50 năm giữ "lửa" tuồng

.

Khi tiếng ca không còn vang khỏe, vũ đạo mất đi sự linh hoạt, NSND Trần Đình Sanh, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chọn một vị trí thầm lặng để quan sát, dõi theo, dìu dắt những đào, kép trẻ…

NSND Trần Đình Sanh trong vai tri huyện, vở “Nghêu, sò, ốc, hến” (ảnh do nhân vật cung cấp)
NSND Trần Đình Sanh trong vai tri huyện, vở “Nghêu, sò, ốc, hến” (ảnh do nhân vật cung cấp)

1. Cách đây 2 năm, trên đường đi khám bệnh định kỳ về, NSND Trần Đình Sanh gặp tai nạn giao thông khá nặng. Ròng rã một năm tập luyện vật lý trị liệu, khi sức khỏe bắt đầu hồi phục với những bước đi khó nhọc, ông lại đến với tuồng.

Không khó để nhận thấy dưới hàng ghế khán giả, NSND Trần Đình Sanh lặng lẽ dõi theo những buổi thi của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tại cuộc thi “Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2016”.

Năm 2017, cảm giác sức khỏe đã hồi phục 70%, ông lại sang khu nhà làm việc của đoàn biểu diễn Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (đường Tô Hiến Thành, quận Sơn Trà), nơi các diễn viên tập luyện mỗi ngày để làm “khán giả”, nhưng ông không chỉ thưởng thức mà còn không ngừng nhắc nhở các diễn viên.

Đôi khi không vừa ý, vị “khán giả” đặc biệt này sẵn sàng lên hát, làm mẫu về vũ đạo và chỉnh động tác, lời ca cho từng diễn viên. Có thể nói, những vở tuồng phục dựng, xây dựng mới trong mấy năm qua của nhà hát, kể cả huy chương vàng của diễn viên Thế Ngọc tại cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng, chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017, đều có sự đóng góp thầm lặng của NSND Trần Đình Sanh.

Song, khi kể về tình yêu dành cho nghệ thuật tuồng, NSND Trần Đình Sanh chỉ cho rằng đó là những điều hết sức bình dị, như hơi thở, cơm ăn, thức uống không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của ông. “Những ngày trên giường bệnh, trong cơn mơ hiện lên là sân khấu, nhân vật tuồng.

Nhà ngay khu tập luyện của đoàn biểu diễn nhà hát, mỗi khi tiếng trống chầu vang lên, tiếng hát của các em, các cháu văng vẳng, tôi chỉ muốn khỏe thật nhanh để hòa trong không khí tập luyện ấy”, NSND Trần Đình Sanh kể lại.

2. Ít ai ngờ, nghệ sĩ Trần Đình Sanh đến với tuồng chỉ với lý do được tham gia kháng chiến. Năm 1967, vùng quê Sơn Tây (Quế Thọ, Hiệp Đức, Quảng Nam) của ông ngùn ngụt khí thế chiến đấu. Cũng giống như bao lớp thanh niên trong làng, Trần Đình Sanh lúc đó tròn 17 tuổi có niềm mong ước duy nhất là được tham gia kháng chiến.

Tuy nhiên, vì thể trạng yếu, Trần Đình Sanh bị từ chối. Cơ hội được tham gia kháng chiến mở ra một lần nữa cho Trần Đình Sanh khi Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập Đoàn tuồng Giải phóng Quảng Nam (ĐTGPQN) do NS Hoàng Minh Hiệp làm Trưởng đoàn và mời 3 nghệ sĩ vừa thoát chết trong trận Mỹ đổ quân tập kích Đoàn Nghệ thuật khu 5 bắt, giết gần hết đoàn lúc họ đang biểu diễn ở Hoài Ân, tỉnh Bình Định; gồm:

NSƯT Trần Ngọc Tư (Tư Bửu), Lê Quang Ngạch, Phạm Văn Điền để lo công tác tuyển sinh khắp các làng quê Quảng Nam... Gia đình vốn không theo nghệ thuật truyền thống, nhưng ai cũng có “máu” văn nghệ, hát được, diễn được nên Trần Đình Sanh thừa hưởng “gen” nghệ thuật, cộng thêm “vốn liếng” trong những năm làm du kích tại địa phương tham gia phong trào văn nghệ. Nhờ đó, Trần Đình Sanh trở thành một trong 6 người của Quế Sơn trúng tuyển ĐTGPQN.

NSND Trần Đình Sanh cho biết, từ tháng 7-1967 đến đầu năm 1968, bên cạnh nhiệm vụ tuyển sinh, đào tạo gấp rút để chuẩn bị biểu diễn phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 68, anh em trong đoàn vừa lo xây dựng hậu cứ, dựng lán trại làm phòng tập, nhà ở, đào hầm chống phi pháo, vừa lo móc nối cơ sở ở thị xã Tam Kỳ, Đông Quế Sơn, Bắc Tam Kỳ để mua lương thực, thực phẩm, đạo cụ, trang phục, nhạc cụ... chuyển về hậu cứ.

Không may khi lớp học bắt đầu thì Trần Đình Sanh ngã bệnh, nằm liền 3 tháng trời, bị mất giọng. Trong quãng thời gian đó, cả lớp đã xong những kỹ năng cơ bản. Sợ Trần Đình Sanh không theo kịp, lãnh đạo tính toán cho ông về quê.

“Nghe tin đó, tôi thật sự choáng. Một cảm giác sụp đổ, thất vọng xâm chiếm bởi không thể hát, nghĩa là không thể học được, không thể biểu diễn phục vụ kháng chiến. Thấy tôi tha thiết ở lại, thầy Tư Bửu đứng ra bảo lãnh dạy dỗ để tôi theo kịp đoàn.

Rồi thầy chọn cho tôi một vai diễn không hát, không múa, đó là vai Trần Lộng - một vai phản diện trong vở Trần Bình Trọng. Vai này chỉ nói và diễn, nhưng với tôi, được ở lại, được biểu diễn phục vụ kháng chiến là tốt rồi”, NSND Trần Đình Sanh nhớ lại.

Cuối cùng, vở diễn “Trần Bình Trọng” chính thức ra mắt vào đêm trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, với sự theo dõi, cổ vũ của lãnh đạo Khu ủy khu 5, Tỉnh ủy Quảng Nam và cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng, nhân dân các xã vùng giải phóng của huyện Tiên Phước, thành công không ngờ.

Sau đêm ra mắt ấy, đoàn đi biểu diễn phục vụ chiến dịch Xuân 68. Từ năm 1968 đến 1970, đoàn dựng thêm nhiều vở diễn khác để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và bà con vùng giải phóng, vùng giáp ranh. Có những thời điểm phải biểu diễn trong hầm bí mật, vừa đi biểu diễn phục vụ vừa thực hiện nhiệm vụ chống càn như du kích.

Trong thời gian này, Trần Đình Sanh được giao thêm một vài vai khác như Trần Khánh Dư, vai Lão… Tất cả đều là vai ngắn, vai nhỏ nhưng Trần Đình Sanh tập trung vào mỗi vai diễn, đồng thời chú ý quan sát những vai diễn lớn của anh chị em trong đoàn, ghi nhớ từng động tác, lời ca của các thầy hướng dẫn.

Tháng 8 năm 1970, trong danh sách 14 người được cử ra Bắc học Trường Sân khấu nghệ thuật Việt Nam có tên Trần Đình Sanh. Lúc này giọng hát của ông đã bắt đầu hồi phục.

Tại buổi ra mắt ở trường học mới, ĐTGPQN chọn vở Lam Sơn khởi nghĩa để biểu diễn và cũng là lần đầu tiên Trần Đình Sanh được giao vai chính Lê Lợi (thế vai diễn viên đóng kép vì lý do riêng không ra Bắc). Dù chỉ tập trong thời gian ngắn nhưng từng quan sát các thầy và nghệ sĩ biểu diễn trước đó, Trần Đình Sanh cảm thụ rất nhanh và diễn khá thành công nên đã lọt vào “mắt xanh” của các thầy, được chuyển hẳn sang học kép.

Tại đây, ông được học các vai tuồng mẫu mực như: Đổng Kim Lân trong vở “Sơn Hậu”, Triệu Tư Cung trong vở “Ngọn lửa Hồng Sơn”, Hoàng Phi Hổ trong vở “Hoàng Phi Hổ phản Trụ đầu Chu”, Trần Thủ Độ trong vở “Lịch sử hãy phán xét”, Tri huyện trong vở “Nghêu, sò, ốc, hến”, Sư già trong vở “Sư già và em bé”…

Sau 3 năm học, tốt nghiệp loại xuất sắc, tháng 6 năm 1974, ông trở lại chiến trường, mang theo những tinh túy đã học được từ các bậc thầy lừng danh như: Giáo sư Hoàng Châu Ký, NSND Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Văn Phước Khôi, Đinh Quả, Văn Bá Anh, Dương Long Căn, Hồ Hữu Có… phục vụ chiến đấu.

NSND Trần Đình Sanh mượn các câu thơ của nhà thơ Thanh Quế để nói về mình và đồng đội trong thời gian phục vụ chiến đấu: “Trong chiến tranh tôi gặp một đội Tuồng/ Đi biểu diễn ở một vùng giáp ranh/ Đêm hôm trước họ là những diễn viên/ Sáng sau giặc càn, họ thành du kích”.

3. Đến với tuồng khi chưa đầy 20 tuổi, trong những năm tháng mưa bom, lửa đạn, chàng trai trẻ Trần Đình Sanh khi đó đã thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ bằng tình yêu tuồng, yêu nghề trên những sân khấu đơn sơ để phục vụ chiến sĩ, đồng bào. Cho đến thời bình, cái tình và cái tài của NSND Trần Đình Sanh vẫn tỏa sáng trên sân khấu.

Với lối diễn chuẩn mực, xuất thần, lời ca đầy nội lực, NSND Trần Đình Sanh để lại dấu ấn trong lòng khán giả với hàng loạt vai diễn và sự kính trọng của đồng nghiệp, học trò trước sự tài hoa, mẫu mực, chuyên nghiệp về một nghệ sĩ tuồng thực thụ.

Chính vì thế, ông luôn đòi hỏi cao ở học trò sự nghiêm túc với nghề mình chọn. Cuộc sống của nghệ sĩ tuồng còn nhiều khó khăn, nhưng ông luôn nhắc nhở học trò về vị trí của diễn viên tuồng là trên sân khấu nhà hát với những vai diễn chất lượng, khẳng định mình chứ không phải nơi nào khác.

 “Tôi yêu tuồng vì hình như đã thành thói quen. Người ngoài nhìn vào sân khấu tuồng thấy cái gì khó gần lắm, nhưng vào rồi, học, hiểu tuồng rồi thì “bị” tuồng quyến rũ. Tôi chỉ mong có sức khỏe để truyền dạy cho thế hệ trẻ những gì học được từ các thầy ngày ấy, chứ không thì có lỗi với các thầy, với đồng đội tôi ngày ấy”, NSND Trần Đình Sanh khép lại câu chuyện.

NSƯT Nguyễn Văn Quang: Tôi học được rất nhiều điều từ thầy Trần Đình Sanh, nhất là nhiệt huyết, đam mê với nghề. Tất cả những gì tinh túy của tuồng, thầy truyền dạy lại, gởi gắm cho thế hệ trẻ. Tôi được đứng trên sân khấu thế này đều nhờ sự hướng dẫn của thầy. Tôi chỉ sợ rằng mình không cảm thụ hết...

NGỌC  HÀ

;
.
.
.
.
.
.