Gần 20 năm gắn bó với làng đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn), nhà điêu khắc người Na Uy Oyvin Storbaekken cũng đến lúc nói lời tạm biệt vì lý do sức khỏe. Dẫu vậy, trái tim ông vẫn luôn hướng về Đà Nẵng và nỗ lực tìm kiếm đối tác phát triển điêu khắc đá tại thành phố này.
Nhà điêu khắc người Na Uy Oyvin Storbaekken bên tác phẩm “Sóng biển”, ông dành tặng cho Đà Nẵng. |
Hẹn gặp ông vào một ngày cuối tháng 3 tại xưởng chế tác đá thuộc Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng, giữa ngổn ngang những tảng đá to lớn, sần sùi và những bức tượng đã thành hình hài dưới bàn tay tài hoa của người thợ đá, vẫn nụ cười thân thiện, ông Oyvin nói: “Tình yêu với đá thì luôn nóng bỏng trong trái tim tôi, song đôi tay đã không còn khỏe mạnh để thao tác trên những khối đá to. Nhiệm vụ còn lại phải trông cậy vào những người thợ tài hoa của làng đá”.
Bất chợt, ký ức của những ngày đầu bén duyên với đá Non Nước ùa về, khiến nhà điêu khắc ngoài 70 tuổi bỗng dâng lên niềm xúc động. Ngày ấy, năm 2001, trong một dịp ghé thăm làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, ông Oyvin Storbaekken đem lòng say mê làng đá này.
Từ đó, ông ấp ủ ý định hình thành trung tâm điêu khắc đá tại đây với tham vọng đưa điêu khắc đá Non Nước phát triển thành một môn nghệ thuật, thay vì xem đây chỉ là một nghề thủ công. Dự án của ông được Bộ Ngoại giao Na Uy tài trợ, sau đó là Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD) với sự quản lý của Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV) và chính thức hoạt động từ năm 2003.
Nói về cơ duyên ông Oyvin gắn bó gần 20 năm với Đà Nẵng, nhà điêu khắc Phạm Hồng cho biết thêm: “Ông Oyvin có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Tôi được biết vợ chồng ông từng xuống đường phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Nơi ông đến Việt Nam đầu tiên là Hà Nội trong đợt sáng tác thực tế về tượng gỗ.
Ông từng học chạm đá ở Ý và đặc biệt yêu thích loại hình này, nhiều người trong nghề đã giới thiệu ông về Đà Nẵng. Ngay lần đầu tiên đến làng đá Non Nước, ông đã tỏ ra thích thú và qua những lần trò chuyện, tôi và ông đã “gặp nhau” ở ý tưởng về điêu khắc đá.
Có thời điểm, Quảng Nam cũng muốn kéo ông về phát triển điêu khắc nhưng ông đã chọn Đà Nẵng và gắn bó đến tận bây giờ. Gần 20 năm cộng tác với nhau, điều tôi ấn tượng về Oyvin là một người tâm huyết với đá, trách nhiệm với nghề nghiệp, thân thiện với mọi người. Tôi nghĩ, ông là tấm gương để học tập...”
Dự án điêu khắc đá trở thành nơi các nhà điêu khắc cùng chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm, ý tưởng sáng tác. Đã có 70 nhà điêu khắc từ nhiều quốc gia đến tham quan tìm hiểu, trong đó có trên 40 người từ Na Uy, Thụy Điển, Đức, Hà Lan, Áo, Mỹ, Úc… ở lại nhiều tuần để sáng tác và hoàn thiện tác phẩm của mình. Một số tác phẩm lớn ra đời như Bánh răng công nghiệp của Hans Martin Oien; Gương mặt âm bản, Đôi mắt của Hilde Maehlum; Chảy, Sóng ánh sáng của Gunn Harbitz…
Đặc biệt, từ sáng kiến của ông Oyvi Storbaekken, Hội trại Điêu khắc Đà Nẵng - Na Uy được tổ chức năm 2006 tạo cơ hội cho nhà điêu khắc ở Na Uy, Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, làm việc cùng nhau bên những tảng đá nặng hàng chục tấn. Sau hội trại, nhiều tác phẩm được Ban tổ chức trao tặng lại thành phố Đà Nẵng để trưng bày bên bờ đông sông Hàn.
Ông Oyvin say mê chế tác tại cơ sở của Quỹ Điêu khắc đá Đà Nẵng. |
Theo ông Oyvin, Đà Nẵng có làng nghề đá truyền thống, với những lớp người làm nghề kế cận qua nhiều thế hệ là điều không phải nơi nào cũng có được, nhưng để nghệ thuật điêu khắc đá Đà Nẵng phát triển lại không dễ dàng. Bởi trở thành một nhà điêu khắc chân chính rất khó khăn.
Một nhà điêu khắc phải song hành hai nhiệm vụ: tạo ra sản phẩm thương mại để kiếm sống và sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Bản thân ông cũng vậy, ngoài những sáng tác cá nhân thì phải làm những đơn hàng theo ý khách.
Có điều tại Na Uy và một số quốc gia khác, nghệ sĩ được hỗ trợ tài chính từ nhiều nguồn khác nhau để thực hiện dự án nghệ thuật. Còn tại Việt Nam, nghệ sĩ khó khăn hơn rất nhiều trong việc tìm kiếm nguồn hỗ trợ sáng tạo.
“Từ Quỹ Điêu khắc đá, nhiều người thợ được nâng cao tay nghề rõ rệt, một số khẳng định năng lực bằng việc chế tác, gia công các tác phẩm điêu khắc phục vụ công trình nhà thờ lớn ở Ba Lan, Mỹ và một số sản phẩm điêu khắc nghệ thuật khác ở Na Uy, Anh…; một số mở cơ sở riêng và có nhiều tác phẩm điêu khắc tham gia triển lãm.
Nhưng tôi hy vọng trong tương lai có vài em nữ tham gia vào việc đào tạo từ dự án, bởi bây giờ máy móc đã hiện đại, nhà điêu khắc không cần phải dùng quá nhiều sức, phụ nữ vẫn có khả năng được đào tạo thành những nhà điêu khắc giỏi.
Ở Na Uy, tôi có người bạn nữ 67 tuổi, có 7 người con nhưng vẫn đục đá bình thường. Công việc này không chỉ dành cho nam giới, mọi người đều có thể làm được, nhiều nữ điêu khắc rất nổi tiếng”, ông Oyvin nói.
Gần 20 năm gắn bó với Đà Nẵng, trong thâm tâm của ông Oyvin, thành phố này đã cho ông nhiều niềm hạnh phúc. Đó đơn giản chỉ là nụ cười thân thiện, là tiếng chào “hê-lô” khi người dân gặp ông. Đó còn là cơ duyên để ông gặp gỡ những người thợ mang tình yêu với đá, trở thành học trò, đồng nghiệp của ông trong suốt thời gian qua.
“Khó mà nói hết tình cảm của tôi đối với mảnh đất này. Tình cảm ấy được tôi tạc vào trong đá với tên gọi Sóng biển, lấy cảm hứng từ hình ảnh biển cả gắn bó thân thương bao đời với người dân Đà Nẵng. Bằng sự cách điệu cánh tay người phụ nữ thành những con sóng, bức tượng nói lên biển cả như người mẹ vỗ về, che chở cho người Đà Nẵng.
Đây như một món quà tạm biệt và lời cảm ơn tôi dành tặng cho Đà Nẵng, cho những người bạn của tôi tại thành phố này. Một phần trái tim của tôi đã ở nơi đây, nên dù có trở lại hay không, trái tim tôi vẫn luôn hướng về Đà Nẵng và nỗ lực tìm kiếm đối tác phát triển điêu khắc đá tại thành phố này”, ông Oyvin chia sẻ.
Điều đặc biệt, người thực hiện tác phẩm Sóng biển lần này là hai học trò “ruột” của ông Oyvin. Anh Hùng Sơn (SN 1979), học trò được ông Oyvin dạy nghề 15 năm tâm sự: “May mắn trong đời tôi là được gặp ông Oyvin, được chỉ dạy tận tình về nghệ thuật điêu khắc hiện đại, nếu không, tôi vẫn chỉ là một người thợ bình thường với kỹ thuật sao chép, làm theo mẫu.
Tin thầy Oyvin về nước và khó hẹn ngày gặp lại khiến tôi buồn lắm. Chỉ biết cố gắng hết sức mình hoàn thành tác phẩm Sóng biển như ý tưởng của thầy và nỗ lực truyền những gì thầy đã dạy cho thế hệ sau này”.
Góp thêm câu chuyện, bà Phan Quỳnh Hương, Giám đốc Quỹ Điêu khắc đá Đà Nẵng cho biết: “Cùng với tác phẩm “Sóng biển”, Quỹ Điêu khắc đá vận động nhà điêu khắc Phạm Hồng hiến tặng tác phẩm “Dòng sữa mẹ”.
Quỹ Điêu khắc đá thực hiện thi công (tượng và đế tượng) với tổng giá trị 950 triệu đồng, tặng cho thành phố trong khuôn khổ dự án phát triển các tượng điêu khắc nghệ thuật đặt ở các địa điểm công cộng của Đà Nẵng do Quỹ khởi xướng.
Hai tác phẩm đã được nghiệm thu và chuẩn bị thi công lắp đặt vào cuối tháng 3-2018 trên tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp. Thời gian đến, Quỹ tích cực tham gia các hoạt động về điêu khắc ở Đà Nẵng, phát triển quỹ như một “địa điểm giao lưu văn hóa, sáng tác nghệ thuật điêu khắc”, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ tạo nguồn thu ổn định cho quỹ. Đó cũng là cách chúng tôi tri ân những người sáng lập ra quỹ và hỗ trợ quỹ trong thời gian qua, đặc biệt là Oyvin Storbaekken”.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