ĐNO - Hơn 30 năm mưu sinh ở lưng chừng đèo Hải Vân, cũng là hơn 30 năm vợ chồng ông Phạm Dạn – bà Đặng Thị Vang làm “công chuyện” giúp người bị nạn. Cứ nghe tin tai nạn ở đèo là ông bà “bỏ quán nước mà chạy đi cứu người”...
Bà Đặng Thị Vang bên hộp y tế với đầy đủ bông băng, thuốc sát trùng... để sơ cứu cho những người bị nạn. |
1. Chiều 20-12-2018 trở thành buổi chiều ám ảnh những người có mặt trên đoạn đường đèo Hải Vân thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Vụ tai nạn ở lưng chừng đèo hôm ấy khiến một tài xế xe bồn tử vong, khi chiếc xe mà anh cầm lái lao xuống vực. Người phụ xe đồng hành bị thương.
Giữa không khí kinh hoàng của vụ tai nạn, lực lượng chức năng, phóng viên và du khách có mặt ở hiện trường chứng kiến hành động đẹp của những người buôn bán trên đèo.
Trong số đó có cặp vợ chồng đứng tuổi, người chồng lăn xả xuống lòng vực hỗ trợ lực lượng chức năng tìm xác nạn nhân và đưa người phụ xe bị thương đi sơ cứu, người vợ tất tả mang nước uống cho các chiến sĩ công an và cảnh sát phòng cháy chữa cháy làm công tác cứu hộ.
Khi công việc cứu hộ ở hiện trường xong xuôi cũng là lúc hai vợ chồng tất tả trở về quán nước nhỏ của gia đình ở cách hiện trường không xa. Hỏi ra mới hay, ông tên Phạm Dạn (SN 1965), bà tên Đặng Thị Vang (SN 1966), trú phường Hòa Hiệp Bắc. Vụ tai nạn nói trên là một trong những câu chuyện buồn mà ông bà đã chứng kiến trong suốt 30 năm mưu sinh ở lưng chừng đèo.
Đó cũng là khoảng thời gian, ông bà gắn cuộc sống của mình với những lần cứu người gặp nạn trên đèo.
Cung đường đèo Hải Vân. |
2. Trưa nắng, tranh thủ quán nước vắng khách, vợ chồng bà Vang đi quanh một đoạn đường đèo từ quán về gần kho xăng Liên Chiểu để gom đất, đá bị sạt lở, rơi vãi ở lòng đường qua một bên.
Bà tâm sự: “Nhiều xe máy qua đèo không chú ý, cán phải đất, đá rơi vãi thì người lái dễ ngã ra đường, nguy hiểm lắm. Mình tranh thủ dọn bớt để người ta đi lại an toàn hơn”.
Việc làm của bà xuất phát từ một câu chuyện buồn. Đã quá lâu để bà nhớ rõ ngày, tháng hay năm. Ngày đó, có người đàn ông chạy xe máy băng đèo từ Thừa Thiên Huế về Đà Nẵng, không may va phải một hòn đá nằm ngay mặt đường. Cả người và xe đều ngã, đúng lúc một xe bồn phía sau trờ tới và chuyện đau lòng xảy ra…
Đó là nỗi day dứt trong lòng người phụ nữ sắp bước qua tuổi lục tuần. “Phải chi lúc ấy mình phát hiện ra cục đá sớm hơn, “tém” nó qua bên, đường sá sạch sẽ thì người ta đã không phải chịu nỗi đau như vậy”, bà Vang nhớ lại.
Ông Dạn kể rằng, vụ tai nạn lật xe bồn ngày 20-12 khiến ông nhớ lại hình ảnh chiếc xe tải đổ dốc rồi rơi xuống vực vào nhiều năm về trước. Dạo đó, hầm đường bộ Hải Vân chưa khánh thành. Xe cộ chạy qua chạy lại tấp nập trên đèo, tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa.
Vụ tai nạn khiến tài xế rơi khỏi cabin và mất xác, người lái phụ bị thương nặng được gia đình bà đón xe đưa vào bệnh viện. Số vàng dằn túi được bà Vang bán hết để đóng viện phí...
Cũng từ một vụ tai nạn, có cậu sinh viên năm 2 (xin giấu tên) quê ở tỉnh Đắk Nông, thỉnh thoảng vẫn liên lạc với gia đình bà, vẫn không quên “cô Vang, chú Dạn bán nước trên đèo”.
