nhận nuôi cùng lúc 3 đứa trẻ. Những ngày đó, vợ chồng bà Bích chia nhau chăm sóc cả thảy 6 đứa trẻ con. Có năm gần Tết, hai đứa trẻ cùng đổ bệnh, vợ chồng bà chia nhau người ở bệnh viện, người ở nhà săn sóc các con. Dù vất vả, khó khăn nhưng nhìn các con ngoan ngoãn, khôn lớn từng ngày, với bà Bích đó là món quà lớn nhất.
“Trẻ mồ côi, tàn tật là những đối tượng đặc biệt nên khi nhận nuôi các cháu, người nuôi phải thật sự có tâm, có trách nhiệm mới có thể làm tốt được”, bà Bích nói.
Bà Bích luôn tâm niệm, không cần đem tiền đi từ thiện đâu xa, chỉ cần dang tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh xung quanh mình chính là cách từ thiện tốt nhất rồi. Bà luôn nói với các con, những đứa trẻ cũng rất khó khăn, thiếu thốn nên mới phải rời xa gia đình để đến sống với chúng ta. Do đó, chúng ta phải cố gắng bù đắp mọi thứ tốt nhất cho các cháu.
Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG