ĐNO - Hàng chục ý tưởng sáng tạo của những sinh viên trẻ với các giải pháp, mô hình ứng dụng thực tiễn gắn liền với thiết bị thông minh nhằm đón đầu xu thế của thời đại công nghệ 4.0 đã khiến khán giả thích thú và ngạc nhiên tại Cuộc thi Startup Runway-2022 do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng tổ chức vừa qua. Tại đây đã xuất hiện những gương mặt trẻ với nhiều ý tưởng sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế của cuộc sống.
Bạn Trần Đức Duy Anh (thứ hai, phải sang) cùng các bạn trong nhóm nhận giải Nhất với đề tài “Ứng dụng mua sắm và thử đồ trực tuyến”. Ảnh: CÔNG HOÀNG |
Những sinh viên trẻ đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ bằng những ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo, có tính khả thi cao. Đó là ý tưởng “Ứng dụng hỗ trợ định hướng nghề nghiệp” của nhóm The VirEXP, “Ứng dụng mua sắm và thử đồ trực tuyến” của Cyberpunk, “Ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị” của nhóm EnerG… Ngoài ra, các ý tưởng còn tập trung hướng đến giá trị cộng đồng gắn liền với phát triển bền vững, đáp ứng được nhu cầu thực tế của người tiêu dùng.
Bạn Trần Đức Duy Anh, sinh viên Khoa marketing, trưởng nhóm Cyberpunk, nhóm đạt giải Nhất với đề tài “Ứng dụng mua sắm và thử đồ trực tuyến” chia sẻ về việc hình thành ý tưởng này. Đó là từ thực tế nhận thấy những hạn chế trong việc mua sắm áo quần trực tuyến là người tiêu dùng không thể tìm hiểu trực tiếp về sản phẩm trước khi mua hàng nên nhiều khi mua phải hàng không ưng ý, Duy Anh đã nảy ra ý tưởng sáng chế ra ứng dụng để cho phép người tiêu dùng thử đồ trực tuyến rồi mới mua.
Duy Anh cho biết, ứng dụng mua sắm và thử đồ trực tuyến Fit On có giao diện dễ sử dụng, thân thiện với người dùng vì sử dụng chính hình mẫu cơ thể của khách hàng để thử đồ thay vì hình mẫu của người mẫu. Ứng dụng sử dụng tối ưu các công nghệ AI, AR; cảm biến LiDAR biến điện thoại thành chiếc máy quét 3D. Fit On dự tính sẽ hợp tác với nhiều thương hiệu thời trang không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế để đa dạng hóa sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể thử sản phẩm và mua trực tuyến trên ứng dụng Fit On.
Nhóm của bạn Nguyễn Văn Bình Huy, sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh thì lại chọn ý tưởng triển khai Ứng dụng hỗ trợ định hướng nghề nghiệp The VirEXP/WorVir Experience. Bình Huy cho biết The VirEXP/Worvir Experience là một ứng dụng hỗ trợ tìm hiểu ngành nghề và định hướng nghề nghiệp, đồng thời mang đến một cộng đồng kết nối những người có chung chí hướng, sở thích, ngành nghề để có thể trao đổi thông tin, kinh nghiệm và tìm được bạn đồng hành cùng chinh phục đam mê.
Bình Huy cho biết, hiện nay có không ít học sinh, sinh viên vẫn còn mơ hồ trong việc lựa chọn và định hướng nghề nghiệp phù hợp. Trong khi đó, những hình thức cung cấp thông tin về ngành nghề hiện nay vẫn chưa đủ phù hợp để các bạn học sinh, sinh viên hình dung rõ ràng về nghề nghiệp. Bên cạnh đó, dự án có thể được mở rộng sang các lĩnh vực, ngành nghề đang là xu hướng hiện nay hoặc tiềm năng tương lai để có thể tiếp cận, phổ biến với nhiều người dùng hơn. Chính vì vậy, Huy và nhóm bạn đã sáng chế ra ứng dụng này giúp các bạn trẻ định hướng tương lai tốt hơn.
Điểm nổi bật nhất của sản phẩm là thông tin, công việc của ngành nghề được mô phỏng chân thật bằng công nghệ AR. Điều này giúp người dùng dễ dàng hình dung về công việc dù họ chưa có kiến thức chuyên môn. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng làm cầu nối giữa người dùng để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, kết nối với nhau.
PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho biết các sinh viên có rất nhiều ý tưởng sáng tạo. “Chúng tôi muốn giúp các em nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo khởi nghiệp, từ đó thắp lửa đam mê học tập, nghiên cứu, sáng tạo, sẵn sàng hướng đến những dự án, sản phẩm khởi nghiệp triển vọng, trở thành các nhà doanh nghiệp tương lai của đất nước”, PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên nói.
CÔNG HOÀNG