Cậu sinh viên chưa quen đường đèo Hải Vân, bị ngã xe, được vợ chồng bà Vang đưa vào bệnh viện trong tình trạng xuất huyết và… không có một người thân bên cạnh. Thấy thế, bà lại trích tiền đóng viện phí và tìm cách liên lạc về Đắk Nông. Chỉ khi người nhà nạn nhân có mặt, vợ chồng bà mới yên tâm trở về.
Bà Nguyễn Thị Thu, người bán quán cùng khu vực với vợ chồng bà Vang cho biết: "Ổng với bả hay vẫy xe đưa người vô bệnh viện. Những tài xế đa phần đều e ngại chuyện máu me tai nạn, nhưng nhờ sự thuyết phục của bà Vang mà nhiều nạn nhân được cứu chữa kịp thời".
Ông Phạm Dạn sửa xe cho du khách trên đèo Hải Vân. |
3. Quán nước của vợ chồng ông Dạn - bà Vang nằm trên đoạn dốc, có một mỏm đá lớn và góc nhìn đẹp, bao quát ra khu vực làng Vân nên được nhiều đoàn du khách ghé đến. Ngày ngày, bà Vang và các con bán nước uống và một số đồ ăn vặt, nhu yếu phẩm, đồ lưu niệm cho khách. Ông làm công việc sửa xe ngay ở quán và dọc trên đèo.
Chiếc điện thoại của ông Dạn thỉnh thoảng lại reo, rồi lại thấy ông nổ máy chạy đi. Bà Vang nói: “Khách của ổng gọi đó, ai gọi là chạy, sửa lưu động”. Tôi chạy theo ông về chân đèo hướng Đà Nẵng, đã thấy ông hì hục bên chiếc xe máy của hai du khách người nước ngoài.
Chúng tôi hỏi một người dân địa phương đi cùng hai du khách, mới biết ông Dạn sửa xe lưu động có tiếng trên đèo, có tiếng không chỉ vì ông sửa “có tâm”, không chặt chém du khách mà còn vì ông có thể sửa xe miễn phí nếu khách không đủ tiền sửa, khách là sinh viên…
Trong chiếc tủ cũ ở góc quán nước, bà Vang “trang bị” sẵn một hộp sơ cứu y tế với đủ loại bông băng, thuốc đỏ, thuốc sát trùng…
Theo bà, để phòng trường hợp người dân, du khách qua đèo có bị té ngã thì còn sơ cứu được tại chỗ. Cách đây chưa lâu, có đoàn du khách Ấn Độ 7 người bị ngã khi đổ đèo được cả nhà bà sơ cứu mà không lấy một đồng nào. Cũng có trường hợp khách qua đèo muộn, bà cũng cho phép khách tá túc qua đêm để tránh nguy hiểm.
Bà Vang cho biết: “Nếu là sinh viên, có ít tiền thì mình vá sửa miễn phí chứ tụi nhỏ tội. Chuyện lời lỗ có thể gác lại được. Ai nỡ lấy tiền. Khách té xe, mình nhận sơ cứu miễn phí. Ai thiếu tiền thì mình cho mượn để phòng thân khi qua đèo. Tôi luôn nói với các con là nên làm phúc, không được lấy tiền của người bị nạn”.
Bên cạnh việc cứu người, gia đình bà Vang còn tích cực giới thiệu với du khách những điểm đến thú vị ở đèo Hải Vân. Những du khách người Hàn, người Trung Quốc, người Pháp, người Anh… thích thú khi nghe bà chủ quán nhiệt tình chào mời, giới thiệu về Hải Vân bằng ngoại ngữ.
Bà chia sẻ: “Mình tự học mấy câu giao tiếp cơ bản, vừa giúp cho việc bán hàng, vừa “quảng bá du lịch” với khách, rứa mới “xịn”!”.
Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, khu vực đèo Hải Vân đã có thêm 2 vụ tai nạn liên tiếp trong vòng hơn 1 tháng làm nhiều người bị thương. Đáng buồn hơn, đã có 1 trường hợp tử vong hết sức đau lòng.
Bà Vang nói: "Từ ngày có hầm đường bộ Hải Vân, những vụ tai nạn ở đèo đã giảm bớt, nhưng vẫn còn đó những sự ra đi đáng tiếc mà một phần là do ý thức của người đi đèo".
Vợ chồng bả chỉ mong những ai qua đèo Hải Vân hãy cẩn thận hơn sau tay lái, biết kiểm soát tốc độ chạy xe vì sự an toàn của mình và người khác, để những chuyến đi qua "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" thực sự là những chuyến đi an bình và không giọt máu nào rơi.
Bài và ảnh: XUÂN SƠN