Vai trò của báo chí trong công tác giám sát phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

.

Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã được khẳng định trong các nghị quyết của Ðảng và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 nhấn mạnh: cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng; phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng.

Báo Đà Nẵng luôn phát huy tốt sứ mệnh của mình trong công tác tuyên truyền, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố. Trong ảnh: Tòa soạn Báo Đà Nẵng chuẩn bị cho số báo in ra hằng ngày. Ảnh: PV
Báo Đà Nẵng luôn phát huy tốt sứ mệnh của mình trong công tác tuyên truyền, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố. TRONG ẢNH: Tòa soạn Báo Đà Nẵng chuẩn bị cho số báo in ra hằng ngày. Ảnh: PV

Báo chí tích cực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Theo các quy định của luật hiện hành thì báo chí không có thẩm quyền điều tra, thanh tra như các cơ quan pháp luật, nhưng thực tế cho thấy, các nỗ lực chống tiêu cực, tham nhũng có sự đóng góp xứng đáng của báo chí. Bằng các nguồn tin tố giác, báo chí thu thập chứng cứ, điều tra theo kênh đặc thù để cung cấp cho công luận. Đồng thời, báo chí tham gia giám sát, phát hiện và công khai các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, cung cấp cho các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên trách PCTNTC các thông tin quan trọng, cần thiết để tiến hành xác minh, điều tra.

Bên cạnh đó, tham gia cổ vũ, tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia công tác PCTNTC bằng việc tích cực giám sát, tố giác các hành vi tiêu cực để cơ quan điều tra có cơ sở tiến hành điều tra. Báo chí đã chủ động, tích cực, dũng cảm trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, phê phán những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Qua đó, góp phần giúp công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng tốt hơn, trong sạch hơn.

Thành phố Đà Nẵng có gần 110 cơ quan báo chí, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú với hơn 800 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên Trung ương và địa phương đang hoạt động, là lực lượng hùng hậu góp phần vào công tác giám sát, đấu tranh PCTNTC. Thời gian qua, thông qua các đơn thư tố cáo, nhiều cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn thành phố đã cử phóng viên xác minh thu thập thông tin, kịp thời phản ánh những tiêu cực ở nhiều lĩnh vực, góp phần giúp cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, làm rõ. 

Nỗ lực trong công tác tuyên truyền

Là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ thành phố, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và sự đồng hành, hỗ trợ, phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị, địa phương, Báo Đà Nẵng luôn phát huy tốt sứ mệnh của mình trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân; tích cực tham gia vào công tác giám sát, tuyên truyền phát hiện, đấu tranh PCTNTC trên địa bàn thành phố.

Với lực lượng nhà báo, phóng viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị chuyên môn được giao, Báo Đà Nẵng sẵn sàng tham gia vào công tác PCTNTC. Năm 2013, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới, trong đó nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ theo tinh thần “5 xây”, “3  chống. Trong đó, “5 xây” là “Trách nhiệm”, “Chuyên nghiệp”, “Trung thực”, “Kỷ cương”, “Gương mẫu”; đồng thời kiên quyết thực hiện “3 chống” các biểu hiện: “Quan liêu”, “Tiêu cực”, “Bệnh hình thức”. Báo Đà Nẵng ngay sau đó, mở chuyên mục “5 xây”, “3 chống”.

Đội ngũ phóng viên “gạo cội” của Báo Đà Nẵng sâu sát cơ sở, kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập, hạn chế của cán bộ, công chức, nhất là tình trạng hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu của một bộ phận cán bộ cơ sở trong thi hành nhiệm vụ. Từ những phản ánh của báo giúp các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh, nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có biểu hiện, hành vi sai phạm; thay thế những cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, giải quyết công việc chậm trễ, vi phạm đạo đức trong thực thi công vụ. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã chủ động trong việc lắng nghe dư luận, dự báo tình hình để đề ra các biện pháp hướng tới việc giải quyết tốt hơn những vấn đề người dân đang mong chờ; khắc phục tư tưởng làm việc cầm chừng, ngại va chạm...

Song song đó, từ các phản ánh, đơn thư tố cáo của người dân, đội ngũ phóng viên Báo Đà Nẵng thu thập chứng cứ để phản ánh kịp thời. Nổi bật như tình trạng “chạy trường”, “chạy lớp” ở các trường học; tình trạng khai thác đất, cát trái phép để san lấp mặt bằng tại các công trình trên địa bàn thành phố, gây thất thoát tiền của Nhà nước; tình trạng chôn lấp rác nguy hại ảnh hưởng đến môi trường sống... Những phản ánh của Báo Đà Nẵng giúp các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tháng 5-2022, thực hiện chỉ đạo của Trung ương về thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, Thành ủy đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và là một trong những tỉnh, thành phố thực hiện sớm nhất trong cả nước. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp Báo Đà Nẵng mở chuyên trang “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” và phát hành ngày 21 hằng tháng. Đến nay, chuyên trang đã phát hành được 7 số, với những nội dung hấp dẫn, phản ánh kịp thời kết quả công tác PCTNTC của thành phố, các cơ quan, đơn vị trong thời gian qua.

Song song đó, Báo Đà Nẵng kịp thời tuyên truyền kết quả công tác đấu tranh PCTNTC của thành phố; công tác thi hành kỷ luật Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng bộ thành phố và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy về một số tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm. Báo thông tin kịp thời kết quả điều tra, xét xử các vụ án tham ô, tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố; đồng thời định hướng dư luận để hiểu rõ hơn quan điểm của lãnh đạo thành phố về các vụ án tham ô, tham nhũng, tiêu cực.

Với sự nỗ lực, nhanh nhạy của đội ngũ phóng viên, sự nhạy bén của cơ quan báo trong việc kịp thời tổ chức các chuyên mục tuyên truyền đã góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh PCTNTC trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trước yêu cầu đẩy mạnh việc PCTNTC, Báo Đà Nẵng tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền; đồng thời nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ phóng viên, nhất là những phóng viên trực tiếp tham gia công tác xây dựng Đảng, công tác nội chính Đảng, PCTNTC.

Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền PCTNTC ngày một tốt hơn, kịp thời đến với độc giả, Báo Đà Nẵng đề nghị Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về PCTNTC chỉ đạo các cơ quan nội chính, tư pháp kịp thời cung cấp cho báo chí nói chung, Báo Đà Nẵng nói riêng những kết quả công tác điều tra các vụ án liên quan đến lĩnh vực này để kịp thời thông tin đến người dân. Qua đó, sẽ tạo thêm niềm tin của người dân vào công tác PCTNTC của Đảng nói chung, của thành phố nói riêng, đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí của báo chí, góp phần xứng đáng trong công tác PCTNTC trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.

NGUYỄN ĐỨC NAM
Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng

;
;
.
.
.
.
.