Người giữ bình yên trên biển

.

ĐNO - Nhiều lần cùng đồng đội tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, bắt tàu buôn lậu hay tham gia phòng, chống Covid-19, Đại úy Trần Văn Tiệp (41 tuổi), thuyền trưởng tàu BP 081202 thuộc Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã cùng đồng đội góp phần giữ gìn bình yên trên biển.

Đại úy Trần Văn Tiệp đang điều khiển tàu vượt sóng để cứu nạn trên biển. Ảnh: HỒNG QUANG
Đại úy Trần Văn Tiệp đang điều khiển tàu vượt sóng để cứu nạn trên biển. Ảnh: HỒNG QUANG

“Các đồng chí hãy sẵn sàng làm nhiệm vụ, chuẩn bị quăng dây sang tàu bị nạn...”, tiếng Đại úy Trần Văn Tiệp, thuyền trưởng tàu BP 081202 vang lên át đi tiếng sóng đang gầm gào giữa biển như muốn nuốt chửng các con tàu. Đó là mệnh lệnh của Đại úy Trần Văn Tiệp khi anh điều khiển tàu BP 081202 để tiếp cận tàu cá ĐNa 90166 của ngư dân đang gặp nạn trên biển.

Giữa cơn giông, sóng lớn dần tấp vào mạn tàu khiến tàu chao đảo. Những cán bộ, chiến sĩ trên tàu BP 081202 cũng mệt đừ, người ướt đẫm vì nước biển nhưng vẫn cố gắng bám trụ, tiếp cận tàu ngư dân bị nạn, quăng dây qua tàu ĐNa 90166 đang gặp nạn giữa biển để kéo vào bờ.

Tuy nhiên, sóng mỗi lúc một lớn, nước tràn nhiều vào khoang máy, hai ngư dân trên tàu gặp nạn cũng đã kiệt sức. Trong tích tắc, Đại úy Trần Văn Tiệp quyết định tung dây qua cứu hai ngư dân và cắt dây không cứu tàu vì con tàu đang chìm rất nhanh. Sau đó, nhờ được cứu chữa kịp thời, hai ngư dân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần dù phải hy sinh con tàu, bởi nếu chỉ chậm vài phút nữa, có thể đã không giữ được tính mạng. Đó là vụ cứu tàu mà Đại úy Trần Văn Tiệp nhớ nhất cách đây 2 năm tại vùng biển giáp ranh Huế - Đà Nẵng.

Hay như lần anh cùng đồng đội cứu nạn thành công tàu cá cùng 8 thuyền viên trôi dạt trên biển trước đó. Vào một buổi chiều cuối tháng 7, tàu cá ĐNa 90873 đang hành nghề cách Đà Nẵng khoảng 24 hải lý thì bị hỏng máy. Sau 1 ngày trôi dạt trên biển, máy vẫn không thể khắc phục được, trong khi đó thời tiết diễn biến phức tạp với gió to, sóng lớn nên thuyền trưởng Lê Văn Thành liên lạc với Trạm bờ của Đồn Biên phòng Phú Lộc yêu cầu được cứu hộ, cứu nạn. Chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Lộc nhanh chóng báo cáo về Bộ Chỉ huy.

Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã điều tàu BP 081202 do Đại úy Trần Văn Tiệp làm thuyền trường đi cứu nạn. Sau khi tiếp cận được tàu bị nạn, tàu Biên phòng 081202 đã tổ chức lai dắt tàu gặp nạn vào bờ, ngư dân đều an toàn trở về.

Không chỉ vậy, trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tuần tra kiểm soát, thực thi pháp luật, chống buôn lậu gian lận thương mại trên biển, Đại úy Trần Văn Tiệp cùng đồng đội luôn nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Đại úy Trần Văn Tiệp chia sẻ, khi tàu Biên phòng thông báo bằng loa truyền thanh yêu cầu tàu đối phương dừng lại để kiểm tra, cũng có những tàu chấp hành và dừng lại nhưng có những tàu cố tình không dừng lại buộc các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng phải dùng súng pháo hiệu bắn chỉ thiên, thậm chí có những đối tượng cố tình chống đối lực lượng chức năng.

Với những đóng góp đó, niềm vui đến khi Đại úy Trần Văn Tiệp được thăng quân hàm và được nâng lương trước thời hạn.

Thượng tá Nguyễn Văn Thương, Chính trị viên Hải đội Biên phòng 2 cho biết, chỉ tính riêng trong năm qua, đơn vị đã tổ chức 25 lượt tàu tuần tra, quản lý bảo vệ chủ quyền vùng biển, chống xuất nhập cảnh trái phép, phòng, chống Covid-19; đấu tranh phòng chống tội phạm. 12 lượt tàu cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và kịp thời cứu sống 2 ngư dân đưa vào bờ an toàn.

Đồng thời tuyên truyền vận động hàng trăm tàu cá ngư dân về nơi trú ẩn an toàn trong các cơn bão số 5, 6, 9, 13; kịp thời chữa cháy 10 tàu cá… Trong kết quả chung của đơn vị đó có sự đóng góp không nhỏ của Đại úy Trần Văn Tiệp, thuyền trưởng tàu BP 081202.

Ngoài khơi xa, những con tàu của ngư dân lại tiếp tục rẽ sóng ra khơi. Ở phía ngư trường, nơi ấy luôn có những hiểm nguy nhưng ngư dân luôn vững tin bởi có các anh - những người lính Biên phòng đang dõi theo, hỗ trợ kịp thời, ngày đêm gìn giữ bình yên của biển.

DOÃN QUANG

;
;
.
.
.
.
.